Thứ Năm, 19/12/2024
Nông thôn mới làm sáng vùng biên giới Lộc Thạnh

CƠ SỞ HẠ TẦNG KHANG TRANG

Những ngày cuối tháng 10, trên các nẻo đường của Lộc Thạnh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước nhiều công trình giao thông vừa được láng nhựa, bê tông hóa làm đổi thay diện mạo nông thôn và rút ngắn khoảng cách khu vực biên giới với trung tâm. Trung tâm xã Lộc Thạnh có quốc lộ 13 đi qua, cách Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư khoảng 9km. Tại đây, di tích nơi Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Decho Hun Sen dừng chân tìm đường cứu nước vào năm 1977 cũng là nhà văn hóa xã Lộc Thạnh vừa được xây dựng khang trang, rộng rãi đang là điểm du lịch mời gọi du khách đến tham quan. Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Thanh Phi cho biết: Di tích Nhà lưu niệm của Thủ tướng Hun Sen là công viên văn hóa - thể dục thể thao phục vụ người dân trong khu vực. Cảnh quan công viên cây xanh, đường đi bộ và các dụng cụ phục vụ tập thể dục thể thao đã được đầu tư xây dựng.


 Ông Bùi Quý Bi (giữa) ở tổ 3, ấp Thạnh Cường, xã Lộc Thành,
huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước phấn khởi cho biết, gia đình tự nguyện hiến đất,
chặt cao su để mở đường giúp người dân đi lại thuận tiện

Chùa Quang Minh cạnh di tích có kiến trúc đẹp. Con đường qua trước cổng chùa, người dân sinh sống hai bên đã tháo dỡ hàng rào, chặt cây, hiến đất làm kênh mương mở rộng đường góp phần giúp trung tâm xã thêm khang trang.

Từ ngã ba Chiu Riu (quốc lộ 13), chúng tôi đến 2 ấp biên giới Thạnh Cường, Thạnh Phú, con đường láng nhựa liên xã Lộc Tấn - Lộc Thạnh gấp rút hoàn thành. Đây cũng là công trình láng nhựa nối các ấp biên giới Thạnh Tây (Lộc Tấn) - Thạnh Cường, Thạnh Phú (Lộc Thạnh) dài hơn 4km, rộng 7m (láng nhựa 3m) đã làm biên giới sáng bừng lên. Song song với đường nhựa mới là công trình điện trung - hạ thế do Điện lực Bình Phước đầu tư trong năm 2018 đã hoàn thành thắp sáng vùng biên. 

Trưởng ban điều hành ấp Thạnh Phú Trần Văn Cáo, người có uy tín trong cộng đồng cho biết, ấp có gần 70% dân số là đồng bào S’tiêng. Hiện nay, 70% hộ đã có điện. Đường điện trung - hạ thế hoàn thành sẽ phủ điện đến 100% hộ dân trên biên giới Thạnh Phú. Thạnh Phú có trục chính 5km là đường nhựa, người dân đã đồng lòng đóng góp lắp đặt điện đường chiếu sáng. Thực hiện xây dựng NTM năm 2018, ấp được bê tông hóa 1,7km nên không còn đường đất. Nhà dân chủ yếu sinh sống 2 bên đường nên đều được hưởng lợi từ các công trình đường - điện do Nhà nước đầu tư. Hướng về biên giới, Thạnh Phú đã được các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đầu tư nhiều công trình phúc lợi như điểm trường mầm non, tiểu học và công trình nước sạch đưa nước về tận hộ dân. Được hưởng lợi từ cơ sở hạ tầng hoàn thiện nên nhận thức của người dân dân tộc thiểu số dần nâng cao, kinh tế phát triển, đồng lòng giữ vững bình yên biên giới. Thạnh Phú giữ vững danh hiệu ấp văn hóa tiêu biểu nhiều năm liền.

NHÂN DÂN CHUNG SỨC

Đến ấp Thạnh Cường, nhiều đường bê tông đã được người dân trồng hoa tạo cảnh quan đẹp. Ông Bùi Quý Bi (1959) ở tổ 3 phấn khởi vì đã có đường bê tông dài 540m chạy dọc trang trại, giúp việc vận chuyển nông sản của gia đình thuận lợi. Ông Bi là Việt kiều Campuchia lập nghiệp ở ấp Thạnh Cường từ năm 1974. Khoảng 5 năm trước, gia đình ông Bi đã hiến đất vườn cao su với chiều dài 220m, rộng 3,5m (tính từ tim đường) mở đường sỏi đỏ. Ông Bi cho biết: “Năm 2018, nhờ chương trình xây dựng NTM, con đường sỏi đỏ được Nhà nước hỗ trợ vật tư làm bê tông hóa. 10 hộ sinh sống dọc tuyến này phấn khởi đóng góp tiền để thuê máy móc thi công. Tôi được bà con tin tưởng bầu vào tổ giám sát công trình”.


 Đường láng nhựa sạch đẹp ở ấp Thạnh Phú góp phần vào sự đổi thay tích
cực diện mạo biên giới Lộc Thạnh

Chủ tịch UBND xã Lê Hồng Quân cho biết, là xã biên giới nên Lộc Thạnh được hưởng đầu tư hạ tầng giao thông, điện theo cơ chế Tây Nguyên. Nhờ đó, hầu hết tuyến giao thông liên xã, liên ấp trước đó đã được cứng hóa (nhựa, sỏi đỏ). Riêng ấp Thạnh Biên trong quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư nên giao thông không được đầu tư bê tông hóa. Tuy nhiên, trong năm 2017-2018 xã đã mở thêm một số tuyến đường sỏi đỏ để người dân có đường đi lại.

Tổng kinh phí thực hiện chương trình xây dựng NTM của Lộc Thạnh là 84,7 tỷ đồng, gồm: vốn Nhà nước giao 63,05 tỷ đồng (74,44%), trong đó ngân sách tỉnh 17,3 tỷ đồng (20,04%), ngân sách huyện 38,15 tỷ đồng (45,04%); doanh nghiệp 4 tỷ đồng (4,72%), huy động nhân dân 1,65 tỷ đồng và vốn vay tín dụng 16 tỷ đồng... Hiện đã giải ngân 70,3 tỷ đồng (82,99%). Lộc Thạnh không nợ vốn xây dựng NTM.

Năm 2018, Lộc Thạnh thuộc 12 xã phấn đấu về đích NTM của tỉnh. Cả hệ thống chính trị từ xã đến ấp vào cuộc tăng cường tuyên truyền mục tiêu, ý nghĩa chương trình, đồng thời rà soát các tiêu chí để có giải pháp thực hiện, lựa chọn các hạng mục, công trình đầu tư phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội. Bảo hiểm y tế toàn dân là tiêu chí khó do Lộc Thạnh không còn xã loại 3 nên đồng bào dân tộc thiểu số không được Nhà nước cấp. Kinh tế của nhiều hộ dân tộc thiểu số còn khó khăn, sự hiểu biết về lợi ích của việc tham gia bảo hiểm y tế chưa cao nên cuối năm 2017, Lộc Thạnh chỉ đạt 46% người dân tham gia bảo hiểm y tế. Năm 2018, UBND xã phối hợp Bảo hiểm xã hội Lộc Ninh mở 3 hội nghị tuyên truyền về lợi ích, đồng thời vận động các doanh nghiệp trong tỉnh hỗ trợ mua bảo hiểm cấp cho người dân với hơn 130 triệu đồng. Đến nay, Lộc Thạnh hoàn thành tiêu chí này với 82,85% người dân tham gia bảo hiểm y tế; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều sau khi rà soát là 3,39%.

Năm 2018, Lộc Thạnh được đầu tư 2 trạm biến áp và đường dây trung thế 1,5km, hạ thế 5,5km cung cấp điện cho 61 hộ biên giới Thạnh Phú; xây dựng 1 trạm biến áp, đường trung thế 1km, hạ thế 2,5km tại ấp Thạnh Biên, cung cấp điện cho 37 hộ, nâng tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới quốc gia lên 99%. Giao thông có 7 tuyến trục ấp, liên ấp với tổng chiều dài 14,7km, trong đó 10,2km láng nhựa. 18 tuyến đường ngõ xóm với tổng chiều dài 21,6km, trong đó 7,79km bê tông và 13,81m sỏi đỏ, không còn đường đất. Trường tiểu học - THCS Lộc Thạnh đang được xét công nhận đạt chuẩn quốc gia mức 1, năm 2018./.

Nguồn: baobinhphuoc.com.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất