Thứ Năm, 23/1/2025
Cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng

Trong công cuộc đổi mới đất nước, Đảng, Nhà nước ta đã có sự đổi mới sâu sắc về công tác tôn giáo, đặt công tác tôn giáo thuộc phạm trù công tác quần chúng, công tác dân vận. Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) đã chỉ rõ: “Nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng”.

Đây là bước đột phá đổi mới quan điểm nhận thức về công tác tôn giáo, từ phạm trù công tác nội chính sang phạm trù công tác dân vận. Xác định quần chúng có tôn giáo là bộ phận của khối đoàn kết dân tộc, đồng bào theo tôn giáo hay không theo tôn giáo nào đều là công dân Việt Nam, có quyền, nghĩa vụ bình đẳng như nhau trước pháp luật. Vì vậy, công tác vận động quần chúng tôn giáo phải nằm trong cuộc vận động toàn dân vì mục tiêu chung: xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; trong các phong trào chung của toàn dân gắn với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là bước chuyển trọng tâm nhiệm vụ công tác tôn giáo từ “chống địch lợi dụng” sang “vận động quần chúng”, là giải quyết nhu cầu liên quan đến đời sống con người. Trách nhiệm thực hiện là cả hệ thống chính trị. Nội dung chủ yếu là tuyên truyền, vận động, chăm lo đáp ứng lợi ích thiết thực của đồng bào có đạo, trong đó có nhu cầu về tôn giáo.


 Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương
và đoàn công tác thăm, chúc mừng Giám mục Vũ Đình Hiệu và chức sắc, chức việc, tu sĩ,
đồng bào Công giáo Giáo phận Bùi Chu (huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định),
nhân dịp lễ Giáng sinh 2021

Quan điểm trên, không chỉ xuất phát từ vai trò của quần chúng trong sự nghiệp cách mạng, mà còn xuất phát từ đối tượng quần chúng có tính đặc thù, bởi: Đồng bào có đạo là bộ phận quần chúng có niềm tin tôn giáo sâu sắc, họ coi niềm tin tôn giáo như là một định hướng giá trị cuộc sống và rất thiêng liêng. Ngoài tư cách công dân, tín đồ tôn giáo còn thuộc về một tổ chức giáo hội nhất định và chịu sự chi phối của thần quyền, giáo lý, giáo luật và lễ nghi tôn giáo mà họ tin theo (vừa có mặt tích cực, vừa có hạn chế). Trong lối sống, nếp sống có nét riêng, sinh hoạt tôn giáo là nhu cầu không thể thiếu vắng trong đời sống hàng ngày của họ. Nhu cầu đó, được biểu hiện cụ thể như: thực hiện lễ nghi tôn giáo, nơi thờ tự, kinh sách,... Tín đồ tôn giáo ở Việt Nam gồm nhiều thành phần xã hội, có tinh thần yêu nước, đoàn kết; tuy nhiên có sự khác biệt đáng kể về trình độ đạo học, thế học, kiến thức xã hội, cũng như hoàn cảnh sống. Nhiều người chưa thực sự thông hiểu giáo lý tôn giáo mà họ tin theo, trong khi việc tham gia thực hành các nghi lễ tôn giáo lại khá thường xuyên, đa số “sùng đạo”, gắn bó với giáo hội và tham gia các hoạt động tôn giáo một cách tích cực.

Bên cạnh đó, vấn đề tôn giáo ở nước ta luôn bị các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và dân tộc Việt Nam. Các đối tượng xấu lợi dụng danh nghĩa hoạt động tôn giáo vì mục đích cá nhân, vi phạm pháp luật. Ở đâu làm tốt công tác vận động tín đồ, chức sắc tôn giáo, thì ở đó các thế lực xấu sẽ không lợi dụng được và ngược lại, ở những nơi không làm tốt công tác vận động quần chúng, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước, sẽ là điều kiện, thậm chí tạo cớ cho các thế lực xấu, thù địch lợi dụng, kích động.

Quán triệt quan điểm trên, những năm qua, công tác vận động quần chúng tôn giáo đạt được những kết quả tích cực. Nhà nước đã kịp thời thể chế hoá thành chính sách, pháp luật. Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo (năm 2004), Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo (năm 2018); Chính phủ đã ban hành các Nghị định hướng dẫn triển khai thực hiện. Việc xây dựng và ban hành Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo với nhiều điểm mới có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân; thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, phù hợp với xu thế hội nhập; góp phần củng cố khối đoàn kết dân tộc, đồng thời là cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng đi vào nền nếp.

Đến năm 2021, cơ quan Nhà nước, chính quyền các cấp phối hợp xem xét công nhận, cấp đăng ký hoạt động cho 43 tổ chức tôn giáo thuộc 16 tôn giáo, hàng ngàn điểm nhóm được cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung. Giải quyết hợp lý nhu cầu sinh hoạt tôn giáo chính đáng, phù hợp pháp luật như: cấp đất, xây sửa cơ sở thờ tự, đào tạo, suy cử chức sắc, in ấn kinh sách, tổ chức đại hội, hội nghị, lễ trọng của tôn giáo... Một số tỉnh, thành phố đã ban hành quy chế giải quyết các vấn đề liên quan đến tôn giáo với nội dung và thời hạn rõ ràng, thuận tiện cho tổ chức tôn giáo và cá nhân. Kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh, các vi phạm pháp luật trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ngay từ đầu, thông qua vận động, thuyết phục để chức sắc, tín đồ hiểu, thấy được đúng sai, tự khắc phục... Nhiều hoạt động tôn giáo lớn được Nhà nước, chính quyền các cấp tạo điều kiện, giúp đỡ, thu hút đông đảo chức sắc, tín đồ trong và ngoài nước tham dự, góp phần giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

Ban Dân vận đã tham mưu cho cấp ủy các cấp chỉ đạo chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện công tác vận động, tranh thủ, phát huy vai trò của chức sắc, chức việc, nhà tu hành để định hướng giáo hội, vận động tín đồ. Nhiều mô hình “dân vận khéo” trong đồng bào có đạo hiệu quả, như: Phong trào “xây dựng xứ, họ đạo tiên tiến”, “Chùa cảnh tinh tiến”, “Chùa Khmer văn hoá”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư”, “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”..., tham gia bảo vệ môi trường, phòng chống tai, tệ nạn xã hội. Phối hợp thường xuyên thăm hỏi, động viên chức sắc, tín đồ nhân các ngày lễ, tết của đất nước, lễ trọng của các tôn giáo. Hằng năm, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cán bộ chủ chốt ở các địa phương gặp gỡ, đối thoại với chức sắc, chức việc các tôn giáo. Phát huy đường hướng hành đạo đồng hành cùng dân tộc, động viên, khích lệ chức sắc, tín đồ “dấn thân”, tham gia tích cực các hoạt động xã hội, từ thiện, nhân đạo, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói nghèo...

Đặc biệt, khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, tác động ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội, tính mạng con người, các tổ chức, chức sắc, tín đồ tôn giáo đã chung tay cùng cả nước trong phòng chống đại dịch. Quyên góp ủng hộ hàng trăm tỷ đồng cho Quỹ vaccine của Chính phủ, trao tặng vật tư y tế, nhu yếu phẩm sinh hoạt, tổ chức các hoạt động thiện nguyện giúp đỡ người khó khăn, tham gia các đội tình nguyện chăm sóc, phục vụ bệnh nhân và đội ngũ trên tuyến đầu chống dịch; hướng dẫn các hoạt động tôn giáo theo đúng quy định của Nhà nước, chính quyền các cấp… Trong các tôn giáo xuất hiện nhiều điển hình chức sắc, tín đồ tiêu biểu có những việc làm đóng góp tích cực, lan tỏa tình yêu thương con người, gắn kết cộng đồng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Chú trọng xây dựng mối quan hệ với tổ chức, chức sắc, phát huy vai trò của chức sắc, chức việc làm nòng cốt trong tuyên truyền, vận động tín đồ; giúp cấp uỷ, chính quyền nắm bắt kịp thời tình hình tôn giáo và tham gia đấu tranh với những hoạt động trái pháp luật. Công tác đấu tranh với các hoạt động lợi dụng tôn giáo có sự chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Trung ương với cấp uỷ, chính quyền địa phương; giữa các cơ quan chức năng với hệ thống Dân vận, Mặt trận, đoàn thể. Chủ động tham mưu, xây dựng các phương án vận động khi có tình huống phức tạp. Thông qua công tác vận động, tranh thủ, lực lượng chức năng đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, vô hiệu hóa âm mưu, hoạt động lợi dụng tôn giáo kích động biểu tình, bạo loạn, gây mất ổn định chính trị xã hội ở các địa bàn.

Đánh giá kết quả công tác tôn giáo, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Tình hình tôn giáo ổn định; đa số chức sắc, chức việc và đồng bào có đạo yên tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, góp phần đấu tranh, phản bác luận điệu xuyên tạc, vu cáo chính quyền vi phạm nhân quyền, tự do tôn giáo” ; tạo được sự đồng thuận giữa hệ thống chính trị và các tổ chức, chức sắc, tín đồ tôn giáo vì lợi ích chung của đất nước; khơi dậy, động viên và phát huy nguồn lực của tôn giáo đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thời gian tới, để “Thực hiện tốt mục tiêu đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc; bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người theo quy định của pháp luật; phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo…”  theo tinh thần văn kiện Đại hội XIII của Đảng, theo chúng tôi công tác vận động quần chúng tôn giáo cần thực hiện tốt những nội dung cơ bản sau:

1. Lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, quán triệt các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước, địa phương, cơ sở cho nhân dân, đông đảo chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ tôn giáo, nhất là các chủ trương, chính sách liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo thấy được mục tiêu xây dựng nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” có nhiều điểm tương đồng với lý tưởng, đạo lý cao đẹp của các tôn giáo. Khẳng định quan điểm của Đảng, Nhà nước: đồng bào tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết dân tộc. Tăng cường giáo dục ý thức tôn trọng pháp luật, truyền thống yêu nước; xác định rõ trách nhiệm công dân với đất nước. Nhận rõ âm mưu, thủ đoạn lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch để phòng ngừa, tự giác đấu tranh.

2. Quan tâm chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, trong đó có đồng bào các tôn giáo. Thực hiện hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, văn hoá, y tế, giáo dục, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới… ở từng cơ sở, địa phương. Phát huy dân chủ, động viên mọi người tích cực tham gia, qua đó củng cố niềm tin của quần chúng tôn giáo. Trước mắt cần chú trọng đảm bảo an sinh xã hội, điều kiện sinh hoạt tôn giáo phù hợp hoàn cảnh của phòng, chống dịch COVID-19 trong bối cảnh mới.

3. Tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ hoạt động tôn giáo tuân thủ pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tôn giáo. Tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo theo định hướng thể chế đầy đủ các quan điểm của Đảng và đảm bảo sự đồng bộ giữa các luật có liên quan như: đất đai, dân sự, văn hoá, y tế, giáo dục,... Tạo điều kiện cho chức sắc, tín đồ hoạt động tôn giáo theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, đúng quy định của pháp luật. Những kiến nghị, đề xuất chính đáng của tổ chức, chức sắc, tín đồ thuộc thẩm quyền của cấp nào, thì cấp đó phải có trách nhiệm chỉ đạo, giải quyết kịp thời; tránh để dây dưa, kéo dài, làm mất lòng tin và cũng là điều kiện để phát sinh vi phạm, các đối tượng xấu xuyên tạc, kích động. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các điển hình, cá nhân tôn giáo tiêu biểu.

4. Xây dựng mô hình, điển hình “dân vận khéo” trong vận động đồng bào có đạo. Đổi mới hình thức, phương pháp phù hợp với đặc điểm vùng đồng bào có tôn giáo, tín đồ tôn giáo khác nhau, nhằm thu hút, tập hợp đông đảo mọi người tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước, sống gắn bó, đồng hành cùng dân tộc; phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của tôn giáo cho sự phát triển đất nước. Xây dựng và phát huy vai trò của người có uy tín, cốt cán trong tôn giáo. Nắm bắt, phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị chính đáng của chức sắc, tín đồ; phối hợp tham mưu cho chính quyền, cơ quan có thẩm quyền giải quyết kịp thời, phù hợp thực tiễn, đúng pháp luật. Quan tâm tạo điều kiện và hướng dẫn các hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện... trong khuôn khổ quy định của pháp luật, gắn bó “đạo với đời”.

5. Chọn cử, phân công cán bộ gương mẫu, có trách nhiệm, am hiểu tôn giáo để tham mưu, thực hiện công tác vận động quần chúng. Xây dựng quan hệ cởi mở, gần gũi với chức sắc, nhà tu hành; thường xuyên thăm hỏi, động viên, gặp gỡ, đối thoại... Phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, cơ quan chức năng với hệ thống dân vận, Mặt trận, đoàn thể. Tăng cường tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và thực tế tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta trên các phương tiện truyền thông đại chúng, các diễn đàn đa phương, trong công tác đối ngoại. Đấu tranh, phản bác những luận điệu vu cáo, xuyên tạc của các thế lực thù địch./.

ThS. Lê Đình Nghĩa, Nguyên Vụ trưởng Vụ Tôn giáo, Ban Dân vận Trung ương

Gửi cho bạn bè