Thứ Hai, 20/1/2025
Những người lính trên mặt trận giảm nghèo
Hộ ông Lương Văn Toàn ở bản Yên Hòa, xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn) vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH, làm trang trại kinh tế hiệu quả đã trả hết nợ
Tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc và Tây Nam của Tổ quốc ở đơn vị A5, Bộ Tư lệnh đặc công, trong quá trình làm nhiệm vụ tuần tra đường biên, chiến sỹ Phan Viết Hài ở xóm 6, xã Nam Giang (Nam Đàn) bị thương nặng với tỷ lệ 71%. Năm 1985, thương binh 2/4 Phan Viết Hài trở về quê hương xây dựng cuộc sống.
Năm 2015, gia đình anh được NHCSXH huyện Nam Đàn tạo điều kiện cho vay 20 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo để đầu tư chăn nuôi bò và lợn sinh sản. Nhờ chịu khó tìm tòi học hỏi kinh nghiệm cũng như kỹ thuật chăn nuôi và biết đầu tư đúng hướng nên đã phát huy hiệu quả đồng vốn vay.
Anh Hài cho biết: “Trước đây gia đình tôi thuộc hộ nghèo nhưng nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là NHCSXH huyện Nam Đàn đã tạo điều kiện cho vay số tiền 20 triệu đồng để chăn nuôi bò, lợn sinh sản. Đến nay, gia đình đã thoát nghèo vươn lên trong cuộc sống”. 
Tương tự, CCB Nguyễn Văn Lý ở xóm 4, xã Nam Giang cũng là một trong những trường hợp tiêu biểu cho việc phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi. Năm 2016, từ nguồn vốn vay 50 triệu đồng chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo tại NHCSXH huyện Nam Đàn, anh đã đầu tư mở rộng cửa hàng buôn bán tạp hóa với đa dạng các mặt hàng số lượng lớn, nhờ vậy hằng tháng thu nhập của gia đình anh đã dần ổn định. 
Khẳng định về việc thực hiện ủy thác nguồn vốn qua các hội, đoàn thể trên địa bàn huyện, nhất là với hội CCB, Phó Giám đốc NHCSXH huyện Nam Đàn Nguyễn Sỹ Hải cho biết: Trong số các tổ chức hội, đoàn thể tham gia hoạt động ủy thác vốn vay tại NHCSXH huyện Nam Đàn, Hội CCB là đơn vị điển hình với nhiều chương trình cho vay, tính đến nay, tổng dư nợ vốn vay của NHCSXH huyện Nam Đàn ủy thác qua Hội CCB đạt trên 88 tỷ đồng, chiếm 28% tổng dư nợ của NHCSXH, tăng gần 3 tỷ đồng so với cuối năm 2017. Từ nguồn vốn vay ưu đãi này, nhiều hội viên CCB đã có điều kiện đầu tư phát triển SXKD, vươn lên thoát nghèo.
Ở huyện miền núi Quỳ Châu, thực hiện phong trào thi đua của hội viên CCB gương mẫu, hơn 2.305 hội viên CCB huyện đi đầu trong các phong trào thi đua của hội và địa phương. Điển hình như ông Vũ Đức Quý (SN 1950) hiện tại sinh sống tại bản Mới, xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu. Từng tham gia làm nhiệm vụ quốc tế tại các chiến trường Nam Lào và Thượng Lào, ông bị thương khi đang chiến đấu, là bệnh binh 1/4. Kết thúc chiến tranh, năm 1986, ông trở về quê lập nghiệp trên mảnh đất núi rừng xã Châu Phong.
“Chiến tranh thì gian khổ, nguy hiểm, đến hòa bình thì tại sao không dám làm ăn? Bây giờ tôi phải quyết tâm làm ăn cho tương lai con cháu sau này. Mình chăm chỉ làm cho con cháu thấy đó mà noi gương theo”, ông Quý quyết chí như thế.
Nói là làm, suốt ngày ông cặm cụi với ruộng vườn, năm 2011 ông được bình xét cho vay 20 triệu đồng từ chương trình sản xuất, kinh doanh cùng với một ít vốn tích lũy trong quá trình sản xuất hàng năm. Từ số tiền đó, ông mua 2 con dê, đào ao thả cá, trồng keo trên rừng nhà.
Nhờ áp dụng đúng khoa học kỹ thuật trong quá trình sản xuất, chăn nuôi nên đàn dê sinh sản liên tục, ao cá cũng cho thu nhập tốt, rừng keo lớn nhanh, trung bình mỗi năm trừ chi phí cho lãi 80 triệu đồng, giúp nuôi sống cả gia đình và cho các con ăn học. Đến năm 2015, khi khoản nợ vay đến hạn ông trả đầy đủ và xin vay thêm 20 triệu đồng từ Chương trình sản xuất, kinh doanh cùng với số tiền tích lũy của gia đình để mua 4 con bò giống. Đến nay, đàn bò của gia đình đã sinh sản được 8 con mang lại thu nhập cao. 
Hàng năm Ngân hàng CSXH luôn quan tâm đặc biệt công tác tri ân, đền ơn đáp nghĩa, các hoạt động từ thiện. Góp phần chung tay cùng với toàn xã hội chăm lo cho người nghèo, gia đình có công và các đối tượng cần trợ giúp khác. 6 tháng đầu năm 2018, Ngân hàng CSXH tỉnh Nghệ An đã quyên góp và ủng hộ Quỹ an sinh xã hội 224 triệu đồng. Riêng dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7) năm nay, nhằm tri ân các đồng chí thương binh, bệnh binh, đoàn công tác Ngân hàng CSXH Việt Nam do Tổng Giám đốc Dương Chiến Thắng làm trưởng đoàn, đã trao quà trị giá 140 triệu đồng động viên cán bộ, nhân viên và các thương binh đang điều trị tại Khu Điều dưỡng thương binh tâm thần kinh.
Hiện nay, Công đoàn ngân hàng đang tích cực khởi xướng, hưởng ứng lời kêu gọi của Công đoàn ngành quyên góp, ủng hộ đồng bào miền núi phía Bắc bị thiệt hại do lũ quét. Những hành động nhân ái, nghĩa tình đó đã tiếp tục khích lệ tinh thần tương thân, tương ái, trách nhiệm sẻ chia với cộng đồng trong đội ngũ CBVC đồng thời góp phần xây dựng hình ảnh NHCSXH thân thiện, nghĩa tình và nhân ái.
Toàn huyện Quỳ Châu có hơn 237 hội viên CCB thì có gần 53 mô hình hội viên CCB sản xuất, kinh doanh giỏi ở nhiều ngành nghề khác nhau. Điểm đặc biệt ở các hội viên CCB là ý chí vươn lên làm giàu, không lùi bước trước khó khăn. Song song đó, hội CCB các cấp luôn tạo điều kiện cho hội viên phát triển kinh tế, thành lập tổ vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội... 
Không chỉ ở Nam Đàn, Quỳ Châu, nhiều địa phương khác cũng có nhiều gương thương binh vươn lên phát triển sản xuất, kinh doanh từ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách Xã hội. Không chỉ làm giàu cho bản thân, các CCB luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và giúp hội viên, nhân dân địa phương vươn lên làm giàu. 
Tính đến nay, Hội CCB tỉnh đã vận động thành lập được 1.628 tổ tiết kiệm và vay vốn. Tổng dư nợ nhận ủy thác gần 1.500 tỷ đồng, phối hợp chặt chẽ trong công tác thu lãi, xử lý nợ đến hạn, nợ bị rủi ro. 6 tháng đầu năm nay, Hội đã phối hợp với Ngân hàng CSXH cho vay gần 300 tỷ đồng tới các đối tượng do hội quản lý, đôn đốc thu hồi nợ trên 215 tỷ đồng. Một số hội CCB huyện tiêu biểu như Huyện hội Đô Lương, Nghĩa Đàn, Nam Đàn, Anh Sơn, Quỳ Hợp... 

Minh Khang

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất