Thứ Sáu, 17/5/2024
Hội nghị Lấy ý kiến chuyên gia vào Dự thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo

 Quang cảnh hội nghị

Tham dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo một số Ban chuyên môn của các tổ chức thành viên, các chuyên gia của Hội đồng tư vấn về tôn giáo, các chuyên gia, nhà khoa học đại diện các tôn giáo.

Tại Hội nghị, các ý kiến đều khẳng định sau nhiều lần lấy ý kiến góp ý của các tổ chức tôn giáo, tổ chức xã hội và cơ quan làm luật, Dự thảo Luật đã đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Đồng thời, dự thảo Luật đã khắc phục được việc hành chính hóa trong quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, thể hiện nội dung bảo hộ quyền tự do tôn giáo cho tất cả mọi người, mọi thành phần trong xã hội, đảm bảo cho các tổ chức tôn giáo trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, bày tỏ niềm tin của mình và hành đạo phục vụ đáp ứng nhu cầu của các tín đồ tôn giáo của mình, đóng góp cho xã hội, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

Tại Hội nghị, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Tổng Thư ký Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đánh giá cao dự thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Bản Dự thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo lần này khá công phu, chặt chẽ, có sự tiếp thu các ý kiến đóng góp từ các lần đóng góp ý kiến trước. Đồng thời khẳng định, vấn đề cơ chế xin – cho trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đã được thay thế, mở rộng quyền cho các tổ chức tôn giáo trong hoạt động tín ngưỡng tôn giáo. Dự thảo Luật cũng đã nêu rõ các tôn giáo là một thực thể pháp nhân trong xã hội, có các điều khoản để các tôn giáo tham gia và các hoạt động trong lĩnh vực xuất bản, giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo, vốn là các hoạt động nhân văn của các tôn giáo xưa nay bị hạn chế.

Theo TS. Phạm Huy Thông, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo Thành phố Hà Nội, Dự thảo qua nhiều lần lắng nghe đóng góp của nhân dân đã có độ thông thoáng nhất trong các Dự thảo. Có những điều khoản mới như Điều 6 khoản 1 không chỉ có tự do tín ngưỡng tôn giáo theo hay không theo của tín đồ mà còn có cả được tự do thay đổi tôn giáo; hay như Điều 6 khoản 3 nói về quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của những người bị tạm giữ tạm giam, tù nhân. Đặc biệt Điều 7 khoản 6 đã khẳng định các tôn giáo được tham gia vào các hoạt động giáo dục, đào tạo, dạy nghề, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo.

Về vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác tôn giáo, ông Trần Đình Phùng, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Tôn giáo cho biết, quy định như vậy chưa tương xứng với vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Theo ông Trần Đình Phùng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong việc tham gia xây dựng chủ trương, chính sách, pháp luật có liên quan đến tôn giáo, vận động nhân dân thực hiện chính sách pháp luật có liên quan đến tôn giáo, thực hiện giám sát và phản biện xã hội đối với việc thực hiện chính sách pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo theo quy định của Luật MTTQ Việt Nam và các luật khác có liên quan….

Về quy định công nhận tư cách pháp nhân đối với tôn giáo (tại Điều 29), các đại biểu cho rằng đây là điều mà nhiều tôn giáo đã kiến nghị lâu nay nhưng Dự thảo lại quy định “tôn giáo được công nhận là pháp nhân phi thương mại”. Khái niệm “pháp nhân phi thương mại” không được giải thích nên không rõ nội hàm, Dự thảo cần làm rõ thêm. Một số đại biểu cũng đề nghị Dự thảo cần xem xét lại một số câu, từ đối với các khái niệm về tín ngưỡng, khái niệm về tôn giáo. Bởi Điều 2 giải thích từ ngữ nêu về khái niệm tín ngưỡng, khái niệm tôn giáo chưa thực sự là những khái niệm khoa học và thể hiện bản chất.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng, Dự thảo tuy có nhiều điểm mới, tiến bộ hơn so với pháp lệnh nhưng chưa thể chế đầy đủ quan điểm của Đảng về chính sách tín ngưỡng, tôn giáo. Nội dung cốt lõi của tôn giáo là công tác vận động quần chúng, công tác tôn giáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị… Những vấn đề này còn chưa được thể hiện rõ ràng trong Dự thảo Luật.

Kết thúc Hội nghị, thay mặt Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Lê Bá Trình cảm ơn những ý kiến đóng góp rất nhiệt huyết của các đại biểu, các chuyên gia tham dự Hội nghị. Phó Chủ tịch Lê Bá Trình cho biết các ý kiến đóng góp sẽ được tổng hợp để xem xét trình Ban soạn thảo và trình Quốc hội.

 

Nguồn: mattran.org.vn, ngày 17/8/2016​

 
 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất