Thứ Hai, 20/1/2025
Bình Phước: Đổi thay từ chương trình giảm nghèo bền vững
Mô hình hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai trên địa bàn tỉnh đang phát huy hiệu quả

NHỮNG CON SỐ ẤN TƯỢNG

Cuối năm 2016, Bình Phước còn 14.627 hộ nghèo, chiếm 6,15% tổng số hộ dân; trong đó thuộc chính sách giảm nghèo chiếm trên 86,45% tổng hộ nghèo. Do đó, tỉnh xác định tập trung các chính sách, dự án hỗ trợ sản xuất, tăng thu nhập để giúp các hộ này vươn lên thoát nghèo. Nhiều chương trình, dự án đã được triển khai như chương trình 30a, 135, cùng các dự án: Đầu tư cơ sở hạ tầng cho xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới...; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo...

Nhờ triển khai đồng bộ các chương trình, dự án nên Bình Phước đã có nhiều hộ thoát nghèo vươn lên thành hộ trung bình và khá. Theo thống kê, hết năm 2017, Bình Phước đã giảm được 0,78% số hộ nghèo, đạt 130% kế hoạch đề ra. Toàn tỉnh còn 10.923 hộ nghèo, chiếm 4,59% tổng số hộ dân. Những kết quả này đã góp phần quan trọng ổn định chính trị và đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh, tạo tiền đề cơ bản về công tác giảm nghèo của tỉnh trong những năm tiếp theo. Năm 2018, Bình Phước đặt mục tiêu giảm 1.165 hộ nghèo, tức giảm 0,5% số hộ nghèo... Để thực hiện mục tiêu này, Bình Phước đã triển khai đồng bộ 2 chương trình mục tiêu quốc gia; kết hợp các chương trình phát triển kinh tế - xã hội với giải quyết việc làm. Đến nay, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 104.920 lao động, đạt gần 70% kế hoạch; đào tạo nghề cho 18.045 lao động, đạt gần 61%, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt 52%. Bên cạnh đó, từ nguồn vốn Trung ương giao về gần 1,3 tỷ đồng để thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài 2 chương trình 30a và 135 trong năm 2017 đã được tỉnh triển khai có hiệu quả.

 Trước tình trạng sâu bệnh phá hoại làm giảm năng suất cây điều, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, nhiều hộ nghèo có vườn điều bị sâu, bệnh hại được hỗ trợ vật tư thiết yếu để tái thiết vườn cây. Cùng với việc hướng dẫn nông dân về kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh, tỉnh đã cấp miễn phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; chỉ đạo các ngành chức năng xây dựng những mô hình trình diễn để người dân thay đổi tư duy sản xuất theo hướng bền vững, đem lại thu nhập cao. Gia đình ông Lê Cao Hùng, thôn 6, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập được ngành nông nghiệp tỉnh chọn hỗ trợ vật tư để thực hiện mô hình trình diễn chăm sóc vườn điều. Ông Hùng cho biết: “Gia đình tôi có 6 ha điều trên 10 năm tuổi, mỗi năm thu 21 tấn hạt điều. Năm 2016, vườn điều bị khô cành cháy lá, sau đó khô cả bông dẫn đến vụ điều 2017 năng suất chưa đến 1 tấn/ha. Sau khi thu hoạch, vườn điều của gia đình tôi được ngành nông nghiệp tỉnh chọn thực hiện mô hình trình diễn khôi phục vườn cây bị sâu, bệnh hại và niên vụ vừa qua năng suất cây điều đã tăng trở lại”.

TRAO “CẦN CÂU CƠM”

Để giúp người dân khôi phục vườn điều, từ tháng 9-2017, các cơ quan chuyên môn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp chính quyền các cấp tổ chức nhiều đợt ra quân tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn nông dân biện pháp canh tác khoa học, bón phân, xịt thuốc phòng trừ sâu bệnh gây hại. Nhờ đó, hầu hết diện tích điều của người dân trong tỉnh đã phục hồi. Niên vụ điều 2018, nhiều vườn cho năng suất trên 1,12 tấn/ha (nhiều nơi đạt trên 1,5 tấn/ha); sản lượng đạt 148.800 tấn.

Anh Điểu Đen, trú thôn Bù Tố, xã Phước Tân, huyện Phú Riềng cho biết: “Trước đây, do không biết chăm sóc nên năng suất vườn điều rất thấp, chỉ khoảng 500kg/ha và tuổi thọ của cây ngắn, dẫn đến đời sống khó khăn, cái đói, nghèo đeo bám. Nay chúng tôi đã biết áp dụng khoa học - kỹ thuật, bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy trình nên năng suất vườn điều tăng cao. Nhờ cây điều mà gia đình tôi đã thoát nghèo”. Anh Điểu Đen rất tích cực tham gia các buổi tập huấn về kỹ thuật và học tập kinh nghiệm từ những hộ xung quanh để cải tạo vườn cây của gia đình. Nhờ đó, năng suất điều của hộ anh Điểu Đen tăng lên, giúp gia đình cải thiện cuộc sống.

Để nhân rộng mô hình giảm nghèo, mô hình chăn nuôi bò sinh sản được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai từ nhiều năm trước đã giúp nhiều hộ dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo. Từ 1 con bò do dự án chăn nuôi bò sinh sản cấp, nay bà Thị Múp ở ấp Ba Ven, xã Lộc Khánh (Lộc Ninh) đã có đàn bò 4 con, trị giá trên 100 triệu đồng. Tháng 7-2017, chị Hoàng Thị Trang ở thôn 5, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng được hỗ trợ vay 24 triệu đồng để mua bò nuôi. Đến nay, bò của chị Trang đã sinh được 1 bê, từ đó có động lực vươn lên thoát nghèo.

Không chỉ hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ nghèo, chương trình phòng chống lở mồm, long móng, tránh thiệt hại cho người chăn nuôi cũng được tỉnh triển khai hiệu quả. Toàn tỉnh có trên 27.700 lượt gia súc của 4.737 hộ chăn nuôi được tiêm phòng vắc-xin lở mồm, long móng. Nhờ đó, năm 2017 Bình Phước không xảy ra dịch này.

Với việc thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách, dự án thuộc chương trình giảm nghèo bền vững, diện mạo nông thôn ở Bình Phước đã thay đổi. Các xã nghèo, đặc biệt khó khăn đã được đầu tư mạnh về cơ sở hạ tầng, về tổ chức phát triển sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế làm thay đổi cuộc sống của người dân. Nhiều hộ dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số đã thay đổi căn bản tập quán sản xuất lạc hậu và mạnh dạn ứng dụng giống mới cho năng suất, chất lượng cao để vươn lên thoát đói nghèo. Từ những kết quả nêu trên, Bình Phước phấn đấu mỗi năm sẽ giảm 0,5% tỷ lệ hộ nghèo; xóa 100% số hộ nghèo thuộc đối tượng người có công với cách mạng; đảm bảo 100% hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn sản xuất, tiếp cận được các nguồn lực và dịch vụ xã hội; đảm bảo hỗ trợ hộ nghèo có công trình vệ sinh, điện, nước sạch.

Nguyễn Hóa

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất