Thứ Sáu, 26/4/2024
Hội thảo khoa học "70 năm tác phẩm 'Dân vận' của Chủ tịch Hồ Chí Minh và trao giải Cuộc thi báo chí viết về tấm gương “Dân vận khéo” năm 2019

 Quang cảnh Hội thảo

 Dự hội thảo tại điểm cầu Trung tâm - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư; Trương Thị Mai, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Phạm Minh Chính,  Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Võ Văn Thưởng,  Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương. Các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đồng chí ủy viên Trung ương Đảng, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị -xã hội, hội quần chúng, cơ quan, đơn vị cùng hơn 500 đại biểu là cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học ở Trung ương, thành phố Hà Nội tham dự. 

Các đồng chí: Trần Quốc Vượng, Trương Thị Mai, Nguyễn Xuân Thắng chủ trì hội thảo. Tham gia chủ trì có các đồng chí: Điểu K'Ré, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; Nguyễn Ngọc Hà, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.


 Các đồng chí chủ trì và điều hành Hội thảo 

Ngày 15/10/1949, tác phẩm "Dân vận" của Bác đã đăng trên báo Sự thật với bút danh XYZ. Thời điểm đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đất nước ta đã trải qua 4 năm đầu tiên của cuộc kháng chiến chống Pháp và đang chuẩn bị bước vào giai đoạn quan trọng của cuộc kháng chiến. Việc nhấn mạnh, coi trọng quan hệ giữa Đảng với nhân dân, huy động sức mạnh của nhân dân cho cuộc kháng chiến là nhiệm vụ quan trọng của Đảng trong giai đoạn này.

Tác phẩm "Dân vận" của Bác có 4 nội dung lớn: Nước ta là nước dân chủ. Dân vận là gì? Ai phụ trách dân vận? Dân vận phải thế nào? Có thể nói, tác phẩm "Dân vận" là “Cương lĩnh Dân vận” của Đảng, thể hiện tư tưởng tin dân, trọng dân, coi trọng sức mạnh của nhân dân trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, tiếp nối truyền thống của cha ông ta về vai trò của nhân dân “chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”.

Hội thảo khoa học “70 năm tác phẩm Dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh” là dịp để để cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục nhận thức và quán triệt sâu sắc hơn những di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận, về giá trị lý luận và thực tiễn to lớn, vững bền của tác phẩm “Dân vận”, đồng thời nhìn lại công tác dân vận trong 70 năm qua theo lời dặn của Người.


 Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo

Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng đã nêu bật những giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm "Dân vận" của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí khẳng định, 70 năm đã trôi qua, song tác phẩm "Dân vận" vẫn vẹn nguyên những giá trị thời sự, thể hiện rõ tư tưởng lý luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tác phẩm là sự kết tinh truyền thống dân tộc và tinh hoa thời đại về vai trò của nhân dân trong lịch sử. 70 năm qua, Đảng ta đã thực hiện công tác vận động quần chúng theo những chỉ dẫn quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận. Trong công cuộc đổi mới, thực hiện lời dặn của Người, nhiều chủ trương, chính sách về công tác dân vận, về đại đoàn kết dân tộc, về xây dựng các giai cấp đã được Đảng, Nhà nước xây dựng, bổ sung, ngày càng hoàn thiện phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước. 

Để hoàn thành nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang, công tác dân vận phải được nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, khoa học về những nhân tố thuận lợi và những khó khăn, thách thức cần phải vượt qua; vận dụng sáng tạo tư tưởng dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tình hình hiện nay, xây dựng đường lối vận động nhân dân phù hợp, trên tinh thần phát huy dân chủ, tôn trọng nhân dân, chăm lo đời sống nhân dân… Hội thảo hôm nay có ý nghĩa to lớn trong việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần hoàn thành những chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội XII của Đảng đã đề ra...


Đồng chí Trần Quốc Vượng phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đánh giá, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác dân vận những năm qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước, nâng cao đời sống của nhân dân…

Tiếp tục phát huy giá trị lý luận, thực tiễn tác phẩm "Dân vận" của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác dân vận thời gian tới, đồng chí Trần Quốc Vượng đề nghị cả hệ thống chính trị tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận theo hướng thiết thực, hiệu quả, lấy cuộc sống và quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhân dân là trọng tâm.

Công tác dân vận của cơ quan nhà nước, nhất là công tác dân vận của chính quyền cần được nâng cao hiệu lực, hiệu quả, lấy sự hài lòng của nhân dân là mục tiêu hoạt động; triệt để đổi mới công tác tuyên truyền, giải thích, thuyết phục bằng nhiều hình thức như gặp gỡ trực tiếp, qua báo chí, mạng xã hội… để nhân dân hiểu về tình hình đất nước, tin vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không để các thế lực thù địch gây nhiễu loạn tư tưởng nhân dân, chống phá ta, tạo bất ổn xã hội.

Bên cạnh đó, “Phải nắm chắc tình hình, tâm tư của nhân dân một cách khoa học, công khai, minh bạch, lý giải rõ ràng, thấu tình, đạt lý trước khi triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước, xây dựng các dự án, công trình kinh tế - xã hội trên địa bàn. Cán bộ, đảng viên phải thực sự gương mẫu trong cuộc sống và mọi hoạt động của mình, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, phải trọng dân, chân thành với dân, gần dân, sát dân, vui buồn cùng dân, có trách nhiệm với dân, luôn đặt lợi ích tập thể lên trên hết, không chủ nghĩa cá nhân” - đồng chí Trần Quốc Vượng nhấn mạnh.

Để tổ chức tốt Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng, Thường trực Ban Bí thư đề nghị tập trung khắc phục, giải quyết dứt điểm, triệt để những vấn đề bức xúc, nổi cộm mà cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm. Cần quy định rõ trách nhiệm thực hiện công tác dân vận của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, cán bộ, đảng viên; hàng năm tiến hành kiểm điểm, đánh giá kết quả công tác dân vận của tập thể cấp ủy, đảng viên; Tiếp tục nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác dân vận.

Theo đồng chí Trần Quốc Vượng, trong số cán bộ dân vận còn có người chưa yên tâm với nhiệm vụ được giao, còn so kè với các lĩnh vực khác, nên chất lượng công tác thấp. Do đó, đồng chí yêu cầu "không nóng vội, chủ quan, phải nhiệt tình, trách nhiệm, say mê với công việc. Nếu cán bộ, đảng viên từ mỗi thôn, bản, làng, xã đến huyện, tỉnh và Trung ương xác định rõ tâm thế, trách nhiệm vì dân, tâm huyết với dân, thì công tác dân vận sẽ chuyển biến tích cực. Đồng thời phải chú trọng nhân rộng các tấm gương cá nhân điển hình trong công tác dân vận”.

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe 7 tham luận trong số hơn 30 tham luận Ban Tổ chức đã nhận được của các nhà khoa học, đại diện các cơ quan Đảng, Nhà nước, đại diện lãnh đạo một số tỉnh, thành phố trong cả nước. Các tham luận tham gia hội thảo đã tập trung làm sáng tỏ các vấn đề: Thứ nhất, tác phẩm "Dân vận" là sự khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò, sức mạnh của nhân dân và tư tưởng “lấy dân làm gốc”. Thứ hai, tác phẩm kết tinh tư tưởng, phương pháp, phong cách Hồ Chí Minh về công tác dân vận, được cô đúc trong nhiều vấn đề lớn: Về bản chất dân chủ của Nhà nước Việt Nam - Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Nội dung, nhiệm vụ, phương pháp dân vận, nhằm tổ chức, vận động, tập hợp lực lượng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp cách mạng. Thứ ba, tác phẩm "Dân vận" của Chủ tịch Hồ Chí Minh có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc; là cẩm nang cho công tác vận động quần chúng của Đảng, Nhà nước, các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị. Đối với công cuộc đổi mới hiện nay, nội dung tác phẩm "Dân vận" vẫn nguyên tính thời sự, là cơ sở lý luận để Đảng, Nhà nước đề ra chủ trương, chính sách về công tác dân vận.


 Đồng chí Trương Thị Mai phát biểu kết luận Hội thảo

Phát biểu kết luận Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cho rằng, việc nhận thức sâu sắc hơn những nội dung trong tác phẩm “Dân vận” của Bác, cũng như nhận thức đầy đủ ý nghĩa thực tiễn của quan điểm “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. 

Thực tiễn 70 năm qua cho thấy, để có được niềm tin của nhân dân, mọi quyết định của Đảng phải xuất phát từ cuộc sống của nhân dân, đặt lợi ích hợp pháp, chính đáng, đời sống của người dân là mối quan tâm hàng đầu.

Theo đồng chí Trương Thị Mai, quá trình đổi mới cũng phát sinh những vấn đề phức tạp, có thể tác động tiêu cực đến cuộc sống người dân, nơi này, nơi kia vẫn còn tồn tại những bức xúc, có những vụ việc nghiêm trọng kéo dài, một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa gương mẫu trước dân, còn dân chủ hình thức, để lại hình ảnh chưa tốt trong nhân dân cần phải kịp thời xem xét, giải quyết thấu đáo.

Các chính sách được ban hành không chỉ hợp lòng dân mà còn phải vận động, tuyên truyền để tạo đồng thuận, phát huy vai trò làm chủ, động viên nhân dân tham gia, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

“Công tác vận động các tầng lớp nhân dân không thể tách rời công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác cán bộ và nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu; đồng thời, quan tâm hoàn thiện cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và phương châm: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát phù hợp thực tiễn” - đồng chí Trương Thị Mai nói.

Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân” là yêu cầu quan trọng trong bối cảnh tình hình mới. Từ đó, công tác vận động các tầng lớp nhân dân cần được đi vào thực chất hơn nữa, lấy sự hài lòng, niềm tin của nhân dân là thước đo cho kết quả công tác của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và hệ thống chính trị. Trưởng Ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh, niềm tin đó chính là sức mạnh để Đảng tiếp tục lãnh đạo đất nước, dân tộc vượt qua thách thức, đạt được các mục tiêu phát triển cho giai đoạn tiếp theo.

Trong khuôn khổ Hội thảo khoa học “70 năm tác phẩm Dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, Ban Dân vận Trung ương và Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp trao giải cuộc thi báo chí viết về tấm gương “Dân vận khéo” năm 2019.


Đồng chí Hà Ngọc Anh báo cáo kết quả  Cuộc thi báo chí viết về tấm gương “Dân vận khéo” năm 2019

và công bố quyết định khen thưởng cho 50 tác giả/nhóm tác giả có tác phẩm vào vòng chung khảo Cuộc thi

Tại buổi lễ, đồng chí Hà Ngọc Anh, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương cho biết, Cuộc thi báo chí viết về tấm gương “Dân vận khéo” được tổ chức hướng tới kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15/10/1949-15/10/2019). Cuộc thi được phát động chính thức từ ngày 13/10/2017. Năm 2019 là năm thứ hai thực hiện Cuộc thi và đã đạt được kết quả quan trọng.

Cuộc thi đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương, Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam và các cấp ủy đảng, chính quyền, sự hưởng ứng tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội nên nhận được sự tham gia tích cực, tâm huyết của đông đảo nhà báo, phóng viên, cộng tác viên, các tầng lớp nhân dân. Trong đó, nhiều địa phương đã tổ chức sơ khảo và trao giải tại địa phương.

Năm 2019, Ban Dân vận Trung ương đã tiếp nhận được 1.120 tác phẩm gửi về dự thi ở 4 loại hình là báo in, báo điện tử, báo hình, báo nói (tăng gần 300 bài so với năm 2019). Các tác phẩm hầu hết đã qua vòng sơ loại ở các địa phương, cơ quan, đơn vị.  Qua quá trình chấm điểm độc lập theo các tiêu chí quy định của thể lệ, Ban Tổ chức đã thống nhất lựa chọn được 50 tác phẩm có chất lượng, tiêu biểu và vòng chung khảo, trong đó có 19 tác phẩm báo in; 8 tác phẩm báo điện tử; 15 tác phẩm báo hình; 8 tác phẩm báo nói.

Các tác phẩm được chọn vào vòng chung khảo là những tác phẩm tiêu biểu về nội dung, hình thức, phản ánh chân thực những điển hình cá nhân và tập thể, những kinh nghiệm hay, mô hình tốt trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”, có tính bền vững, sức lan tỏa, đóng góp tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương, đơn vị trên phạm vi cả nước; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của Đảng, lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong đời sống xã hội.

Đề tài, nội dung các tác phẩm bám sát chủ đề và tiêu chí của Thể lệ Cuộc thi, tiếp tục đi sâu khai thác, phản ánh “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, công tác dân vận của chính quyền, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, công tác dân tộc, công tác tôn giáo… Đặc biệt, nhiều tác phẩm thành công trong các lĩnh vực mới và khó như: công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài; bảo vệ chủ quyền biển đảo; bảo vệ môi trường; xử lý “điểm nóng” và những vân đề mới phát sinh ở cơ sở…

Nhiều tác phẩm được đầu tư bài bản, mốt số phóng sự trên báo in, báo điện tử được thực hiện công phu, dài kỳ, phóng sự trên báo hình có cách thể hiện sáng tạo, hiện đại cập nhật công nghệ sản xuất truyền hình mới, tăng tính hấp dẫn với người xem.


 Đồng chí Trương Thị Mai và đồng chí Phạm Minh Chính trao thưởng
cho các tác giả có tác phẩm xuất sắc vào vòng chung khảo
Cuộc thi Báo chí viết về tấm gương “Dân vận khéo” giai đoạn 2017 - 2020


 Đồng chí Võ Văn Thưởng và đồng chí Nguyễn Xuân Thắng trao thưởng 
cho các tác giả có tác phẩm xuất sắc vào vòng chung khảo Cuộc thi

Tại buổi lễ, Ban Tổ chức đã trao thưởng cho 50 tác phẩm của năm 2019 lọt vào vòng chung Cuộc thi Báo chí viết về tấm gương “Dân vận khéo” giai đoạn 2017 - 2020.

Với thành công Cuộc thi năm 2019 và khí thế hướng về kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng, Ban chỉ đạo, Ban Tổ chức đã phát động Cuộc thi Báo chí viết về tấm gương “Dân vận khéo” năm 2020, gắn với tổng kết cuộc thi giai đoạn 2017 - 2020./.

Hoàng Phong

 

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất