Thứ Hai, 20/1/2025
Khi người nghèo không trông chờ, ỷ lại
 
Nhờ hăng say lao động, cần cù tích luỹ, gia đình chị Trần Thuỳ Trân (dân tộc Khmer, ấp Tư,
xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời) thoát nghèo, có cuộc sống ổn định


Xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời hiện có 74 hộ nghèo/2.739 hộ toàn xã, 122 hộ cận nghèo, trong đó có 183 hộ dân tộc Khmer (10 hộ nghèo, 16 hộ cận nghèo), tập trung nhiều nhất ở ấp Rạch Cui và Phạm Kiệt. Đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn, chưa có việc làm ổn định, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

Xác định công tác giảm nghèo là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước được tổ chức, triển khai thực hiện hàng năm nhằm giải quyết thực trạng giảm nghèo ở địa phương. Thời gian qua, chính quyền địa phương cùng Nhân dân trong xã luôn nỗ lực phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, trong đó chăm lo, ổn định đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số thường xuyên được quan tâm. Công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay để giảm nghèo; Phổ biến, hướng dẫn áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, định hướng sản xuất… được thường xuyên thực hiện. Vì vậy, hộ nghèo trên địa bàn xã có điều kiện nâng cao mức thu nhập, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Là hộ nghèo nhưng nhờ chí thú làm ăn, cần cù siêng năng lao động, gia đình chị Trần Thuỳ Trân (dân tộc Khmer, ấp Tư, xã Khánh Bình) đã vươn lên trở thành hộ khá, đời sống vật chất, tinh thần đều được nâng cao. Khi gia đình được hỗ trợ đất sản xuất theo chương trình chính sách hỗ trợ đất cho đồng bào dân tộc Khmer nghèo, nhận thấy còn nhiều hộ trong ấp có cuộc sống còn khó khăn hơn mình nên vợ chồng chị đã nhường phần đất hơn 2.000 m2 lại cho hộ khác. Do ở chung với cha mẹ nên ngoài thời gian đi làm thuê, chị Trân tranh thủ cuốc đất trống quanh nhà trồng thêm các loại rau ngắn ngày. Cần cù, siêng năng và biết tích luỹ nên gia đình chị Trân đã vượt qua khó khăn, cất lại căn nhà khang trang. Chị Trân chia sẻ, mình lấy công làm lời, chắt chiu, dành dụm mới có được cuộc sống tạm ổn như hôm nay. Nếu chỉ biết trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà không chí thú làm ăn thì cũng không thể thoát nghèo được.

Theo ông Trịnh Thanh Lam, công chức phụ trách Lao động, Thương binh và Xã hội xã Khánh Bình, trước kia các hộ dân này đều ở nhà dột nát, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Được sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền địa phương, sự hỗ trợ kịp thời từ các chương trình, dự án, đến nay toàn xã có 20 hộ dân tộc Khmer được hỗ trợ đất sản xuất với diện tích 40.000 m2, 37 căn nhà được xây mới cho bà con, mỗi căn trị giá 40 triệu đồng. Ngoài ra, địa phương còn thực hiện chương trình hỗ trợ tiền điện, bồn nước, đào tạo nghề, đồng thời hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, hỗ trợ cây, con giống… “Để có được kết quả như hôm nay, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, ý chí vươn lên, không còn trông chờ, ỷ lại của người nghèo đóng vai trò quan trọng. Từ sự nỗ lực vươn lên của chính người nghèo đã giúp họ ổn định cuộc sống, xoá nhà ở dột nát, con cái được học hành đàng hoàng, từ đó góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Dự kiến cuối năm 2018 sẽ giảm được 3 hộ nghèo người dân tộc Khmer”, ông Lam khẳng định.

Với gia đình ông Thạch Sơn (68 tuổi, ấp Thuận Thành, xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi) từ chính sách hỗ trợ đất sản xuất và hỗ trợ nhà ở đã giúp gia đình ông có cuộc sống tươm tất hơn. Ông Sơn phân trần, không đất sản xuất nên trước đây gia đình ông chỉ sống nhờ vào số tiền làm thuê hàng ngày. Hôm nào có người mướn làm thì hôm đó gia đình có gạo ăn, không ai mướn thì phải chạy mượn gạo, cuộc sống bấp bênh. Tháng 4/2015, gia đình ông và 9 hộ người dân tộc Khmer ấp Thuận Thành được cấp đất sản xuất, mỗi hộ được nhận 1.200 m2. Nhận được đất ai cũng phấn khởi vì cuộc sống sẽ đỡ vất vả hơn trước rất nhiều. “Mỗi tháng 2 lần cha con tôi đặt tôm, cua trong vuông đem bán. Tiền cua, tôm cũng đủ mua gạo ăn, cuộc sống của cha con tôi đỡ vất vả hơn trước nhiều lắm rồi”, ông Thạch Sơn khẳng định.

Ngoài được hỗ trợ chỗ ở ổn định, gia đình ông Hiệu Thương (59 tuổi, ấp Thuận Thành, xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi) còn được hỗ trợ đất sản xuất. Với 1.200 m2 đất nuôi tôm, cua, cá mỗi tháng gia đình ông cũng thu được khoảng 1 triệu đồng, cộng với số tiền làm thuê hàng ngày, nên cuộc sống gia đình ông ngày càng ổn định. Ông Thương phấn khởi, có nhà ở ổn định rồi có đất sản xuất nữa, cả nhà rất vui mừng và hứa sẽ cố gắng làm ăn, tích luỹ để thoát nghèo.

Tại buổi khảo sát về đời sống đồng bào dân tộc được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất theo Quyết định 74/2008/QĐ-TTg ngày 9/6/2008 và Quyết định 29/2013/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Trần Chánh Quang khẳng định, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước thì ý chí vượt khó của chính người nghèo đóng vai trò quan trọng trong công tác giảm nghèo. Nếu bản thân người nghèo không quyết tâm, mà chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước thì không thể thoát nghèo được./.

Thanh Phương

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất