Thứ Hai, 18/11/2024
Quảng Bình: Tăng cường hỗ trợ giảm nghèo cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Tỷ lệ hộ nghèo giảm bền vững

Ngôi nhà kiên cố, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt của gia đình ông Đinh Minh Lưu nổi bật giữa thôn Thuận Hóa, xã biên giới Hóa Sơn, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Ít ai biết, vài năm trước, gia đình ông Lưu còn thuộc nhóm hộ nghèo của xã.

Thế nhưng, từ năm 2013, nhờ được thụ hưởng các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, tỉnh và huyện Minh Hóa, như: hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội, gia đình ông đã mạnh dạn đầu tư phát triển trang trại chăn nuôi bò, lợn rừng, gà đồi và trồng rừng. Nhờ đó, chỉ sau vài năm, gia đình ông đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định và vươn lên làm giàu.


 Hỗ trợ cây giống cho người dân ở xã Hóa Sơn (Minh Hóa)


Cũng như gia đình ông Lưu, gia đình anh Cao Chiến, người dân tộc Sách ở bản Lương Năng (Hóa Sơn) cũng thoát khỏi danh sách hộ nghèo, vươn lên hộ khá của xã nhờ những chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào DTTS. Ngoài chăn nuôi bò, heo và trồng rừng, gia đình anh Chiến là một trong những hộ đồng bào DTTS ở xã Hóa Sơn có diện tích trồng lạc lớn, mỗi vụ thu về hơn 100 triệu đồng.

Gia đình ông Lưu, anh Chiến chỉ là 2 trong hàng chục hộ đồng bào DTTS ở xã Hóa Sơn thoát nghèo và vươn lên làm giàu trong thời gian gần đây. Ông Bàn Văn Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Hóa Sơn phấn khởi cho biết, mỗi năm, số hộ nghèo của xã đều giảm khoảng 5%.

Tuy hiện nay tỷ lệ hộ nghèo của Hóa Sơn vẫn còn ở mức 34%, giảm 5% so với năm 2017, nhưng tỷ lệ hộ nghèo giảm bền vững, không tái nghèo. Nhiều hộ vừa thoát nghèo đã tạo được tiền đề vững chắc vươn lên hộ khá và hộ giàu trong những năm tiếp theo, đồng thời quay lại giúp đỡ các hộ nghèo khác.

Theo ông Sơn, để đạt được những kết quả trên, thời gian qua, ngoài sự hỗ trợ từ những chính sách của Đảng và Nhà nước, Đảng bộ và chính quyền xã cũng đã xây dựng, ban hành kế hoạch giảm nghèo và phân công nhiệm vụ tới từng thôn, bản, theo từng năm. Đồng thời, các tổ chức hội, đoàn thể, như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ đã thực hiện tốt vai trò ủy thác vay vốn tín dụng, tạo điều kiện cho đồng bào vay vốn để phát triển sản xuất, đặc biệt là các hộ nghèo.

Không chỉ tại xã Hóa Sơn, việc thực hiện các chính sách hỗ sản xuất cho người dân miền núi cũng được huyện Minh Hóa thực hiện nghiêm túc, kịp thời, đặc biệt là tại các xã vùng biên giới có đồng bào DTTS sinh sống, như: Thượng Hóa, Dân Hóa và Trọng Hóa. Nhờ đó, công tác xóa đói giảm nghèo (XĐGN) ở các xã vùng biên giới Minh Hóa đã có những bước tiến quan trọng, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh và bền vững.

Để đồng bào tự thân thoát nghèo

Thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là các chương trình đầu tư cho vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn, những năm qua, vùng đồng bào DTTS và miền núi huyện Minh Hóa đã được quan tâm đầu tư hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo.

Cụ thể, Chương trình 135 giai đoạn 2013-2017 đã hỗ trợ phát triển sản xuất cho 15.084 hộ dân ở vùng núi, vùng đồng bào DTTS huyện Minh Hóa với tổng nguồn vốn thực hiện hơn 10 tỷ đồng; Chương trình 30a giai đoạn 2008-2020 với tổng vốn đầu tư gần 35 tỷ đồng hỗ trợ sản xuất và xây dựng cơ sở hạ tầng.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2013-2017, thực hiện Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg, 140.000 lượt đồng bào DTTS ở huyện Minh Hóa đã được hỗ trợ giống cây lâm nghiệp, cây lương thực và giống gia súc, gia cầm với trị giá 14 tỷ đồng.

Ngoài ra, theo Quyết định 755/QĐ-TTg, đồng bào DTTS huyện Minh Hóa cũng được hỗ trợ 14,5 tỷ đồng. Riêng trong năm 2018, từ các chương trình, dự án vùng miền núi, đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Minh Hóa đã được hỗ trợ số tiền trên 8,6 tỷ đồng để phát triển sản xuất, tạo sinh kế…

Nhờ các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, vùng đồng bào DTTS ở huyện Minh Hóa đã được đầu tư xây dựng các công trình thiết yếu phục vụ cho sản xuất và đời sống...

Đến nay, 100% xã, thôn đã có điện, trong đó có 6 xã sử dụng điện năng lượng mặt trời do điện lưới chưa kéo đến. Vùng đồng bào DTTS cơ bản không có hộ thiếu đất sản xuất, đất ở, địa phương đã bảo đảm được cho bình quân mỗi hộ gia đình có khoảng 1,3ha đất sản xuất.

Ngoài trồng trọt, chăn nuôi các cây trồng, vật nuôi truyền thống, nhiều hộ đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Minh Hóa đã phát triển kinh tế rừng, đầu tư các trang trại chăn nuôi những mặt hàng đặc sản, tạo nguồn hàng hóa có giá trị cao để nâng cao thu nhập, nhờ vậy góp phần đẩy nhanh tiến độ giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện.

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho biết, nhận thức được công tác giảm nghèo ở vùng DTTS là yếu tố quan trọng, không chỉ giúp đồng bào thoát nghèo mà còn là động lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của huyện, trong thời gian qua, huyện đã lồng ghép triển khai đồng bộ và thực hiện hiệu quả các giải pháp hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa nguồn sinh kế cho đồng bào.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn có những hạn chế, như: đầu tư còn dàn trải, mức hỗ trợ thấp và chưa đúng trọng tâm. Vì vậy, trong thời gian tới, huyện sẽ có những giải pháp thiết thực hơn nhằm nâng cao hiệu quả hỗ trợ.

“Nếu như những năm trước đây, các xã trên địa bàn huyện chủ yếu hỗ trợ trực tiếp các loại giống cây con đúng bằng 100% giá mà Nhà nước đã hỗ trợ, người dân cứ nhận về nuôi trồng mà không phải bỏ thêm đồng nào. Năm nay, cũng với số tiền hỗ trợ đó nhưng huyện, xã khuyến khích bà con bỏ thêm tiền “đối ứng” để có thể mua được những những cây, con giống có giá trị cao hơn.

Ví dụ, trước đây, với mức hỗ trợ 2.000 đồng/cây giống keo, bà con chỉ có thể mua được giống cây dâm hom chất lượng thấp, nay cũng với mức đó, bà con có thể “đối ứng” thêm tiền để mua giống cây cấy mô chất lượng để trồng rừng cây gỗ lớn, có giá trị kinh tế cao.

Tương tự, các loại giống con có giá trị cao, như: bò, dê, bà con cũng “đối ứng” để có những con giống chất lượng, dễ nuôi và mau sinh lời. Điều đáng nói là qua việc bỏ tiền “đối ứng”, người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS, sẽ dần bỏ được tư tưởng “trông chờ ỷ lại”, bởi khi bà con đã bỏ đồng tiền của mình vào đầu tư, thì nhất định sẽ biết quý trọng và thêm quyết tâm thoát nghèo…”, ông Bùi Anh Tuấn chia sẻ thêm./.

Anh Đào

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất