Theo báo cáo từ các ngành liên quan, trong các lần rà soát hộ nghèo gần đây, trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Ninh không ít hộ nghèo ở những vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh đã tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo, dẫu biết sẽ mất đi những khoản trợ cấp của Nhà nước. Đó là những tín hiệu vui trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở địa phương. Điều đó cũng cho thấy rất nhiều đồng bào không còn “trông chờ, ỷ lại” mà vươn lên mạnh mẽ, làm chủ cuộc sống...
|
Huyện Ba Chẽ biểu dương các hộ gia đình tự nguyện thoát nghèo bền vững trên địa bàn năm 2018.
Ảnh: Phạm Tăng
|
Theo số liệu thống kê, tới nay, toàn tỉnh đã có gần 1.700 hộ đăng ký thoát nghèo tại 17 xã, 54 thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Điển hình như tại huyện Ba Chẽ - một trong những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo lớn trên địa bàn tỉnh, theo kết quả rà soát tính đến thời điểm này, cả huyện có 6/8 địa phương với gần 100 hộ dân tự nguyện viết đơn xin ra khỏi diện nghèo, trong đó riêng xã Đồn Đạc có 40 hộ tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo, được UBND tỉnh khuyến khích nhân rộng tại các địa phương trên địa bàn tỉnh...
Chương trình giảm nghèo bền vững được Quảng Ninh triển khai gắn với Chương trình xây dựng mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) và Đề án 196 của tỉnh. Theo đó, Quảng Ninh xác định rõ, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh tuyên truyền nhằm khơi dậy ý chí chủ động vươn lên của người nghèo. Phát huy mạnh mẽ tính dân chủ trong các hoạt động giảm nghèo, lấy ý kiến của người dân để thực hiện có hiệu quả chính sách giảm nghèo. Cùng với đó, đa dạng hóa về nguồn vốn huy động từ các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội để đầu tư giảm nghèo; gắn công tác đào tạo nghề với giải quyết việc làm, đẩy mạnh hoạt động giới thiệu việc làm, tạo điều kiện cho lao động sau đào tạo tìm được việc làm; động viên, khuyến khích các hộ tự nguyện thoát nghèo...
Trên tinh thần đó, các địa phương thuộc Chương trình 135, Đề án 196 đã bám sát chỉ đạo của tỉnh và hướng dẫn của các sở, ngành chức năng để cụ thể hóa các nhiệm vụ, nội dung thực hiện. Trong đó đã đăng ký phấn đấu hết năm 2018 có thêm 5 xã và 45 thôn hoàn thành chương trình 135, ra khỏi diện đặc biệt khó khăn (tăng 3 xã và 11 thôn so với chỉ tiêu kế hoạch của tỉnh). Một số địa phương đã chủ động cân đối, bố trí lồng ghép nguồn ngân sách huyện, xã và kế hoạch huy động các nguồn lực xã hội hóa để thực hiện Chương trình. Riêng Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể tỉnh đã chủ động triển khai công tác tuyên truyền, vận động, khơi dậy và phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng, giám sát thực hiện chương trình theo hướng lựa chọn phụ trách nội dung, lĩnh vực, mô hình cụ thể, thiết thực, trên cơ sở đó tập trung chỉ đạo theo chiều sâu; phân công cụ thể từng tổ chức giúp đỡ các địa phương xây dựng và hướng dẫn các địa phương thực hiện các mô hình có tính chất mẫu, hiệu quả.
Cùng với đó, công tác kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Đề án 196 cũng được các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đặc biệt quan tâm. Trong năm 2018 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức 2 đợt kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện các chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn theo các Nghị quyết của HĐND tỉnh ban hành năm 2016 và triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại các ngành, địa phương. Riêng các đồng chí trong Ban Chỉ đạo và lãnh đạo UBND tỉnh đã trực tiếp kiểm tra tiến độ, kết quả triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, Đề án 196 tại các địa phương Bình Liêu, Ba Chẽ, Hoành Bồ, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà... và địa bàn phân công phụ trách, kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc để hướng dẫn, tham mưu đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện...
|
Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh giám sát tại UBND xã Đài Xuyên (Vân Đồn) về thực hiện
chương trình mục tiêu giảm nghèo. Ảnh: Hoàng Giang |
Với sự vào cuộc tích cực, hiệu quả, dù mới là năm thứ hai thực hiện Đề án 196, nhưng việc đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn của tỉnh đã đạt được những con số khá ấn tượng. Tới nay, đã có gần 1.700 hộ đăng ký thoát nghèo tại 17 xã, 54 thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Quan trọng hơn, ý thức, quan niệm về thoát nghèo đã trở thành thói quen của phần đông người dân vùng khó. Tốc độ giảm nghèo của tỉnh trong 10 tháng đầu năm 2018 ước giảm trên 0,5% (khả năng đạt mục tiêu cả năm giảm 0,7%).
Tại cuộc làm việc của Ban Thường vụ Tỉnh ủy mới đây về công tác này, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Đọc cũng khẳng định: Từ đầu năm đến nay, các cấp, ngành và người dân trên địa bàn đã vào cuộc tích cực, hiệu quả, qua đó đã đạt được những kết quả tương đối khả quan trong công tác giảm nghèo bền vững. Trong đó điểm nhấn là nhận thức của người dân về giảm nghèo có chuyển biến tích cực, phong trào tự nguyện thoát nghèo có sức lan tỏa sâu rộng, nhiều hộ dân đã chủ động đăng ký thoát nghèo, một số hộ dân đã viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ cũng nhấn mạnh, việc thực hiện các nội dung trên càng gần về đích sẽ càng khó khăn hơn, do đó đồng chí yêu cầu các cấp, ngành liên quan trong công tác chỉ đạo, điều hành phải thực sự quyết liệt, sâu sát hơn nữa. Đặc biệt là đề cao trách nhiệm của địa phương, nhất là phải bám sát các vấn đề của nhân dân, tạo điều kiện cho người dân tham gia vào các chương trình chung để qua đó khẳng định được trách nhiệm của họ… Đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát, đánh giá, đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ trong các hoạt động giảm nghèo; kiên quyết không chạy theo thành tích, hình thức và phải có cơ chế khuyến khích, động viên các hộ tự nguyện thoát nghèo, phấn đấu đến năm 2020, các xã, thôn đặc biệt khó khăn của tỉnh phải hoàn thành mục tiêu chương trình 135 và ra khỏi diện đặc biệt khó khăn.
Hoài Anh