Huyện Sơn Động (Bắc Giang) có hơn 33,5 nghìn người nghèo với 23 xã, thị trấn và 158 thôn, bản thuộc vùng kinh tế đặc biệt khó khăn. Để người nghèo không đơn độc trong việc xóa đói, giảm nghèo, địa phương đã có nhiều cách làm hay, huy động các nguồn lực hỗ trợ, đặc biệt là các chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi.
|
Ông Chu Văn Luật, thôn Tiên Lý, xã Yên Định, thành viên Hợp tác xã Ong mật hữu cơ
Sơn Động chăm sóc đàn ong
|
Đồng chí Vi Thị Tú, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Sơn Động chia sẻ: “Nguyên nhân của tình trạng tỷ lệ người nghèo trên địa bàn huyện chiếm hơn 41% (kết quả rà soát năm 2017) có nhiều nhưng chủ yếu vẫn là xuất phát điểm thấp, điều kiện tự nhiên không thuận lợi. Một trong những cái khó nhất với người nghèo chính là thiếu vốn để đầu tư sản xuất, nhiều lúc nhìn ra hướng đi phát triển kinh tế gia đình nhưng vì không có vốn nên cơ hội cứ trôi qua dần”.
Trong điều kiện đó, các chính sách hỗ trợ, cho vay vốn với lãi suất thấp được triển khai đã góp phần thay đổi rõ nét về KT-XH, cải thiện đời sống người dân. Đến thăm gia đình bà Nguyễn Phương Liên (SN 1960) ở thôn Hạ 2, xã An Châu (Sơn Động) mới thấy được đồng vốn tín dụng ưu đãi có ý nghĩa như thế nào với người nghèo.
Trước đây, gia đình bà thuộc diện hộ nghèo, kinh tế khó khăn, hai vợ chồng không có việc làm ổn định, các con đang tuổi ăn học. Bà đã từng vay vốn theo diện hộ nghèo nhưng sản phẩm chăn nuôi thiếu đầu ra ổn định do vậy hiệu quả không cao. Năm 2014, bà ký được hợp đồng bao tiêu thỏ thương phẩm với một doanh nghiệp nên mạnh dạn vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Sơn Động để chăn nuôi.
Từ nguồn vốn này, gia đình bà mở rộng quy mô từ 30 thỏ nái lên 70 con và luôn có 200-300 con thỏ thương phẩm. Với giá bán hiện nay dao động trong khoảng 75-80 nghìn đồng/kg, mỗi tháng gia đình bà xuất chuồng khoảng 100 con, doanh thu đạt 20 triệu đồng. Gia đình bà Liên đã thoát nghèo, hai con được ăn học, có việc làm ổn định.
Không chỉ lo thoát nghèo cho mình, bà Liên còn tích cực vận động các hộ xung quanh cùng tham gia chăn nuôi thỏ, chung sức thành lập Hợp tác xã Chăn nuôi thỏ Hợp Thành với 13 gia đình thành viên, sản lượng xuất bán 500-700 con/tháng. Bà cũng là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Hạ 2, hiện nay Tổ có 40 tổ viên và tổng dư nợ đạt 1,7 tỷ đồng. Các gia đình vay vốn đều có ý thức chăm lo sản xuất, phát huy hiệu quả đồng vốn, không để xảy ra tình trạng nợ xấu hoặc sử dụng sai mục đích.
Theo đánh giá của Ban Đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện Sơn Động, nét nổi bật trong năm nay là công tác điều hành kế hoạch tín dụng đã chủ động, linh hoạt hơn, bám sát chỉ tiêu tín dụng và nhu cầu, đối tượng vay vốn. Qua khảo sát sơ bộ, tỷ lệ hộ nghèo năm 2018 của huyện còn 35,62%, giảm 5,6% so với năm ngoái, trong đó có đóng góp không nhỏ của NHCSXH huyện.
|
Anh Nguyễn Đức Chiến, Giám đốc NHCSXH huyện Sơn Động cho biết, xác định vốn vay là nguồn lực quan trọng đối với người nghèo nên đơn vị đã triển khai nhiều biện pháp để nắm bắt nhu cầu, giải ngân kịp thời cho các đối tượng. Hiện tổng dư nợ của Ngân hàng đạt hơn 430 tỷ đồng, tăng gần 50 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2017. Dư nợ bình quân được nâng lên 39 triệu đồng/hộ, tạo điều kiện để khách hàng vay mở rộng quy mô chăn nuôi, trồng trọt hoặc sản xuất, kinh doanh.
Các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn đóng vai trò quan trọng trong cho vay ủy thác, là cầu nối thuận lợi để hội viên tiếp cận nguồn vốn. Thống kê của NHCSXH huyện cho thấy, tổng dư nợ ủy thác đến nay đạt gần 420 tỷ đồng, tăng gần 43 tỷ đồng so với đầu năm. Một số tổ chức làm tốt như: Hội Nông dân các cấp trong huyện đạt hơn 135 tỷ đồng; Hội Phụ nữ hơn 153 tỷ đồng; Hội Cựu chiến binh gần 70 tỷ đồng; Đoàn Thanh niên hơn 60 tỷ đồng…
Trao đổi với đồng chí Giáp Văn Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Sơn Động, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH huyện được biết, lãnh đạo địa phương đánh giá cao nỗ lực của Ngân hàng CSXH huyện trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn. Thời gian tới, địa phương đề nghị đơn vị tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị xã hội thực hiện tổng hợp, rà soát hộ nghèo để đẩy mạnh cho vay.
Trong đó chú trọng hộ nghèo, gia đình thuộc diện chính sách ở những địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn vay, nâng cao năng lực hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về chính sách tín dụng để người dân hiểu rõ, thực hiện đúng, không để ảnh hưởng đến quyền lợi, qua đó giúp hộ nghèo có thêm nguồn lực để đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế.
Quốc Phương