Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM), cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư, tạo động lực phát triển sản xuất, nâng cao toàn diện đời sống người dân nông thôn, diện mạo NTM ngày càng khởi sắc. Ðây là thành tựu quan trọng của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh ta sau 64 năm giải phóng và 14 năm chia tách thành 2 tỉnh Lai Châu và Ðiện Biên.
Triển khai Chương trình MTQG xây dựng NTM, ngày 18/11/2011, Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU, về xây dựng NTM tỉnh Ðiện Biên giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020. Thực hiện Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy, cấp ủy và chính quyền các cấp xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn. Xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đảm bảo nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm và dân hưởng thụ”. Quá trình triển khai thực hiện, có sự kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng - an ninh; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân các dân tộc khu vực nông thôn.
Toàn tỉnh hiện có 116 xã, trong đó 29 xã biên giới thực hiện xây dựng NTM. Phần lớn các xã có xuất phát điểm kinh tế - xã hội thấp, đặc biệt khó khăn. 7 năm qua, các xã đã huy động nhiều nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng NTM và đạt những kết quả tích cực. Ðặc biệt là từ khi triển khai thực hiện Kết luận số 12 - KL/TU, ngày 2/12/2016 của Tỉnh ủy về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU về xây dựng NTM tỉnh Ðiện Biên giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020. Trên cơ sở đó, ngày 10/12/2016, HÐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 50/NQ-HÐND về Chương trình xây dựng NTM tỉnh Ðiện Biên giai đoạn 2016 - 2020; ngày 23/12/2016, UBND tỉnh ra Quyết định số 1587/QÐ-UBND phê duyệt Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020. Kết quả thực hiện giai đoạn 2016 - 2018, toàn tỉnh đã huy động được hơn 4 nghìn tỷ đồng đầu tư xây dựng NTM. Trong đó, vốn trực tiếp Chương trình MTQG xây dựng NTM chiếm 14,4%; vốn ngân sách địa phương 0,60%; vốn lồng ghép các chương trình, dự án 81,33%; vốn tín dụng 1,81%; vốn doanh nghiệp 0,04% và đóng góp của người dân chiếm 1,78%.
Từ các nguồn vốn này, hệ thống giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, trường học, trạm y tế, thiết chế văn hóa - thể thao được đầu tư xây mới, nâng cấp; thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, cải thiện nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn 116 xã. Qua đó diện mạo nông thôn từng ngày khởi sắc, nâng cao đời sống người dân. Tháng 12/2015, Thanh Chăn là xã đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn NTM, đến nay toàn tỉnh có 16 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn, vượt 9 xã so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao giai đoạn 2016 - 2018; 2 đơn vị cấp huyện (TX. Mường Lay và TP. Ðiện Biên Phủ) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Riêng năm 2017 có 9 xã: Thanh Hưng, Thanh Nưa, Thanh Xương, Thanh An, Thanh Luông, Thanh Yên, Pom Lót (huyện Ðiện Biên); Tà Lèng (TP. Ðiện Biên Phủ), Lay Nưa (TX. Mường Lay) đạt chuẩn NTM và 3 xã: Mường Phăng (huyện Ðiện Biên), Sín Thầu (huyện Mường Nhé), Chà Nưa (huyện Nậm Pồ) cơ bản đạt chuẩn. Các xã còn lại có 13 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí; 39 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí; 29 xã dưới 5 tiêu chí. Hiện nay, thu nhập bình quân của người dân khu vực nông thôn ước đạt 15 triệu đồng/người/năm (tăng 4,9 triệu đồng so với năm 2015); tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn 41,01%; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 98,7%; hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 80,36%.
Về kết quả xây dựng NTM thời gian qua, đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh đánh giá: Mặc dù gặp nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế, địa hình, nhưng với nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự đồng thuận, ủng hộ của người dân, Chương trình xây dựng NTM đã tạo động lực phát triển mới trên địa bàn 116 xã của tỉnh. Các dự án đã phát huy hiệu quả đầu tư, đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống nhân dân. Ðiều kiện kinh tế - xã hội, an ninh trật tự tại địa bàn các xã đạt chuẩn NTM phát triển, ổn định đã tạo niềm tin, động viên nhân dân các dân tộc toàn tỉnh chung tay xây dựng NTM. Minh chứng là nhiều hộ gia đình tự nguyện hiến đất, đóng góp công sức để xây dựng giao thông nông thôn, nhà văn hóa. Trong sản xuất nông nghiệp đã triển khai có hiệu quả các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản; trồng rau an toàn, cây ăn quả. Người dân đã có chuyển biến nhận thức về phương thức sản xuất; chủ động lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện sản xuất của địa phương và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng.
Kế hoạch năm 2018, toàn tỉnh có thêm 6 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM; số tiêu chí NTM bình quân toàn tỉnh đạt 8,33 tiêu chí/xã; hết năm 2018 giảm còn 18 xã dưới 5 tiêu chí và đến hết tháng 6/2019 không còn xã dưới 5 tiêu chí; thực hiện hiệu quả chương trình “mỗi xã một sản phẩm”… Ðể đạt mục tiêu đó, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện chương trình để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Tiến hành rà soát, phân loại các dự án đầu tư, nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất để có cơ chế lồng ghép và sử dụng hợp lý theo từng chương trình, dự án. Tiếp tục huy động các nguồn lực từ cộng đồng xã hội, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng NTM.
Hà Nguyễn