Thứ Ba, 24/12/2024
Nhóm ngôn ngữ Tạng Miến

1. Dân tộc LÔ LÔ

Tên tự gọi: Lô Lô.

Tên gọi khác: Mùn Di, Di, Màn Di, La La, Qua La, Ô Man, Lu Lộc Màn.

Nhóm địa phương: Lô Lô hoa và Lô Lô đen.

Ngôn ngữ: Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng-Miến (ngữ hệ Hán-Tạng), gần với Miến hơn.

Lịch sử: Họ là cư dân có mặt rất sớm ở vùng cực bắc của Hà Giang.

 
Vũ điệu nhảy sạp của đồng bào dân tộc Lô Lô

Hoạt động sản xuất: Người Lô Lô chủ yếu làm ruộng nước và nương định canh với các cây trồng chính như lúa nếp, lúa tẻ và ngô. Chăn nuôi gia đình tương đối phát triển và là một nguồn lợi đáng kể.

Ăn: Người Lô Lô chủ yếu ăn ngô bằng cách xay thành bột đồ chín. Bữa ăn phải có canh. Họ thường dùng bát và thìa bằng gỗ.

Mặc: Phụ nữ có nhóm mặc áo cổ tròn, xẻ ngực, có nhóm mặc áo cổ vuông chui đầu, quần chân què, có nơi bên ngoài còn quấn xà cạp. Trang trí trên y phục bằng hoa văn chắp ghép những mảng vải màu to. Họ có sử dụng hoa văn in bằng sáp ong.

: Tuỳ từng nơi họ sống trong ba loại nhà: nhà trệt, nhà sàn hoặc nhà nửa sàn nửa đất ở các huyện Ðồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang), Bảo Lạc (Cao Bằng), Mường Khương (Lào Cai).

Phương tiện vận chuyển: Người Lô Lô quen dùng gùi đan bằng mây, giang, có hai quai để chuyên chở; địu trẻ em trên lưng khi đi xa hoặc lúc làm việc.

Quan hệ xã hội: Người Lô Lô sống tập trung trong các bản tương đối ổn định. Tính cộng đồng tộc người thể hiện rõ nét.

Có hơn 30 dòng họ khác nhau. Mỗi dòng họ thường quần tụ trong phạm vi một làng bản, thờ cúng chung một ông tổ và có một khu nghĩa địa riêng nằm trong nghĩa địa chung của công xã. Người Lô Lô thích các quan hệ hôn nhân nội tộc người và thực hiện nguyên tắc ngoại hôn giữa các dòng họ.

Cưới xin: Phong tục cưới xin của người Lô Lô mang nặng tính gả bán với việc thách cưới cao (bạc trắng, rượu, thịt...). Sau hôn nhân, cô dâu cư trú bên chồng. Con trai cô có thể lấy con gái cậu song không được ngược lại.

Sinh đẻ: Phụ nữ khi mang thai phải kiêng kỵ nhiều trong chế độ ăn uống và sản xuất. Sản phụ đẻ ở nhà với sự giúp đỡ của bà mụ trong bản. Sau 12 ngày làm lễ đặt tên cho con và có thể đổi tên nếu đứa trẻ hay khóc hoặc chậm lớn.

Ma chay: Tang ma có nhiều lễ thức độc đáo như hoá trang, nhảy múa, đánh lộn... Dấu vết của tục săn đầu còn thể hiện khá rõ ở hiện tượng một người luôn đeo chiếc túi vải có đựng khúc gỗ hay quả bầu có vẽ mặt người trong tang lễ.

Thờ cúng: Người Lô Lô thờ cúng tổ tiên, bố mẹ và những người thân đã mất. Trên bàn thờ có những bài vị hình nhân bằng gỗ, vẽ mặt bằng than đen. Linh hồn giữ vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh.

Lễ tết: Tết Nguyên đán như người Hán và người Việt. Ngoài ra còn có tục ăn Cơm mới, tết Ðoan ngọ, Rằm tháng bảy...

Lịch: Họ sử dụng lịch truyền miệng chia năm thành 11 tháng, mỗi tháng tương ứng với một con vật.

Học: Khoảng thế kỷ thứ 14 người Lô Lô đã có chữ tượng hình với 140 bộ thủ. Người ta dùng phương pháp ghép bộ thủ để diễn đạt nghĩa. Chữ được ghi trên các tấm gỗ mỏng, trên da thú hoặc loại giấy dày, thô. Tới nay chỉ có một số gia đình còn giữ lại được một vài mảnh có ghi lại loại chữ đó mà ít ai đọc được.

Văn nghệ: Là một trong số ít các dân tộc ở nước ta hiện nay còn sử dụng trống đồng trong sinh hoạt. Trống đồng là một nhạc cụ truyền thống của người Lô Lô gắn liền với huyền thoại về nạn hồng thuỷ. Truyện kể rằng: xưa có nạn lụt lớn, nước dâng cao đến tận trời. Có hai chị em nhờ trời cứu để chị vào trống đồng to, em vào trống đồng nhỏ. Hai chị em thoát chết nhờ trống nổi lên mặt nước. Hết lụt họ ở trên núi, sống với nhau thành vợ, thành chồng. Họ là thuỷ tổ của loài người tái sinh.

Trống đồng với tư cách là nhạc khí chỉ được dùng trong đám tang, giữ nhịp cho các điệu múa dân gian của cộng đồng. Quan niệm về âm dương, sự sinh sôi nảy nở có lẽ còn được bảo tồn rõ ràng với lối hoà tấu hai trống đực và cái cùng một lúc. Trống treo trên giá đặt ở phía chân người chết; mặt của hai trống quay lại với nhau. Người đánh trống đứng ở giữa, cầm dùi đánh bằng hai đầu, cứ một đầu dùi đánh một trống. Chỉ những người đàn ông chưa vợ hoặc có vợ không ở trong thời kỳ thai nghén mới được đánh trống.

Trống đồng không những là một tài sản quý, một nhạc cụ độc đáo mà còn là một khí cụ mang tính chất tôn giáo. Có tiếng trống đồng thì hồn người chết mới tìm được đường về nơi sinh tụ đầu tiên của tổ tiên. Chỉ có trong đám ma mới đánh trống đồng. Ngày thường, người ra chôn trống dưới đất ở nơi sạch sẽ, kín đáo.

 

2. Dân tộc PHÙ LÁ

Tên tự gọi: Lao Va Xơ, Bồ Khô Pạ, Phù Lá.

Tên gọi khác: Xá Phó, Cần Thin.

Nhóm địa phương: Phù Lá Lão - Bồ Khô Pạ, Phù Lá Ðen, Phù Lá Hán.

Ngôn ngữ: Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng Miến (ngữ hệ Hán - Tạng), gần với Miến hơn.

Lịch sử: Nhóm Phù Lá Lão - Bồ Khô Pạ là cư dân có mặt tương đối sớm ở Tây Bắc nước ta.

Các nhóm khác đến muộn hơn, khoảng 200-300 năm trở lại, quá trình hội nhập của nhóm Phù Lá Hán còn tiếp diễn cho tới những năm 40 của thế kỷ XX.


  Thầy cúng thực hiện nghi lễ cúng mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Phù Lá

Hoạt động sản xuất: Người Phù Lá làm nương và ruộng bậc thang, các sản phẩm đan bằng mây, trúc với nhiều hoa văn, màu sắc như các đồ đựng quần áo, thức ăn rất nổi tiếng. Họ quen sử dụng nỏ, tên tẩm thuốc độc, trồng bông, dệt vải, xe sợi bằng con trượt.

Ăn: Người Phù Lá giã gạo hàng ngày bằng chày tay, ăn cơm tẻ ngày hai bữa, sáng sớm và tối thích hợp với điều kiện canh tác trên nương. Ðồ nếp dùng trong lễ cúng, làm bánh. Cơm nếp, các món ăn cá, thịt ướp với gạo rang giã nhỏ cùng gia vị ớt, rau thơm, thịt nướng rất được họ ưa thích.

Mặc: Phụ nữ ăn mặc khác nhau giữa các nhóm. Nữ giới nhóm Phù Lá Lão - Bố Khô Pạ mặc váy, áo ngắn, cổ vuông chui đầu, vừa thêu vừa trang trí bằng hạt cườm, thắt lưng đính vỏ ốc núi. Các nhóm khác mặc quần, áo dài xẻ ngực hay áo ngắn xẻ nách.Chiếc áo của nam giới Phù Lá Lão rất độc đáo, sau lưng đính nhiều hạt cườm.Nam nữ Phù Lá thường đeo túi vải bên mình.

: Người Phù Lá sống tập trung ở các tỉnh: Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu. Làng xóm thường cách xa nương. Cư dân nhóm Phù Lá Lão thường ở phân tán thành những chòm xóm với quy mô nhỏ.

Các nhóm khác cư trú tập trung hơn. Tuỳ từng nơi ở nhà sàn hay nhà trệt. Kho thóc quây quần thành một khu thường làm cách xa nhà để phòng hoả hoạn.

Phương tiện vận chuyển: Nhóm Phù Lá Lão - Bồ Khô Pạ đeo gùi đỡ bằng trán. Trái lại, nhóm Phù Lá Hán và Phù Lá Ðen cõng gùi trên lưng hoặc sử dụng ngựa thồ để chuyên chở.

Quan hệ xã hội: Quan hệ láng giềng là mối quan hệ chủ đạo trong các bản Phù Lá. Những ngày mùa các gia đình trong bản thường giúp đổi công cho nhau, ăn chung với gia chủ bữa tối.

Khi gia đình nào đó có công to việc lớn (cưới xin, làm nhà, ma chay...) đều nhận được sự giúp đỡ của các thành viên khác nhau trong bản.

Trong bản có nhiều họ khác nhau, mỗi họ lại chia thành nhiều chi. Phủ bên ngoài các tên họ bằng âm Hán, Hán - Việt, Việt, Thái còn có những tên họ riêng bằng tiếng dân tộc.

Dấu vết thờ vật tổ trong các dòng họ còn đặc biệt rõ nét ở nhóm Phù Lá Lão. Quan hệ dòng họ không thật chặt chẽ.

Cưới xin: Trai gái tự do tìm hiểu trước hôn nhân. Tối tối, gái trai chưa vợ chưa chồng thường đến tụ tập vui chơi ở nhà bạn gái hay trai và ngủ luôn ở gian khách, nơi dành cho những người chưa vợ chưa chồng.

Nếu yêu nhau người con trai được vào ngủ chung với người yêu của mình. Sau vài đêm đi lại với nhau, hai bên thật ưng ý, người con gái trở về ngủ ở nhà mình. Ðến đêm người yêu lại tới ngủ cùng.

Tiếp đó là các lễ dạm, hỏi, cưới như bình thường.

Trong đám cưới có tục uống rượu, hát đối để được vào nhà đón và đưa cô dâu về nhà trai và nhà gái, tục vẩy nước bẩn và bôi nhọ nồi lên mặt đoàn nhà trai trước khi ra về, tục lại mặt sau 12 ngày cưới.

Sinh đẻ: Sản phụ đẻ ngồi. Họ không được ngủ trên giường, mà phải ngủ trên đệm rơm. Nhau đẻ chôn dưới gầm giường hoặc chân cột dưới gầm sàn, phía buồng ngủ.

Sau khi đẻ kiêng người lạ vào nhà 3 ngày với dấu hiệu úp nón trên cọc ở trước cửa hay cọc bôi than đen có cắm lá đùm đúm ở ngoài cửa.

Lễ đặt tên 12 ngày sau khi đẻ do thày mo thực hiện.

Mỗi người được đặt hai tên, một tên khác chỉ dùng để cúng báo tổ tiên hay cúng lúc chết.

Thờ cúng: Người Phù Lá thờ riêng tổ tiên nam để phù hộ cho sức khoẻ, tổ tiên nữ phù hộ cho mùa màng. Lễ cơm mới chủ yếu cúng ở nơi thờ tổ tiên nữ do phụ nữ đại diện và nữ giới trong nhà được ăn cơm trước.

Lễ cúng bản thường vào tháng hai hàng năm. Họ thực hiện nhiều nghi lễ tín ngưỡng nông nghiệp trên nương, ruộng. Chiếc chài mới cũng phải qua lễ cúng mới được dùng.

Thày cúng giữ vị trí quan trọng trong xã hội. Thày cúng thường được dạy theo cách truyền khẩu vào các dịp tết tháng giêng, tháng bảy.

Lễ tết: Người Phù Lá ăn tết Nguyên đán, các tết tháng năm, tháng bảy, cơm mới.

Học: Một bộ phận người Phù Lá ở các huyện Mường Khương, Bắc Hà, Xín Mần có truyền thống sử dụng chữ Hán và xem tiếng Hán phương Nam như công cụ giao tiếp hàng ngày.

Văn nghệ: Kho tàng văn học dân gian phong phú, nhiều truyện cổ tích rất gần với môtip của người Việt. Người Phù Lá sử dụng kèn, trống. Trai gái thích hát giao duyên. Nhóm Phù Lá Lão còn biết múa xoè trong âm hưởng của các làn điệu dân ca Thái.

Chơi: Trẻ em thích chơi đu quay, đá cầu, trốn tìm, đánh cỏ, chơi cù...

Trong các dịp hội hè, lễ tết... ngay cả người lớn cũng tham gia vào các trò chơi vui nhộn với phong thái rất hồn nhiên./.

 

3. Dân tộc HÀ NHÌ

Tên tự gọi: Hà Nhi gia.

Tên gọi khác: U Ní, Xá U Ní.

Nhóm địa phương: Hà Nhì, Cồ Chồ, Hà Nhì La Mí, Hà Nhì đen.

Ngôn ngữ: Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng-Miến (ngữ hệ Hán-Tạng), gần với Miến hơn.


 Bia truyền thống - đồ uống độc đáo của người Hà Nhì trong các dịp lễ Tết

Lịch sử: Cư dân Hà Nhì đã từng sinh sống lâu đời ở nam Trung Quốc và Việt Nam. Từ thế kỷ thứ 8, thư tịch cổ đã viết về sự có mặt của họ ở Tây bắc Việt Nam. Nhưng phần lớn tổ tiên người Hà Nhì hiện nay là lớp cư dân di cư đến Việt Nam khoảng 300 năm trở lại đây.

Hoạt động sản xuất: Người Hà Nhì sớm biết trồng lúa trên ruộng bậc thang. Họ giỏi việc khai khẩn tạo nên những thửa ruộng trên sườn núi dốc với những mương dẫn nước khéo léo. Họ quen dùng phân chuồng và phân tro trong canh tác lúa nước; đồng thời cũng làm nương cày hoặc nương cuốc để trồng ngô hoặc rau đậu, bầu, bí, bông, chàm...

Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo lối chăn thả tự nhiên. Ðàn trâu nuôi thả rông trong rừng có đến hàng trăm con.

Nghề trồng bông, dệt vải đảm bảo nhu cầu vải mặc truyền thống. Có nơi do khí hậu lạnh nên không trồng được bông phải đem các sản phẩm như chàm, đồ đan, gia cầm đổi lấy bông. Phụ nữ dệt vải trên khung cửi nhỏ, khổ 20 cm. Vải bền do kỹ thuật dệt đo được nhuộm chàm nhiều lần. Trồng chàm và nhuộm chàm là một hoạt động rất đặc sắc ở người Hà Nhì.

Hái lượm còn chiếm vị trí đáng kể trong đời sống hàng ngày.

Ăn: Người Hà Nhì quen dùng cả cơm nếp và cơm tẻ trong các bữa ăn hàng ngày. Thực phẩm chủ yếu được cung cấp từ săn bắt, đánh cá, hái lượm. Vào dịp lễ tết, họ thường làm nhiều loại bánh, ưa dùng thịt nướng, thịt xào và đặc biệt thích ăn cháo ám nấu với thịt gà hoặc thịt lợn.

: Họ quần cư chủ yếu trên dọc biên giới Việt-Trung, Việt-Lào thuộc các huyện Bát Xát (Lào Cai), Mường Tè (Lai Châu). Bộ phận làm ruộng bậc thang, nương định canh từ lâu đã sống định cư. Nhiều bản có tuổi trên 100 năm, đông tới 50, 60 hộ. Những nơi làm nương, bản thường phân tán rải rác theo nương.

Ða số cư dân ở nhà đất, tường trình chắc chắn, dày tới 30-40cm, thích hợp với khí hậu lạnh vùng núi cao. Tuỳ từng nơi, nhà có hàng hiên phía trước hoặc hàng hiên ở ngay trong nhà để tránh gió rét. Họ quen nấu cơm bằng chảo ở bếp lò xây trên nền đất.

Phương tiện vận chuyển: Người Hà Nhì phổ biến dùng gùi đeo qua trán, một số nơi dùng ngựa trong việc đi lại và chuyên trở.

Quan hệ xã hội: Tính cộng đồng trong làng bản biểu hiện khá tập trung không chỉ trong sản xuất mà cả trong lĩnh vực văn hoá tinh thần, tôn giáo, tín ngưỡng.

Gia đình nhỏ phụ quyền song người phụ nữ vẫn được trân trọng trong xã hội. Có nhiều họ khác nhau, mỗi họ lại chia ra thành nhiều chi. Tên chi gọi theo tên ông tổ.

Người Hà Nhì không có tục thờ cúng chung toàn dòng họ mà chỉ thờ cúng theo gia đình. Việc thờ cúng do con trai cả, dòng trưởng đảm nhận. Nếu dòng trưởng không có người thừa kế thì việc thờ cúng chuyển cho con trai út. Các thành viên trong gia đình, dù đã ra ở riêng, nếu bị chết phải đưa xác về quàn tại trước bàn thờ bố mẹ thì người quá cố mới được thờ cúng chung với tổ tiên.

Hàng năm vào tối 30 tết, một nghi lễ rất quan trọng trong gia đình được thực hiện. Ðó là lễ tưởng nhớ tổ tiên dòng họ, đọc tên từng tổ tiên và mọi người cùng nhắc lại. Tên từng người được gọi theo cách gọi phụ tử liên danh, tên cha nối với tên con, nên có vần điệu dễ nhớ. Có họ nhắc tới 71 tên gọi trong buổi lễ này. Có nơi nghi lễ này cũng được thực hiện trong lễ nhập quan cho người chết.

Cưới xin: Tuỳ từng vùng phong tục cưới xin khác nhau nhưng một điểm chung nhất là các cuộc hôn nhân do trai gái tự tìm hiểu. Ở vùng Bát Xát (Lào Cai), cưới qua nhiều bước. Sau ba lần dạm hỏi, lễ cưới thứ nhất được tổ chức nhằm đưa con dâu về nhà chồng. Lần cưới thứ hai ăn uống linh đình ở nhà gái. Lễ này chỉ diễn ra sau khi đôi vợ chồng làm ăn khá giả, lúc đó họ đã có con, cháu, có người 50-60 năm sau hoặc cho đến khi chết vẫn chưa tổ chức được lễ cưới này.

Ở Tây Bắc, sau lễ hỏi, con rể đến ở rể. Nếu trả ngay tiền cưới thì không phải ở rể, lễ cưới được tổ chức ngay, từ đó con dâu mang họ của chồng.

Sinh đẻ: Phụ nữ Hà Nhì đẻ đứng. Ðể dễ đẻ họ có tục đập vỡ ống bương đựng nước cho nước toé ra hoặc thả ống bương nước trong có cái đục từ trên đỉnh nóc nhà xuống, đục bắn ra giống như đứa trẻ được đẻ ra. Có nơi sản phụ được uống nước tro của ruột voi với mong muốn sản phụ có sức mạnh như voi. Rau đẻ được chôn ở ngay sau cửa ra vào hay cột cạnh bếp lò.

Nhà có trẻ mới sinh được báo hiệu bằng chiếc nón úp trên cọc ở trước cửa, nếu cọc ở phía bên phải - sinh con gái, bên trái - sinh con trai.

Ma chay: Quan tài bằng thân cây khoét rỗng, có nắp đậy kín. Nơi đào huyệt được chọn bằng cách ném trứng, trứng vỡ ở đâu thì đào ở đấy. Kiêng chôn vào mùa mưa, vào thời điểm đó quan tài người chết được treo xuống huyệt nhưng không lấp, bên trên có nhà táng hoặc đặt trên giàn. Hết mùa mưa mới đem chôn quan tài có người chết.

Thờ cúng: Họ tin có linh hồn, thờ cúng tổ tiên, cúng bản và các nghi lễ nông nghiệp.

Lễ tết: Người Hà Nhì ăn tết năm mới vào đầu tháng 10 âm lịch. Trong năm còn có Tết cơm mới, Tết mồng năm tháng năm, rằm tháng 7.

Học: Người Hà Nhì chưa có chữ viết riêng, việc giáo dục chủ yếu dựa vào kinh nghiệm truyền thống được truyền từ đời này qua đời khác.

Văn nghệ: Người Hà Nhì có nền văn học dân gian với nhiều thể loại như truyện thần kỳ, cổ tích, trường ca, ca dao, thành ngữ...

Dân ca, dân vũ là những hình thức văn nghệ được mọi lứa tuổi ưa thích.

Các loại nhạc cụ có trống, chiêng, đàn tính, đàn môi, sáo.

Chơi: Trẻ em Hà Nhì thích chơi các trò chơi đòi hỏi lòng dũng cảm, khéo léo như đấu vật, đuổi bắt, trốn tìm, chơi cù, đu quay./.

 

4. Dân tộc LA HỦ

Tên tự gọi: La Hủ.

Tên gọi khác: Xá lá vàng, Cò Xung, Khù Sung, Kha Quy, Cọ Sọ, Nê Thú.

Nhóm địa phương: La Hủ na (đen), La Hủ sư (vàng) và La Hủ phung (trắng).

Ngôn ngữ: Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng - Miến (ngữ hệ Hán - Tạng), gần với Miến hơn.

 
 Trang phục của phụ nữ dân tộc La Hủ

Hoạt động sản xuất: Người La Hủ chủ yếu làm nương du canh với nhịp độ luân chuyển cao. Gần đây họ chuyển dần sang trồng lúa trên ruộng bậc thang. Người La Hủ nổi tiếng về nghề đan lát (mâm cơm, ghế mây), rèn.

Săn bắt, đánh cá, hái lượm có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống kinh tế.

Ăn: Người La Hủ đã chuyển từ ăn ngô, cơm nếp sang chủ yếu cơm tẻ, thích dùng các loại thịt chim, thú do săn bắn được, cá bắt ở khe suối, măng chua, canh đậu, bầu bí.

Mặc: Người La Hủ không có truyền thống trồng bông. Trước đây, phụ nữ thường đem thịt thú rừng, nấm hương, thuốc phiện và các lâm thổ sản quý đổi lấy vải của các dân tộc khác hoặc đổi lấy bông để tự dệt thành vải. Phụ nữ mặc quần áo dài. Mặc hai lớp áo, áo trong tay dài, cài khuy bên nách phải, áo ngoài tay ngắn, cài khuy giữa ngực. Ngày thường họ chỉ mặc áo dài, ngày lễ, tết mặc thêm áo ngắn ra ngoài.

: Trước đây họ thường làm nhà, lều rải rác ở ngay trên nương, trên núi cao thuộc hai xã Pa Ủ VÀ PA VỆ SỦ HUYỆN Mường Tè (Lai Châu). Nhà lợp lá, lá vàng lại chuyển đi nơi khác nên người La Hủ mới có tên Xá lá vàng. Hiện nay, họ phổ biến ở nhà trệt hoặc trình tường bằng đất hoặc ván. Bếp, nhà thờ và giường ngủ của gia đình bao giờ cũng ở chung một gian.

Phương tiện vận chuyển: Người La Hủ quen dùng gùi đan bằng mây, giang, có hai quai đeo vai để chuyên chở trong điều kiện địa hình rất dốc. Hon thường địu trẻ khi đi ca hay lúc làm việc.

Quan hệ xã hội: Người La Hủ cư trú phân tán thành nhiều xóm nhỏ với thành phần dân cư thay đổi thường xuyên do lối sống du canh. Xã hội chưa có sự phân hoá giàu nghèo. Người phụ nữ được tôn trọng trong gia đình song có ít vai trò xã hội.

Quan hệ dòng họ lỏng lẻo, không có người đứng đầu dòng họ và không có nghi lễ cúng bái cho cả họ. Một số mang tên chim, thú nhưng nhiều họ khác không còn ai nhớ ý nghĩa.

Cưới xin: Trai gái La Hủ được phép tự do yêu đương khi đến tuổi lập gia đình. Việc cưới hỏi được tiến hành qua nhiều bước. Trong só lễ vật nhà trai đưa sang nhà gái bắt buộc phải có thịt sóc. Sau lễ cưới, cô dâu cư trú bên chồng. Tuy nhiên, tục ở rể vẫn tồn tại với những chàng trai không sắm đủ đồ dẫn cưới, nhất là bạc trắng.

Sinh đẻ: Phụ nữ La Hủ được phép đẻ trong gian buồng của mình với sự giúp đỡ của mẹ chồng hay chị em gái. Sau khi đẻ ba ngày thì lễ đặt tên cho đứa trẻ. Tên của trẻ sơ sinh thường được đặt theo ngày sinh, do vậy trong cộng đồng người La Hủ, việc trùng tên khá phổ biến. Nếu thấy trẻ lâu lớn hoặc hay đau ốm, có thể làm lễ đổi tên khác.

Ma chay: Khi nhà có người chết, người ta bắn súng để đuổi ma và báo cho họ hàng, làng xóm biết. Quan tài thường là một khúc gỗ bổ đôi, khoét rỗng cả hai nửa. Ngày giờ đi chôn được lựa chọn cẩn thận.

Người La Hủ không có nghĩa địa cố định. Thời hạn để tang của con cái đối với cha mẹ là ba năm song không có các dấu hiệu đặc biệt trên trang phục hay đầu tóc.

Thờ cúng: Người ta cúng tổ tiên, bố mẹ và những người thân đã mất chỉ vào các dịp cơm mới, ngày tết tháng bảy hay gieo xong lúa nương, khi cưới xin, ma chay. Không có tục cúng vào ngày giỗ. Lễ vật duy nhất dâng cho tổ tiên là cơm gói trong lá rừng.

Là cư dân hái lượm nhưng vào dịp tết cơm mới, đầu tháng 10 hay tháng 11, họ kiêng 3 ngày không đi hái rau, lấy củi, chặt cây, phát cỏ trong rừng để cầu mong cây cỏ tốt quanh năm.

Quan niệm về sự sống và chết là do trời định. Ở TRÊN TRỜI CÓ HAI CĂN nhà, một gọi là nà đề (nhà ốm), một gọi là xơ đề (nhà chết). Nếu hồn của người nào lên đến xơ đề thì nhất định xẽ chết. Còn nếu hồn lên tới nà đề thì phải làm lễ cúng xin hồn về để được sống lâu hơn. Người ta tin mỗi người chỉ sống trong một hạn tuổi đã định ngay từ khi mới đẻ ra. Nhưng cũng có thể sống vượt quá hạn đó nếu như tổ chức lễ cúng di chá. Phải bói để tìm nguyên nhân giải hạn này.

Học: Xưa kia, người La Hủ Không có chữ. Hiện nay, học sinh học chữ quốc ngữ. Người La Hủ sử dụng lịch truyền miệng chia năm thành 12 tháng, mỗi tháng tương ứng với một con vật. Họ biết nhiều cây thuốc trên rừng. Ðể giữ bí mật và mong sự linh nghiệm của những cây thuốc, người ta thường phủ lên trên những nghi lễ, tín ngưỡng. Mỗi lần định đi hái thuốc họ giữ kín cả buổi không nói chuyện với ai, bất chợt lẻn vào rừng không cho người khác biết.

Văn nghệ: Người La Hủ thích nghe và sử dụng thành thạo khèn.

Chơi: Chiều chiều, trẻ em thường quây quần bên đống lửa quanh nhà, bên bờ suối vừa chơi, vừa hát, gõ cây làm nhịp./.

 

5. Dân tộc CỐNG

Tên tự gọi: Xắm khống, Phuy A.

Ngôn ngữ: Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng - Miến (ngữ hệ Hán - Tạng) gần hơn với tiếng Miến, cùng nhóm với các tiếng La Hủ, Phù Lá, Si La... Họ quen sử dụng tiếng Thái trong giao dịch hàng ngày.

Lịch sử: Người Cống có nguồn gốc di cư trực tiếp từ Lào sang.


 Nghi thức buộc chỉ cổ tay cầu an trong Tết hoa của dân tộc Cống

Hoạt động sản xuất: Nguồn sống chính là làm nương, đang chuyển sang làm nương cuốc, ruộng. Hái lượm còn giữ vai trò quan trọng. Người Cống không quen dệt vải, chỉ trồng bông để đổi lấy vải của các dân tộc khác. Họ giỏi đan chiếu mây nhuộm đỏ, các đồ đựng bằng tre nứa như gùi đeo, giỏ đựng cơm, rương hòm... Chuyển xuống định cư ven sông Ðà, nên người Cống quen dần với việc sử dụng thuyền trên sông.

Ăn: Người Cống ăn cơm nếp và cơm tẻ.

Mặc: Y phục của người Cống giống người Thái. Một ít gia đình còn giữ lại vài bộ y phục truyền thống bằng vải dệt của người Lào.

: Nhà sàn ba hay bốn gian, chỉ có một cửa ra vào, một cửa sổ ở gian giữa, chạy dọc theo vách mặt chính của nhà có thêm một chiếc sàn nhỏ ít có giá trị sử dụng nhưng nhà nào cũng có là đặc trưng trong nhà người Cống.

Phương tiện vận chuyển: Người Cống quen sử dụng thuyền đi lại trên sông Ðà và gùi đeo qua trán khi đi nương, đi rẫy.

Quan hệ xã hội: Người Cống ở khá tập trung trong các làng bản có quy mô vừa và lớn. Tính cộng đồng làng bản cao. Phụ nữ có vai trò quan trọng trong gia đình cũng như xã hội.

Trong xã hội cổ truyền, chưa có sự phân hoá giai cấp, chịu sự chi phối chặt chẽ của hệ thống chức dịch người Thái.

Dân số ít song người Cống có tới 13 dòng họ khác nhau. Ða số các dòng họ mang tên Thái như: Lò, Quang, Kha... dấu vết tô tem giáo còn rõ nét với tục kiêng và thờ các loại chim muông, thú vật. Mỗi dòng họ thường có người đứng đầu với chức năng chủ trì các công việc liên quan tới đời sống tinh thần.

Cưới xin: Hôn nhân một vợ một chồng chặt chẽ. Không có đa thê, ly dị trong xã hội truyền thống.

Tục ở rể được thực hiện nghiêm ngặt, trước kia khoảng 8 - 12 năm. Lễ vật truyền thống trong lễ xin con trai tới ở rể thường vào buổi tối là gói muối, gói chè, cuộn dây gai đan chài, hay một ống rượu cần... Ngay sáng hôm sau, người con trai mang chăn, gối, con dao tới nhà gái ở rể, cũng từ đó người con gái búi tóc ngược đỉnh đầu, dấu hiệu của người đã có chồng.

Lễ đón dâu về nhà trai khi hạn ở rể đã hết, lúc đó đôi vợ chồng đã con cái đầy nhà. Của hồi môn bố mẹ cho con cái mang về nhà chồng. Nếu nhà trai người cùng bản phải cõng cô dâu về tận nhà. Trong ngày cưới, người ta không mặc quần áo mới vì có tục vẩy nước tro lên đoàn đón dâu trước khi ra về để cầu may.

Sinh đẻ: Sản phụ đẻ ngồi. Trước và sau khi đẻ phải kiêng kỵ nhiều thứ. Người Cống rất giỏi trong việc tìm kiếm lá thuốc để chăm sóc phụ nữ khi sinh nở.

Ma chay: Khi nhà có người chết, phải mời thầy mo tới làm lễ cúng đưa hồn về với tổ tiên. Việc chọn ngày chôn được coi trọng. Trong những ngày trước hôm chôn, thường phải cúng cơm cho người chết, buổi tối có các nghi thức nhảy múa truyền thống. Sau khi táng có làm nhà mồ đơn giản. Mười hai ngày sau khi chôn người chết, con cháu mới lập bàn thờ trong nhà. Con cái để tang cha mẹ bằng cách cạo trọc đầu (con trai), cắt tóc mai (con gái) và đội khăn tang cho tới khi cúng cơm mới, mới được bỏ.

Thờ cúng: Cùng với việc cúng tổ tiên 2, 3 đời theo phụ hệ là việc cúng ma bố mẹ vợ vào dịp tết. Bố chủ trì việc cúng. Nếu bố chết, mẹ thay thế. Khi anh em chia nhà ra ở riêng, mỗi người con trai lập bàn thờ cúng riêng tại nhà mình. Lễ vật cúng tổ tiên chỉ có bát gạo, ống nước và con gà. Người cúng ôm gà ngồi trước bàn thờ khấn, xong giết gà ngay tại chỗ, bôi máu vào lá dong, gói lại cài lên vách nơi thờ cúng vài ba chiếc lông gà.

Hàng năm cứ đến tháng ba âm lịch, các bản đều tổ chức lễ cúng bản trước vụ gieo hạt, các ngả đường vào bản làm cổng, cắm dấu hiệu kiêng kỵ một ngày không ai được vào bản.

Các gia đình đều làm lễ cúng trên nương trước khi kết thúc công việc tra hạt. Ðêm đó chủ nhà làm lễ cúng ở phía trên lều nương; lễ vật chỉ có cá, cua, cầu mong chim thú không phá hại; trồng vài khóm kiệu cầu xin lúa tốt, xanh tươi như khóm cây này.

Học: Việc giáo dục truyền thống thông qua kinh nghiệm truyền từ đời này sang đời khác kết hợp với thực hành.

Văn nghệ: Người Cống thường hát múa vào dịp lễ tết, nhất là trong đám cưới. Hát đối đáp giữa nhà trai và nhà gái hôm đón dâu ở chân cầu thang trước khi lên nhà thực sự là một cuộc thi hát dân gian. Trai gái, già trẻ đều vui múa trong ngày cưới. Ðặc biệt là điệu múa đầu tiên do các em gái của chàng rể trình diễn để bắt đầu cuộc vui. Họ vừa múa, vừa giơ cao các tặng vật truyền thống như con gà, con sóc, cá khô mà người anh trai tặng mình.

Chơi: Các trò chơi tập thể như đuổi bắt, đánh khăng... được trẻ em ưa thích. Ngoài ra, chúng còn chơi các loại đồ chơi bằng tre gỗ tự chế./.

 

6. Dân tộc SI LA

Tên tự gọi: Cù Dề Sừ.

Tên gọi khác: Kha Pẻ.

Ngôn ngữ: Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng - Miến, gần với Miến hơn.

Lịch sử: Người Si La có nguồn gốc di cư từ Lào sang.


 Lễ cưới của đồng bào dân tộc Si La

Hoạt động sản xuất: Trước kia chuyên làm nương du canh, nay sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa, ngô trên ruộng nương. Hái lượm giữ vị trí quan trọng trong đời sống.

Ăn: Người Si La quen dùng cả cơm nếp và cơm tẻ với các loại canh rau rừng là chính. Ðạm thực vật chủ yếu là sản phẩm của săn bắt, đánh cá.

Mặc: Phụ nữ mặc váy, hở bụng, áo cài khuy bên nách phải, nổi bật là vạt ngực gắn đầy những đồng xu bạc, xu nhôm; cổ và tay áo được trang trí bằng cách gắn lên những đường vải màu khác nhau. Váy màu đen hay chàm, khi mặc giắt ra phía sau. Khăn đội đầu phân biệt theo lứa tuổi và tình trạng hôn nhân. Phụ nữ thường đeo túi đan bằng dây gai.

Tục nhuộm răng phổ biến, nam giới nhuộm đỏ, nữ nhuộm đen.

: Người Si La quần tụ trong vài ba bản ở huyện Mường Tè, Lai Châu. Ở nhà đất, hai gian và hai chái nhỏ, có hiên và một cửa ra vào. Bàn thờ ở góc trái trong cùng, trên có một chén rượu nhỏ và một quả bầu. Bếp chính ở giữa nhà, kê ba ông đầu rau bằng đá, ông đầu rau quan trọng nhất, nơi mà tổ tiên thường ở, trông coi bếp lửa, quay lưng hướng về bàn thờ.

Phương tiện vận chuyển: Người Si La phổ biến dùng gùi. Ngoài ra họ còn biết dùng thuyền, mảng đi lại trên sông.

Quan hệ xã hội: Làng bản Si La xưa kia chịu sự cai quản của hệ thống chức dịch người Thái, chưa có sự phân hoá giai cấp. Tính cộng đồng trong công xã cao.

Quan hệ dòng họ khá chặt chẽ. Có nhiều tên họ khác nhau nhưng họ Hù và họ Pờ đông hơn cả. Do quan niệm cùng tên họ là cùng chung tổ tiên xa xưa do điều kiện cư trú xa cách, người ở chi họ này dễ dàng xin nhập sang chi họ khác, cùng thờ tổ tiên với nhau. Mỗi chi họ đều có người già nhất, không phân biệt dòng trưởng hay thứ, đứng đầu. Hàng năm vào hai kì, tết năm mới và cơm mới, có lễ cúng tổ tiên chung ở nhà người trưởng họ với các lễ vật rất đặc trưng như thịt sóc, cua, cá bống, ống rượu cần tượng trưng, vài bông lúa, khoai sọ, bó lá hạt cườm. Trên mâm cúng không dùng hương mà đốt nến bằng sáp ong. Những đồ thờ gia bảo của dòng họ bày ở bàn thờ là trống, nhạc ngựa, quả bầu, chén đựng rượu. Khi người trưởng họ mất, chỉ sau 3 năm người lên thay mới được quyền chuyển những đồ thờ này sang bàn thờ nhà mình. Người trưởng họ có vai trò lớn trong việc điều chỉnh các quan hệ giữa các thành viên trong họ, cưới xin, ma chay, cho người ra khỏi họ hoặc kết nạp thành viên mới vào họ. Những người cùng họ không được lấy nhau.

Cưới xin: Trai gái yêu nhau được quan hệ với nhau, người con trai được ngủ qua đêm tại nhà người yêu của mình. Có tục cưới hai lần. Lần đầu đón cô dâu về nhà chồng. Lần thứ hai sau một năm, nhà trai trao tiền cưới cho nhà gái.

Sinh đẻ: Phụ nữ sinh con ở trong nhà, đẻ ngồi. Nhau đẻ đựng trong ống nứa, phủ một lớp tro bếp lên trên dựng ở góc bếp cho đến ngày đặt tên cho đến ngày đặt tên cho đứa trẻ. Họ thường mời bà già trong bản tới đặt tên cho con để mong con sống lâu. Sau khi đặt tên, bà già này bịt ống đựng nhau bằng lá chuối, nếu con trai buộc chín lạt, con gái buộc bảy lạt, rồi đem treo hoặc chôn. Lễ cúng hồn cho trẻ sơ sinh được tiến hành 3 ngày sau khi đặt tên.

Ma chay: Nghĩa địa thường để dưới bản, mộ của những người cùng họ thường ở gần nhau. Kiêng đặt mộ xa giữa những người khác họ. Chọn được đất ưng ý để đặt mộ thì cuốc một nhát, đặt cục than vào nhát cuốc đó, coi như đất đã có chủ. Sáng hôm sau mới làm nhà táng và đào huyệt. Quan tài bằng khúc gỗ bổ đôi khoét rỗng. Cúng đưa hồn người chết về quê hương cũ ở Mồ U. Sau khi chôn, gia đình tang chủ dội nước tắt bếp, mang hết than củi cũ ra ngoài nhà rồi mới đốt bếp. Không có tục cải táng và tảo mộ. Ðể tang bằng cách: con trai buộc túm ít tóc trên đỉnh đầu, con gái tháo vòng tay, vòng cổ.

Thờ cúng: Con cái thờ bố mẹ đã mất. Mỗi bàn thờ phải có chén thờ lấy từ chén cúng cơm bố mẹ trong ngày làm ma. Nhà có bao nhiêu con trai thì có bấy nhiêu chén và tất cả để lên bàn thờ. Ðến khi chia nhà thì mang chén đó ra lập bàn thờ riêng. Thờ tổ tiên từ đời ông trở lên do người trưởng họ đảm nhận. Lễ cúng bàn là lễ cúng quan trọng nhất cầu mong cả bản không ốm đau, bệnh tật, lợn gà không bị thú rừng bắt trong năm. Cứ 7 năm lại làm lễ cúng hồn lúa, dùng vợt bắt cá, gạo đưa đường để đưa hồn lúa từ nương về bản, tới nhà rồi cất kỹ trên bồ thóc.

Học: Trước kia, họ không có chữ viết riêng, kinh nghiệm trao truyền bằng lời hoặc qua thực hành.

Văn nghệ: Người Si La hát giao duyên giữa nam nữ thanh niên, hát sử ca.

Tết lễ: Ngày tết năm mới vào đầu tháng 12 âm lịch. Ngoài ra họ còn ăn tết cơm mới.

Chơi: Các em nhỏ Si La thường chơi các đồ chơi tự chế từ tre gỗ hay đất sét. Ðồng thời, chúng cũng có các trò chơi tập thể rất vui nhộn./.

 Hoàng Thanh

 

Gửi cho bạn bè