Những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nam Định luôn quan tâm chỉ đạo các ngành, đoàn thể, các địa phương triển khai thực hiện tốt chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác giảm nghèo. Với nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả, các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh đã tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ, học nghề, có việc làm, giúp nhiều hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.
|
Lớp dạy nghề may công nghiệp cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 tại cơ sở may
của anh Nguyễn Quốc Trị, xã Hải Phương (Hải Hậu)
|
Thực hiện Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 19-12-2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo. Trong đó, tập trung chỉ đạo các ngành, các địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ người nghèo về y tế, GD và ĐT, dạy nghề, bảo trợ xã hội, nhà ở và tín dụng ưu đãi. Với mục tiêu 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và các chính sách giảm nghèo, từng bước cải thiện, nâng cao điều kiện sống; giúp mọi tầng lớp nhân dân có năng lực vật chất cần thiết để đối phó tốt nhất với các rủi ro, đảm bảo giảm nghèo bền vững, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về giảm nghèo, thành lập BCĐ và triển khai thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo làm cơ sở thực hiện hiệu quả chính sách và các giải pháp giảm nghèo, bảo đảm đúng đối tượng.
Các địa phương lồng ghép triển khai thực hiện mục tiêu giảm nghèo với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), các địa phương trong tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và đến nay đã cơ bản hoàn thành theo quy hoạch chuẩn NTM. Các công trình ngày càng phát huy hiệu quả tích cực, làm giảm thiểu rủi ro thiên tai, bảo vệ môi trường, cải thiện thị trường, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo điều kiện cho người nghèo, cận nghèo cải thiện sinh kế, cải thiện điều kiện sống. Các ngành chức năng, các địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ, mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội về việc làm, thu nhập, đảm bảo mức tối thiểu các dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân, trợ giúp những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong đó, nhiều hoạt động được các ngành chức năng tập trung thực hiện có hiệu quả như: triển khai thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động để tiếp cận cơ hội việc làm. Đẩy mạnh các hoạt động kết nối thông tin thị trường lao động. Tiếp tục thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi cho vay giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, cho vay học sinh, sinh viên, cho vay phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tích cực tuyên truyền, vận động nông dân, người lao động tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; chỉ đạo thực hiện kịp thời, đầy đủ chính sách trợ cấp, trợ giúp đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho 13.318 lượt học sinh, sinh viên với tổng số tiền trên 5 tỷ đồng; có 671 lao động nông thôn thuộc diện hộ nghèo được hỗ trợ học nghề theo Đề án 1956 với tổng kinh phí trên 2,1 tỷ đồng. Về y tế, 100% người thuộc hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ mua thẻ BHYT. Từ năm 2016 đến nay, có 168.893 lượt người nghèo, 444.586 lượt người cận nghèo được hỗ trợ mua thẻ BHYT, với tổng kinh phí 291 tỷ đồng; hỗ trợ 50% chi phí mua BHYT cho 330.345 lượt người thuộc hộ nông, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình, với tổng chi phí 295 tỷ đồng.
Nhằm giải quyết khó khăn của hộ nghèo là thiếu vốn đầu tư phát triển sản xuất, tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương quan tâm triển khai có hiệu quả chương trình cho hộ nghèo vay vốn hỗ trợ lãi suất. Ba năm qua, toàn tỉnh đã có 57.608 lượt hộ được vay vốn với số dư đạt 1.568 tỷ đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh; trong đó có 26.353 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo vay vốn. Cùng với vay vốn, các hộ nghèo được tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, được đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, tạo thu nhập, ổn định cuộc sống thông qua các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, tiêu biểu như dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Trong khuôn khổ dự án, Sở NN và PTNT đã tổ chức tập huấn cho 252 lao động; triển khai 2 dự án hỗ trợ phát triển chăn nuôi, 1 dự án phát triển nghề thủ công. Sở LĐ-TB và XH xây dựng mô hình phát triển nuôi ong mật, tăng thu nhập của hộ nghèo, cận nghèo tại các huyện Xuân Trường, Mỹ Lộc; mô hình chăn nuôi bò sinh sản tại các huyện Giao Thủy, Nam Trực. Thực hiện Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo; đến nay đã hỗ trợ sửa chữa và xây mới nhà ở cho 726 hộ nghèo với tổng kinh phí 17,9 tỷ đồng. Với các biện pháp hỗ trợ đồng bộ, giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho hộ nghèo, đa số hộ nghèo, hộ cận nghèo đã tự học nghề, lựa chọn loại hình sản xuất phù hợp gắn với thị trường, mạnh dạn ứng dụng giống mới, công nghệ mới vào sản xuất để vươn lên thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 3,91% (năm 2016) hiện còn 2,41%.
Nhằm đảm bảo giảm nghèo bền vững, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh tuyên truyền về tiếp cận nghèo đa chiều, về mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong triển khai thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo; gắn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững với thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Tăng cường công tác vận động thực hiện trách nhiệm xã hội, động viên các tổ chức, cá nhân ủng hộ hỗ trợ người nghèo. Thực hiện tốt các chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo gắn với các giải pháp nâng cao chất lượng giảm nghèo và giảm nghèo bền vững./.
Ngọc Long