Thứ Năm, 19/12/2024
Sức lan tỏa của Nghị quyết 16 ở Na Hang

Người dân thôn Nà Cọn, xã Sơn Phú thu hoạch chè Shan tuyết

Cách làm hiệu quả

Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 16, huyện Na Hang, Tuyên Quang đã triển khai nhiều giải pháp hình thành các vùng sản xuất hàng hóa thế mạnh của địa phương như: Sản xuất rau an toàn, phát triển cây chè theo hướng nâng cao chất lượng, cải tạo, phát triển cây ăn quả ôn đới; triển khai thực hiện Đề án phát triển một số cây trồng hàng hóa đối với cây lúa nếp đặc sản, cây đậu tương, đậu xanh, rau... góp phần nâng cao giá trị và hiệu quả trong sản xuất. Huyện đã triển khai thực hiện đề tài trồng thử nghiệm một số giống lúa đặc sản có chất lượng, giá trị kinh tế cao và phù hợp với điều kiện địa phương. 

Thời gian qua đã có nhiều doanh nghiệp quan tâm khảo sát đầu tư trồng, chế biến và bao tiêu các sản phẩm chè trên địa bàn. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 2 công ty, 2 hợp tác xã và 1 tổ hợp tác và 14 hộ dân tham gia thu mua, chế biến chè. Toàn huyện hiện có 1.295,8 ha chè đặc sản, trong đó có 1.265,8 ha chè Shan tuyết, 30 ha chè Kim Tuyên và chè Phúc Vân Tiên. Thu nhập từ trồng chè đạt bình quân 26 triệu đồng/ha. Đến nay toàn huyện có 93 hộ, 3 doanh nghiệp tham gia vào nuôi trồng thủy sản với 675 lồng cá các loại, tổng sản lượng thủy sản đạt 657 tấn.

Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa, huyện đã tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách của HĐND tỉnh hỗ trợ cây trồng, vật nuôi, khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, phát triển đàn trâu, đàn bò có giá trị, phù hợp với điều kiện địa phương, phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa. Huyện quan tâm chỉ đạo thực hiện việc xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm. Huyện có sản phẩm được cấp nhãn hiệu như: Cá sạch Na Hang, rau an toàn Hồng Thái, Chè Shan tuyết Na Hang, chè núi Kia Tăng.

Nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững

Sinh Long là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện, nhưng chỉ trong hơn hai năm trở lại đây, xã đã có bước thay đổi đáng kể. Đường nhựa đã về đến trung tâm xã; trụ sở xã, trạm y tế được xây mới khang trang trang hơn. Nếu như trước đây, diện mạo của khu vực trung tâm xã không khác những thôn bản, nhà cửa, hàng quán thưa thớt, nhưng giờ đã thay đổi nhiều. Dọc theo tuyến đường trục chính của xã, nhà cửa, hàng quán được xây dựng, hoạt động kinh doanh buôn bán phát triển, người dân mua bán ngay trung tâm xã, không còn phải ra chợ Yên Hoa như trước đây. Theo báo cáo của UBND xã, hiện xã đã có gần 30 hộ hoạt động kinh doanh các loại dịch vụ. 

Ông Lương Văn Chúc, thôn Phiêng Thốc, xã Sinh Long chia sẻ, nhờ bán được nông sản người dân mới có tiền, dịch vụ mới phát triển. Cây chè Shan tuyết được coi là loại cây thế mạnh của Sinh Long. Trung bình mỗi gia đình có trên 3 ha đất rừng trồng chè. Từ cây chè, có nhiều hộ khá lên về cây chè, điển hình như gia đình ông Nông Quý Sài, mỗi ngày bán được 400 nghìn đồng tiền chè. Thông qua các chương trình, dự án về phát triển cây chè, bà con trong xã cũng đã học tập, làm theo. Điển hình như bà con những xóm Nà Tham, Nà Loong của thôn Phiêng Thốc đã tiến hành cải tạo diện tích chè và bắt đầu có thu nhập ổn định từ cây chè.

Bộ mặt các trung tâm lớn của huyện như chợ Yên Hoa, chợ Đà Vị đang ngày càng phát triển. Những nơi này đang từng bước phát triển thành vùng đô thị với đủ loại hình dịch vụ. Anh Hoàng Văn Định, chủ cửa hàng kinh doanh đa sản phẩm tại khu vực chợ Đà Vị cho biết, giao thương ở đây ngày càng phát triển, sức mua của người dân đã tăng nhiều so với những năm trước, cửa hàng của anh nhờ đó cũng đã được mở rộng quy mô. Anh Định cho rằng, có được điều đó chính là người dân đã tập trung sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Những sản phẩm nông nghiệp của địa phương như lợn đen, trâu, bò, cá, đậu tương, ngô… đều trở thành hàng hóa và được tiêu thụ tốt. Nhờ đó, nhu cầu mua sắm của người dân được nâng lên, các dịch vụ cũng phát triển. 

Xã Hồng Thái là một trong những địa phương đi đầu của huyện Na Hang trong phát triển nông nghiệp hàng hóa. Từ Nghị quyết 16 đã giúp bà con thay đổi cách nghĩ, cách làm, thay vì chỉ trồng có tính chất tự phát, phục vụ nhu cầu của gia đình, bà con chăm sóc, phát triển sản phẩm lê thành hàng hóa. Cùng với cây lê, xã phát triển hơn 25 ha rau đậu các loại, trong đó có 3,5 ha bí, 6 ha bắp cải, súp lơ, 5 ha cà chua, 4 ha khoai tây, 2 ha su su, 5 ha cây rau màu khác; 37 ha cây ăn quả. Đồng thời duy trì và phát triển 61,6 ha chè Shan tuyết, 30 ha chè Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên… Hiện huyện đang tiếp tục đưa vào thử nghiệm một số giống cây mới như bơ, xoài, dâu tây tại xã nhằm nâng cao giá trị sản xuất hàng hóa từ cây ăn quả gắn với phát triển du lịch.

Xã Côn Lôn là một trong những địa phương điển hình  thực hiện mô hình cánh đồng lớn; các dự án hỗ trợ sản xuất, chăn nuôi theo chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo. Từ một xã vùng cao còn nhiều khó khăn, nhưng Côn Lôn đã sớm vươn lên hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó sản xuất nông nghiệp hàng hóa chính là lời giải cho bài toán nâng cao thu nhập của địa phương. 

Sản xuất nông nghiệp hàng hóa là giải pháp quan trọng để Na Hang thực hiện có hiệu quả công cuộc xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập của người dân. Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 16,4 triệu đồng. Đến năm 2017 đạt 19,7 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo ước thực hiện năm 2018 giảm còn 34,31%; bình quân giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2018 là 5,3%/năm, vượt mục tiêu nghị quyết./.

Thúy Hằng

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất