Thứ Năm, 9/1/2025
Trưởng thôn "dân vận khéo"
Đại tá Lê Quang Trung-Trưởng Công an huyện Phú Thiện trao giấy khen của Giám đốc Công an tỉnh cho ông Nguyễn Nghĩa Thắng

Thôn Tân Phú có 230 hộ dân, khoảng 700 khẩu với 6 dân tộc khác nhau sinh sống, gồm: Kinh, Tày, Mường, Thổ, Thái, Jrai. Mỗi dân tộc có một nếp sống, cách sinh hoạt khác nhau nên việc tuyên truyền, vận động người dân không phải là điều dễ dàng. Ông Thắng cho biết: “Trước đây, để tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với bà con trong thôn, chúng tôi phải họp riêng từng cụm dân cư rồi nhờ người đứng ra “phiên dịch”. Nhưng nay, do tiếp xúc nhiều với bà con, tôi đã nói và hiểu được ngôn ngữ của họ nên công tác tuyên truyền, vận động cũng đỡ vất vả hơn”.

Theo ông Thắng, người dân các dân tộc thiểu số phía Bắc thường có thói quen làm súng tự chế để săn bắn. Biết được điều này, ông cùng công an viên đến từng nhà vận động họ giao nộp hàng chục khẩu súng tự chế và yêu cầu ký cam kết không sử dụng loại vũ khí này. Cùng với đó, từ đầu năm 2015, Trưởng thôn Tân Phú còn tổ chức lấy ý kiến nhân dân, trích tiền từ quỹ an ninh trật tự của thôn trang bị hệ thống loa truyền thanh phục vụ việc tuyên truyền với chi phí gần 10 triệu đồng. Tiếp đó, ông Thắng xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Nhờ đó, đến nay, bà con trong thôn đã từ bỏ việc sử dụng súng tự chế để vào rừng săn bắn. Ngoài việc phát các nội dung tuyên truyền do cấp trên cung cấp, ông Thắng còn tranh thủ biên tập những thông tin liên quan đến công tác phòng-chống tội phạm nhằm giúp bà con nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn của tội phạm.

Đối với những thanh-thiếu niên ăn chơi đua đòi, ông Thắng cũng tích cực phối hợp với gia đình giáo dục, cảm hóa. Tiêu biểu là trường hợp của Ksor H. (17 tuổi), bỏ học, tụ tập bạn bè uống rượu, quậy phá. Nhà nghèo nhưng H. yêu cầu gia đình phải mua cho mình chiếc xe máy hơn 50 triệu đồng. Biết chuyện bố mẹ H. gọi người đến bán rẫy để có tiền mua xe cho con, ông Thắng liền đến can ngăn. Gặp H., ông đã phân tích khó khăn về kinh tế của gia đình, khuyên bảo chân thành. Mỗi khi rảnh rỗi, ông Thắng lại tranh thủ đến nhà gặp và động viên H. Không lâu sau, H. thay đổi cả về nhận thức và ứng xử, không còn đòi hỏi vô lý, chăm chỉ làm ăn và biết giúp đỡ gia đình.  

Đối với bà con thôn Tân Phú, ông Thắng thực sự là cầu nối giúp gắn kết mối quan hệ tình làng, nghĩa xóm. Bằng uy tín và trách nhiệm của mình, ông đã chủ động phối hợp với tổ hòa giải, tổ tự quản của thôn để kịp thời xử lý nhiều vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn trong quần chúng nhân dân, không để xảy ra các vụ việc phức tạp. Nhờ vậy, hầu hết người dân trên địa bàn luôn chấp hành tốt các quy định của pháp luật, tập trung sản xuất, tình hình an ninh trật tự trong thôn luôn được giữ vững.

 Đánh giá về những đóng góp của Trưởng thôn Tân Phú, ông Huỳnh Văn Long-Trưởng Công an xã Ia Hiao cho rằng: “Mặc dù chế độ đãi ngộ đối với những người giữ chức vụ trưởng thôn còn hạn chế nhưng ông Nguyễn Nghĩa Thắng đã không quản ngại khó khăn để tuyên truyền, vận động bà con chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Không những tâm huyết với công tác đảm bảo an ninh trật tự, nhiều năm qua, ông Thắng còn giúp đỡ nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống”.

(baogialai.com.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất