Thứ Sáu, 10/1/2025
Xây dựng phong trào xứ, họ đạo bình yên – chùa tinh tiến về an ninh trật tự ở Ninh Bình

 Nhà thờ Phát Diệm, Ninh Bình

Những năm qua, thực hiện các chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước đối với công tác tôn giáo, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở luôn quan tâm chỉ đạo xây dựng các phong trào thi đua yêu nước trong vùng đông đồng bào các tôn giáo. Một trong những mô hình nổi bật nhất trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ), đó là phong trào Xứ, Họ đạo bình yên - Chùa tinh tiến[1] về an ninh trật tự (ANTT) được đặc biệt quan tâm chỉ đạo với nhiều nội dung, hình thức phong phú, phát huy hiệu quả trong thực tiễn những năm, với những kết quả cụ thể:

            Công tác chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện

            Xuất phát từ vị trí, vai trò và tầm quan trọng của phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ vùng có đông đồng bào tôn giáo, cấp ủy, chính quyền tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quan trọng để chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện; đồng thời vận động các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo tham gia hưởng ứng, thực hiện các nội dung xây dựng Xứ, Họ đạo bình yên - Chùa tinh tiến về ANTT, trong đó, quan tâm kết hợp với việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các tôn giáo. Phong trào được gắn kết với các phong trào thi đua yêu nước và đã nhận được sự quan tâm hưởng ứng tích cực của các chức sắc, chức việc và tín đồ tôn giáo. Hàng năm, các cấp, các ngành chỉ đạo tổ chức sơ, tổng kết rút kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến. Đặc biệt, năm 2014, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã chỉ đạo tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ vùng đồng bào các tôn giáo và ngày 28/10/2015, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiến hành Hội nghị tổng kết 5 năm (2010 - 2015) xây dựng phong trào xây dựng Xứ, Họ đạo bình yên - Chùa tinh tiến về ANTT, trong đó nhiều tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc, tín đồ tiêu biểu của Công giáo và Phật giáo được tôn vinh và được tặng các danh hiệu của cấp, các ngành.

            Thông qua phong trào, các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước được tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp Nhân dân; khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố và tăng cường, góp phần tạo sự đồng thuận ở địa phương

            Công tác tuyên truyền vận động được thực hiện bằng nhiều hình thức, biện pháp, phù hợp với thực tiễn, như vận động đồng bào có tôn giáo thực hành việc “kính Chúa, yêu nước”, sống “Phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”, sống “Tốt đời, đẹp đạo”, “Đạo pháp - Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội”, tích cực tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thi đua xây dựng Xứ, Họ đạo bình yên - Chùa tinh tiến về ANTT. Tổ chức hàng trăm lớp bồi dưỡng kiến thức về tôn giáo, kiến thức an ninh quốc phòng cho hàng nghìn lượt chức sắc, chức việc và tín đồ tôn giáo; in ấn phát hành hàng trăm đầu tài liệu, cẩm nang về ANTT; phổ biến quán triệt Nghị định số 92 của Chính phủ cho hơn 300 chức sắc, chức việc; tổ chức Hội nghị tọa đàm trong đó có mời các chức sắc, chức việc Phật giáo và Công giáo để trao đổi kinh nghiệm xây dựng Xứ, Họ đạo bình yên - Chùa tinh tiến về ANTT và các hội nghị tuyên truyền phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, phòng, chống cháy nổ tại các giáo xứ và chùa ở cơ sở; đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động hướng về cơ sở giúp đồng bào tôn giáo vệ sinh môi trường, phát triển sản xuất và từ thiện nhân đạo, khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí… từ đó đã tạo sự gắn bó cộng đồng, khơi gợi được ý thức trách nhiệm công dân của các vị chức sắc, chức việc và quần chúng tín đồ trong việc chung tay, chung sức giữ gìn ANTT, xây dựng quê hương giàu đẹp.

Quá trình xây dựng phong trào, các vị chức sắc, chức việc, người có uy tín trong các tôn giáo đã quan tâm, hưởng ứng tích cực, tạo sự phát triển sâu rộng, huy động được sức mạnh tổng hợp của Nhân dân tham gia phong trào

Xuất phát từ nhận thức cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng, các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở luôn coi trọng đến công tác vận động, tranh thủ người đứng đầu, các chức sắc, chức việc chuyển tải các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào tôn giáo một cách hiệu quả, từ đó đã huy động sức mạnh của quần chúng tín đồ tham gia vào các phong trào ở địa phương. Đồng thời, bằng những việc làm thiết thực của các cấp, các ngành như sự quan tâm tạo điều kiện thuận lợi đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt tôn giáo chính đáng của chức sắc, chức việc và tín đồ tôn giáo. Đặc biệt, là đã tạo điều kiện, giúp đỡ các tôn giáo tổ chức thành công các sự kiện tôn giáo quan trọng, như Đại lễ Phật Đản Liên hiệp quốc Vesak 2014 và Đại hội Giới trẻ Công giáo Giáo tỉnh Hà Nội lần thứ XII.v.v... Vào các dịp lễ, Tết, lễ trọng của các tôn giáo, hoạt động gặp gỡ, thăm hỏi giữa chính quyền với các tôn giáo và giữa các tôn giáo với chính quyền được quan tâm tổ chức, tạo nên những nét tương đồng, gần gũi, gắn bó.

Với vị trí, uy tín, đức cao, đạo trọng của mình, các chức sắc, chức việc tôn giáo luôn có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc huy động quần chúng tín đồ tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Nhiều chức sắc, chức việc đã tích cực vận động tín đồ và trực tiếp tham gia các tổ chức xã hội; các tổ nhân dân tự quản, tổ hoà giải… thể hiện tinh thần trách nhiệm của công dân, kết hợp sống động giữa đời và đạo. Đặc biệt, trước sự việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, các chức sắc, chức việc tôn giáo trên địa bàn Tỉnh Ninh Bình có nhiều hoạt động thiết thực vận động tín đồ nêu cao tinh thần đoàn kết, thể hiện lòng yêu nước, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, không tham gia vào các hoạt động gây mất ANTT. Các hoạt động từ thiện nhân đạo, tương thân, tương ái “Uống nước, nhớ nguồn” đã được đặc biệt quan tâm và đã được chức sắc, chức việc vận động tín đồ quyên góp hàng chục tỷ đồng trong những năm qua. Các Chùa trên địa bàn thành phố Ninh Bình thường xuyên duy trì quán cháo thiện tâm, mỗi ngày phát trên 200 xuất cháo dinh dưỡng cho các bệnh nhân tại các bệnh viện.v.v...

Các mô hình, điển hình tiên tiến được quan tâm xây dựng, củng cố và nhân rộng, có tác động tích cực trong phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, tai, tệ nạn xã hội, ổn định tình hình ANTT ở cơ sở; đồng thời, gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, xây dựng nông thôn mới

Trong quá trình xây dựng phong trào Xứ, Họ đạo bình yên - Chùa tinh tiến về an ninh trật tự, các mô hình, cách làm hay được nhân rộng, đặc biệt, từ sáng kiến ban đầu của linh mục Đoàn Minh Hải về hiến tặng giác mạc giúp người mù sáng mắt ở Giáo xứ Cồn Thoi (huyện Kim Sơn) đến nay đã trở thành phong trào “Vì thế giới không mù loà” được các vị linh mục và bà con giáo dân trong Giáo phận Phát Diệm tích cực hưởng ứng. Toàn tỉnh hiện có 180 người đã hiến tặng giác mạc và 9.785 người đăng ký hiến tặng giác mạc. Đây là việc làm cao cả mang tính nhân văn sâu sắc và có sức lan toả sâu rộng, trở thành điển hình toàn quốc với nhiều tập thể, cá nhân được tôn vinh.

Cùng đó, công tác vận động, hướng dẫn Nhân dân phát hiện, ngăn ngừa các hoạt động vi phạm pháp luật, bài trừ hủ tục, tệ nạn xã hội, tham gia cảm hoá, giáo dục, cải tạo người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư. Bằng các việc làm thiết thực, các  chức sắc, chức việc và tín đồ tôn giáo đã cùng với các cấp, các ngành tuyên truyền, vận động giải quyết có hiệu quả các vụ việc liên quan đến ANTT.

Phong trào Xứ, Họ đạo bình yên - Chùa tinh tiến về ANTT luôn được gắn kết với phong trào xây dựng nông thôn mới và các phong trào thi đua yêu nước khác ở khu dân cư. Thông qua phong trào, đời sống của Nhân dân vùng đông đồng bào tôn giáo được cải thiện. Đã huy động được 7.915 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới (trong đó, Nhân dân đóng góp 3.253 tỷ đồng và hiến gần 400ha đất, các doanh nghiệp đóng góp 570 tỷ đồng). Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm đáng kể, năm 2010 là 12,4%, đến năm 2015 còn 3,5%. Tỉnh Ninh Bình được xếp ở tốp đầu trong toàn quốc về xây dựng nông thôn mới (đã có 32 xã đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới, chiếm 27%). Trong phong trào đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến là chức sắc, chức việc, nhà tu hành trong việc đóng góp, vận động đóng góp tiền, đất và ngày công để xây dựng nông thôn mới.

Từ những kết quả đạt được trong công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện phong trào xây dựng Xứ, Họ đạo bình yên - Chùa tinh tiến về an ninh trật tự, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệp để tiếp tục chỉ trong những giai đoạn tiếp theo đạt hiệu quả.

Một là, phong trào đặt dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự thống nhất quản lý của các cấp chính quyền. Có cơ chế huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, đoàn thể, trong đó MTTQ và lực lượng Công an làm nòng cốt. Thực tế cho thấy, địa phương nào cấp uỷ, chính quyền quan tâm chỉ đạo thì ở đó phong trào phát triển mạnh mẽ, sâu rộng góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Hai là, đặc biệt coi trọng và kiên trì làm tốt công tác vận động quần chúng. Kết hợp chặt chẽ giữa công tác vận động quần chúng rộng rãi với công tác vận động, tranh thủ các chức sắc, chức việc. Tăng cường gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại tìm ra những nét tương đồng giữa đạo đức tôn giáo và đạo đức xã hội, tạo sự gắn kết giữa chính quyền với các giáo hội cùng chung tay, chung sức xây dựng quê hương đất nước giàu đẹp.

Ba là, muốn phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ nói chung và phong trào Xứ, Họ đạo bình yên - Chùa tinh tiến về ANTT nói riêng phát triển sâu rộng phải tuyên truyền để các chức sắc, chức việc và tín đồ tôn giáo thấy được những lợi ích to lớn mà phong trào mang lại, mặt khác phải bằng những việc làm cụ thể, thiết thực để những lợi ích đó trở thành hiện thực, tạo động lực quan trọng lôi cuốn quần chúng tín đồ tự giác tham gia.

Bốn là, để phong trào thực sự mang lại hiệu quả, phát triển rộng khắp, thu hút đông đảo chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo tham gia thì một trong những nội dung quan trọng là phải được gắn kết chặt chẽ với các phong trào, các cuộc vận động khác do các cấp, các ngành và các tổ chức tôn giáo phát động. Đồng thời, kết hợp với việc phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.

Năm là, tạo điều kiện thuận lợi và phối hợp triển khai thực hiện các kế hoạch đảm bảo an toàn trong các dịp lễ, hội, sự kiện tôn giáo; huy động và hướng dẫn các chức sắc, chức việc và tín đồ tôn giáo tham gia. Qua đó củng cố lòng tin của các tôn giáo với chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước về công tác tôn giáo, củng cố mối quan hệ gắn bó giữa giáo hội với các cấp, các ngành.

Sáu là, quá trình triển khai xây dựng, duy trì và phát triển phong trào cần quan tâm chỉ đạo tổ chức tốt việc sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm để nhân rộng các mô hình hay, có hiệu quả. Kịp thời động viên, khen thưởng cho các tập thể, cá nhân, nhất là chức sắc, chức việc và tín đồ tôn giáo có thành tích xuất sắc trong phong trào. Thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội; phát hiện, xử lý nghiêm các hoạt động vi phạm pháp luật, hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo, góp phần tạo niềm tin và khí thế cách mạng cho đồng bào tôn giáo tích cực tham gia phong trào, đóng góp lớn vào những mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Trịnh Minh Đại

Phó Vụ trưởng Vụ Tôn giáo, Ban Dân vận Trung ương



[1] Tinh tiến là thuật ngữ Phật giáo, dịch từ trong tiếng Phạn (Ấn Độ cổ). Được hiểu là: Chỉ sự siêng năng, nỗ lực tu hành. Phật giáo cho rằng đó là động nhân khiến người ta một mực chuyên tu những điều thiện, cho nên coi đó là điều kiện tất yếu để thành tựu Bồ đề, tu hành Phật giáo. 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất