Thứ Hai, 20/1/2025
Giúp đồng bào vùng cao Quảng Nam thoát nghèo

 Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 207 tặng bò giúp các hộ nghèo
ở huyện Tây Giang vươn lên trong cuộc sống

Thành quả ấy có được là nhờ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vùng cao các huyện: Tây Giang, Nam Giang (Quảng Nam) cần cù, chịu thương, chịu khó, đồng thời còn có sự chung tay, góp sức của cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) 207 (Quân khu 5).

Đường lên Tây Giang, Nam Giang bây giờ thấp thoáng mái ngói đỏ tươi ẩn mình dưới những vườn cây xanh… Những gương mặt người dân vui tươi, tin tưởng… Câu chuyện Đại tá Nguyễn Quý Hoàng, Chính ủy Đoàn KT-QP 207 bắt đầu từ những ngày “chân ướt chân ráo” lên xây dựng khu KT-QP Tây Giang-Nam Giang. Ngày ấy, các xã: Chơ Chun, La Êê, La Dê, Ga Ri, Ch’Ơm, A Xan, Tr’Hy... đặc biệt khó khăn; cơ sở vật chất hạ tầng còn thấp kém, không đường, không điện, không có phương tiện, thông tin liên lạc chưa được xây dựng; đất đai bạc màu, khí hậu khắc nghiệt; đồng bào DTTS chiếm tỷ lệ cao, trình độ dân trí thấp, còn tồn tại nhiều tập tục lạc hậu. Kinh tế của đồng bào chủ yếu tự cung tự cấp, tỷ lệ hộ đói nghèo cao (hơn 70%)...

Hồi đó, cán bộ, chiến sĩ, người lao động Đoàn KT-QP 207 về tận các thôn tuyên truyền, vận động bà con đẩy mạnh phát triển sản xuất, tạo yếu tố bước đầu cho phát triển hàng hóa. Buổi đầu bà con chưa tin, chưa hiểu khái niệm khuyến nông, khuyến lâm là gì nên công tác tuyên truyền gặp nhiều khó khăn. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, cán bộ, chiến sĩ đoàn làm thí điểm mô hình mẫu về sản xuất nông, lâm nghiệp; quản lý và chăm sóc rừng; khai hoang, mở mang đồng ruộng, xây dựng các ngân hàng cây, con giống, các mô hình mẫu trong khu KT-QP và vùng phụ cận; tổ chức dịch vụ “hai đầu”, tạo kinh tế hàng hóa trên nền kinh tế hợp tác; áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, chuyển dần hình thức sản xuất tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa. Đơn vị chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đến người dân, hướng dẫn bà con trồng trọt, chăn nuôi để xóa đói, giảm nghèo, làm giàu trên chính quê hương mình...

Nói về kết quả thực hiện các chương trình dự án khu KT-QP, Đại tá Trần Văn An, Đoàn trưởng Đoàn KT-QP 207 cho biết: “Từ đặc điểm tình hình và đề nghị của chính quyền địa phương, chúng tôi chú trọng đầu tư phát triển các công trình trọng điểm phục vụ quốc kế dân sinh, như: Xây dựng 46 hạng mục cơ sở hạ tầng trong vùng dự án với kinh phí hơn 102 tỷ đồng, bao gồm 2 điểm trường tiểu học, 8 điểm trường mẫu giáo, 1 nhà bán trú, 3 trạm y tế, 1 nhà văn hóa xã; hoàn chỉnh 13,2km đường giao thông kiên cố miền núi và 1 đập thủy lợi, 2 hệ thống cấp nước sạch; cải tạo 7,8ha ruộng lúa nước, 25ha ruộng hoa màu...

Đối với vấn đề an sinh xã hội, đơn vị chỉ đạo bệnh xá quân dân y phối hợp với Phòng khám Đa khoa huyện Nam Giang, Tây Giang tổ chức khám bệnh, điều trị, cấp thuốc miễn phí cho hơn 54.895 lượt người dân ở các xã vùng biên giới, với số tiền hơn 2,1 tỷ đồng. Ngoài ra, đơn vị còn tổ chức 25 đợt khám bệnh lưu động, cấp thuốc cho hơn 7.000 lượt người dân/năm; cấp cứu, chuyển tuyến trên hàng trăm ca bệnh nặng...

Theo Đại tá Trần Văn An, những năm qua, để giúp nhân dân phát triển sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình, giảm nghèo bền vững, Đoàn KT-QP 207 tập trung khai hoang, xây dựng các mô hình chăn nuôi, sản xuất mẫu; xây dựng ngân hàng bò giống cung cấp cho 10 nhóm hộ và 100 hộ gia đình với hơn 200 con bò; xây dựng trại giống cây trồng và 8 mô hình: Lúa lai, sắn cao sản, cây có múi, cây dược liệu có giá trị kinh tế cao; chuyển giao cho nhân dân phát triển sản xuất hơn 7,8ha lúa nước, 12ha cây có múi, 2ha cây dược liệu, 15ha cây lương thực khác, phù hợp với điều kiện tự nhiên; giúp nhân rộng và chuyển đổi kinh tế tự cung tự cấp sang kinh tế hàng hóa, nhất là nhân rộng mô hình xóa đói, giảm nghèo trong Khu KT-QP Tây Giang-Nam Giang. Đáng chú ý, dự án đã trực tiếp hỗ trợ, giúp đỡ 620 hộ nghèo phát triển chăn nuôi, sản xuất, tăng thêm thu nhập bình quân 7-8 triệu đồng/năm/hộ, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào vùng cao, cùng địa phương giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 4 đến 5%/năm.

Bây giờ, các xã: La Êê, La Dê, Ga Ri, Ch’Ơm, A Xan... đều trở thành điểm sáng văn hóa, các tổ chức quần chúng hoạt động sôi nổi. Cán bộ Đoàn KT-QP 207 về từng thôn, làng tuyên truyền, vận động nhân dân từ bỏ hủ tục và phòng, chống tệ nạn xã hội… Bao mùa xuân, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trong đoàn đã về địa phương để “3 cùng” với nhân dân, tiếp thêm ý chí, sức mạnh để người dân vững tin vào Đảng, vào sự nghiệp đổi mới, sát cánh cùng các lực lượng chức năng xây dựng và bảo vệ quê hương ngày càng thêm mạnh giàu. Thành công của Đoàn KT-QP 207 là đã biến những vùng rừng không dân cư, xác xơ, nghèo đói, những vùng đất hoang hóa thành những khu dân cư, thôn, làng trù phú. Niềm vui ấy được già làng Bling Hiền ở thôn Pa Lan, xã La Êê (Tây Giang) chia sẻ với chúng tôi: “Cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP 207 đã giúp đồng bào Tây Giang ta thoát đói nghèo!”.

Nguồn: qdnd.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất