Thứ Năm, 19/12/2024
Bắt đầu từ nêu gương
 
 Ông Trần Quốc Tuấn (đứng giữa), Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Ấp Mới, xã Ninh Lai (Sơn Dương)
thăm mô hình trồng ớt vụ đông của hộ dân trong thôn.


Năng động phát triển kinh tế

Dù đã gần 70 tuổi nhưng ông Nguyễn Văn Luận, Bí thư Chi bộ thôn Hoàng Tân 2 vẫn luôn năng nổ và là ông chủ của một trong những mô hình kinh tế trang trại lớn nhất xã. Năm 1972 ông nhập ngũ và tham gia Chiến dịch

Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam. Ông Luận chia sẻ, từ năm 2011 ông bắt đầu phát triển chăn nuôi quy mô lớn. Đến nay gia đình ông có 40 con lợn nái, 200 con lợn thịt. Gia đình ông còn trồng 3 ha rừng. Trung bình mỗi năm, từ chăn nuôi, trồng trọt, trừ chi phí, gia đình ông thu lãi gần 300 triệu đồng. Ngoài đảm đương việc Bí thư Chi bộ, ông còn là Chủ nhiệm HTX chăn nuôi Ánh Nguyệt, Phó Chủ tịch CLB Cựu chiến binh sản xuất kinh doanh giỏi xã. Ông tâm niệm, muốn làm được việc thì bản thân phải nêu gương nên ông đã nỗ lực phát triển kinh tế, gương mẫu trong các lĩnh vực đời sống, giúp đỡ các hội viên phát triển kinh tế.

Theo đó, nhiều hội viên được ông và tổ chức Hội Cựu chiến binh giúp đỡ đã vươn lên làm giàu như ông Chu Văn Phúc, thôn Cây Đa 2 nuôi 30 con lợn nái, 150 lợn thịt; ông Chu Hoàng Vinh, thôn Ninh Lai nuôi 30 nái, hơn 100 lợn thịt, mỗi năm thu lãi gần 200 triệu đồng. Với những nỗ lực, đóng góp của mình, vừa qua ông được Ban Dân vận Tỉnh ủy khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào “Dân vận khéo” giai đoạn 2016-2018.

Thôn Ấp Mới phát triển cây rau màu vụ đông nhiều nhất xã, với diện tích lên tới 17 ha rau các loại, trong đó có 9 ha ớt. Kết quả này có phần đóng góp to lớn trong vận động nhân dân, gương mẫu đi đầu của ông Trần Quốc Tuấn, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Ấp Mới trong 14 năm qua. Ông Tuấn cho biết, thôn có 134 hộ dân với hai dân tộc chính là Sán Dìu, Kinh. Trước khi chuyển đổi trồng rau theo hướng hàng hóa, kinh tế hộ khá khó khăn bởi nguồn thu chỉ là lúa, ngô. Khi chuyển trồng rau màu, nhất là trồng ớt, thu nhập của hộ dân trong thôn đã tăng gấp hai lần, bởi 1 sào ớt thu trung bình từ 8-10 triệu đồng/vụ, thu nhập bình quân đầu người của thôn đạt 4 triệu đồng/người/tháng, cao nhất xã.

Giới thiệu về giống ớt Thái Lan mới đưa vào trồng vụ đông năm nay, ông Tuấn bảo: “Giống ớt này quả to, nặng nên năng suất cao hơn, nhưng chăm sóc khó hơn, phải vun gốc cẩn thận thì cây mới không đổ. Vụ này, trồng 4 sào, 2 ông bà hái ớt suốt ngày, đấy là khâu làm đất còn nhờ máy móc rồi. Trước đây vận động bà con trồng rau màu thì mệt, nhưng giờ không cần vận động, lúa vừa gặt xong hôm trước, hôm sau đã thấy rau, ớt đầy ruộng”. Là một trong những người đầu tiên chuyển đổi cây trồng, ông Tuấn đã khơi dậy phong trào phát triển kinh tế ở Ấp Mới từ rau hàng hóa.

Tận tâm với công việc

Là người quyết đoán, trách nhiệm trong công việc, 20 năm qua ông Lục Văn Lai, Trưởng thôn Ninh Hòa 2 luôn phát huy tốt vai trò của người đứng đầu, khơi dậy tinh thần tập thể, tổ chức lãnh đạo hiệu quả để đưa Ninh Hòa 2 trở thành thôn điển hình trong phong trào xây dựng nông thôn mới và là khu dân cư văn hóa tiêu biểu hàng chục năm qua. Ông Lai chia sẻ: “Mọi việc thành hay bại là ở người dân cả, khi người dân đã ủng hộ thì làm việc gì cũng hoàn thành”. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Ninh Lai Trần Thị An chia sẻ: “Nói là vậy, nhưng để được dân ủng hộ đâu phải dễ? Ông Lai phải là người gương mẫu mọi việc, kính trên nhường dưới, xông pha việc khó, dân vận tốt thì người dân mới tin ông, theo ông, ủng hộ ông”.

Thôn Ninh Hòa 2 có 63 hộ dân, chủ yếu là người dân tộc Sán Dìu, kinh tế phát triển đa dạng về chăn nuôi, trồng trọt.  Trưởng thôn Lục Văn Lai cho biết, 800 m rãnh thoát nước ở khu dân cư, thôn triển khai chục ngày là xong, các hộ dân đều tự nguyện dỡ bỏ cổng để thi công. Công tác vận động của ông Lai không chỉ ở các cuộc họp, gặp gỡ trao đổi mà còn thể hiện ở tấm chân tình, cảm thông chia sẻ, giúp đỡ các hộ có điều kiện khó khăn trong thôn. Việc ông vận động các đoàn thể giúp công làm nhà ở cho hộ ông Trương Văn Bảy, Nguyễn Văn Xuân... và những việc lớn nhỏ trong thôn, trong mỗi gia đình đã tạo được niềm tin đối với người dân. Với sự tận tâm của ông Lai, sự đoàn kết của tập thể chi bộ, mặt trận, đoàn thể trong thôn, Ninh Hòa 2 đã trở thành thôn tiêu biểu của Ninh Lai về xây dựng nông thôn mới.

Ba năm làm Bí thư Chi bộ thôn Hội Kế, anh Lê Văn Thanh đã góp sức trẻ vào sự phát triển chung của chi bộ, thôn. Vốn là người năng động trong phát triển kinh tế, anh Thanh đã vận động người dân duy trì trồng cây rau màu vụ đông trên diện tích 4 ha, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Bên cạnh khuyến khích phát triển kinh tế, anh Thanh cùng cấp ủy, chính quyền, đoàn thể thôn vận động 122 hộ dân đóng góp 1.350 nghìn đồng/hộ xây dựng nhà văn hóa đạt chuẩn, góp ngày công làm kênh mương, đường nội đồng. Chỉ tay vào tuyến đường nội đồng, anh Miêu Văn Sáu, thôn Hội Kế phấn khởi: “Đó là tuyến đường nội đồng của 3 thôn Hội Tiến, Hội Tân, Hội Kế vừa hoàn thành cách đây mấy ngày. Tuyến đường này được hỗ trợ xi măng theo Nghị quyết 03 của HĐND tỉnh. Lẽ ra chỉ 3 m chiều rộng và dày 16 cm theo quy định, nhưng người dân 3 thôn đã đồng thuận quyết định đóng góp thêm tiền mua xi măng, cát sỏi để bê tông đường rộng 4 m đảm bảo thuận tiện cho xe ô tô vào chở rau, quả”.

Anh Thanh còn tích cực định hướng, khích lệ thanh niên trong thôn phấn đấu vào Đảng. Vì thế hàng năm chi bộ đều kết nạp được đảng viên. Trong 3 năm anh làm Bí thư Chi bộ đã kết nạp được 3 đảng viên và đang hoàn thiện hồ sơ để kết nạp 1 đảng viên vào dịp cuối năm 2018, nâng số đảng viên trong chi bộ lên 12 người. Hội Kế là một trong những chi bộ làm tốt công tác phát triển đảng viên của Đảng bộ xã Ninh Lai.

Những việc làm thiết thực của những bí thư chi bộ, trưởng thôn ở Ninh Lai đã giúp cấp ủy, chính quyền cơ sở xã hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương. Qua đó cũng khẳng định được vai trò lãnh đạo của Đảng, tính tiền phong gương mẫu của đảng viên trên mọi lĩnh vực đời sống.

Trang Tâm

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất