Thứ Năm, 14/11/2024
Góp sức nhỏ để mọi người có cuộc sống no ấm
 
Bà Trần Thị Sáo giới thiệu mô hình nhà nghỉ cộng đồng


Lần đầu tiên gặp bà Trần Thị Sáo, nhưng chúng tôi cảm nhận được sự thân tình, gần gũi qua cách đón tiếp và trò chuyện của bà. Bà Sáo cười khiêm tốn: Thời gian còn công tác cũng như bây giờ, tôi luôn cố gắng góp sức nhỏ để mọi người có cuộc sống tốt hơn. Trò chuyện với bà Sáo, chúng tôi hiểu vì sao mọi người lại nói bà không “quên nghề”. Quá trình công tác của bà đã từng trải qua nhiều lĩnh vực khác nhau: Giáo viên dạy học tại xã Chiềng Ơn, Trường Dân tộc nội trú huyện; Ủy viên Thường vụ Thường trực Liên đoàn Lao động huyện; Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra huyện ủy; Trưởng  Ban Dân vận huyện ủy. Dù ở cương vị công tác nào, bà Sáo cũng được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Và dường như, ở các lĩnh vực công tác mà bà từng trải qua cũng đều liên quan đến việc tuyên truyền, vận động. Vì vậy, bà có nhiều kinh nghiệm trong việc thuyết phục người dân, từ việc cho con em đi học chữ; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước trong công nhân viên chức - lao động; khai thác lợi thế ở địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao mức sống; vận động người dân thực hiện tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước... Bà Sáo đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; nhiều lần được UBND tỉnh và các cấp, các ngành tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác.

Dẫn chúng tôi tham quan trang trại của gia đình, bà Sáo kể: Năm 2015, tôi được về nghỉ chế độ hưu trí tại bản Bung Lanh và cùng gia đình đầu tư phát triển kinh tế trang trại VAC, với quy mô 1,5 ha. Trong đó, trồng các loại cây ăn quả: Nhãn chín muộn, bưởi da xanh, xoài Đài Loan... Những kinh nghiệm tích lũy được khi đến các địa bàn có những mô hình kinh tế hiệu quả trong thời gian còn công tác, tôi đã áp dụng vào thực tế sản xuất. Đến thời điểm này, vườn cây phát triển tốt, năm nay cho quả bói. Dưới gốc các loại cây ăn quả, tôi trồng cây sa nhân, vì cây trồng này vừa tăng thêm thu nhập, lại giữ ẩm cho đất để cây ăn quả phát triển.

Thăm khu vực nuôi gà được bố trí khoa học, gồm 1 chuồng nuôi đàn gà còn nhỏ, hàng trăm con có trọng lượng từ vài lạng đến 1 kg/con; khu chuồng thứ hai dành nuôi đàn gà đã có thể xuất bán, tại thời điểm hiện tại cũng có khoảng mấy trăm con. Bà Sáo nói: Gia đình duy trì nuôi từ 500-600 con gà. Ngoài ra, còn nuôi đàn lợn thương phẩm. Bình quân một năm xuất bán 3 tấn thịt lợn hơi và gần 1 tấn gà hơi, trừ chi phí lãi trên 200 triệu đồng.

Không hẹn mà gặp - khi chúng tôi tham quan trang trại của gia đình bà Sáo, cũng có mấy người dân bản Bung Lanh đến học hỏi kinh nghiệm. Trò chuyện với họ chúng tôi được biết, bản Bung Lanh có nhiều hộ dân thuộc dân tộc La Ha, cuộc sống còn nhiều khó khăn, một trong những nguyên nhân là họ vẫn sản xuất theo phương thức lạc hậu, chỉ sản xuất 1 vụ trên đất nông nghiệp, chưa áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Thấu hiểu nguyên nhân về cuộc sống khó khăn của các hộ gia đình, bà Sáo đã tham mưu với Ban Quản lý bản tuyên truyền, vận động bà con thực hiện thâm canh tăng vụ trên diện tích đất ruộng, chuyển đổi cây trồng trên nương. Bà cũng luôn tranh thủ thời gian đến từng gia đình vận động, phân tích cho bà con hiểu, nếu không thay đổi cách thức sản xuất thì cái nghèo sẽ mãi đeo bám, con cái sẽ không có điều kiện học hành chu đáo. Bà còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm mô hình phát triển kinh tế của gia đình mình, từ cách làm chuồng trại, chăm sóc đàn vật nuôi; kỹ thuật trồng, chăm sóc vườn cây ăn quả... để đạt năng suất cao và hiệu quả.

Dù có tiềm năng, lợi thế để phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng, nhưng một số hộ gia đình trong bản phát triển theo hướng tự phát riêng lẻ nên không hiệu quả. Để liên kết họ trong lĩnh vực kinh doanh này, bà Sáo đã đến từng hộ gia đình phân tích, giải thích để họ hiểu rõ rằng: Liên kết thành lập hợp tác xã kinh doanh dịch vụ du lịch cộng đồng để hợp tác tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, tạo dây chuyền khép kín trong kinh doanh theo thế mạnh của từng thành viên từ việc ăn, nghỉ, du lịch trải nghiệm... Như vậy, sẽ thu hút được đông lượng du khách. Với cách vận động thuyết phục, tháng 1/2019, có 7 hộ dân trên địa bàn tự nguyện liên kết thành lập Hợp tác xã Du lịch cộng đồng Quỳnh Ban, do bà Trần Thị Sáo đảm nhiệm vị trí Chủ tịch hội đồng quản trị, Giám đốc hợp tác xã, thực hiện việc kinh doanh nhà nghỉ cộng đồng gắn với ẩm thực dân tộc; cung ứng dịch vụ du lịch gắn với mô hình trải nghiệm... Bước vào hoạt động, bà Sáo đã tổ chức cho các thành viên đi học hỏi kinh nghiệm tại một số mô hình kinh doanh cùng lĩnh vực trong huyện; vận động các thành viên chỉnh trang lại nhà cửa, công trình phụ; mua sắm thêm các đồ dùng cần thiết... đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch. Đồng thời, học hỏi thêm cách chế biến các món ăn dân tộc, tạo điểm nhấn cho du khách đến nghỉ. Bà Sáo phấn khởi: Trong Tuần lễ văn hóa huyện tổ chức đầu năm 2019, lượng khách đến nhà nghỉ cộng đồng của các thành viên khá đông và đã tạo được những ấn tượng tốt đẹp về phong cách phục vụ, các món ăn mang đậm bản sắc dân tộc.

“Trăm nghe không bằng một thấy”, chúng tôi đến nhà nghỉ cộng đồng của Giám đốc Hợp tác xã Du lịch cộng đồng Quỳnh Ban để được “thực mục sở thị”. Đó là ngôi nhà sàn hai tầng khang trang, được bố trí khoa học từ chỗ ngủ, nghỉ, nơi thưởng thức ẩm thực dân tộc; khuôn viên sân trước nhà rộng rãi để du khách giao lưu văn hóa, văn nghệ... Tại đây, chúng tôi đã gặp anh Tòng Văn Sức, Bí thư Chi bộ bản Bung Lanh đến để trao đổi với bà Sáo về việc vận động bà con trong bản triển khai trồng cây sa nhân dưới tán cây ăn quả. Nhận xét về bà Sáo, anh Sức nói: Từ ngày bà Sáo về sinh hoạt tại Chi bộ bản Bung Lanh đã tích cực tham mưu cho Ban Chi ủy Chi bộ việc nâng cao chất lượng sinh hoạt hằng tháng; phát huy tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên trên tất cả các lĩnh vực, các hoạt động của bản, từ đó phát huy năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng viên và tổ chức đảng ở cơ sở. Bà còn tham mưu việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đoàn thể ở bản, các nhóm liên gia tự quản về an ninh trật tự, tạo sự đoàn kết gắn bó và sự đồng thuận của bà con trong các hoạt động của bản. Đặc biệt, từ mô hình kinh tế của gia đình bà Sáo đã bước đầu làm thay đổi tư duy sản xuất của một số hộ dân tộc La Ha trong bản, họ đã thực hiện thâm canh trồng 3 vụ trên diện tích đất ruộng; đang chuẩn bị trồng 10 ha cây sa nhân; thực hiện chăn nuôi nhốt chuồng... Lời  nói và việc làm của bà Sáo rất có sức thuyết phục đối với bà con bản Bung Lanh.

Chia tay bà Sáo, chúng tôi nhớ mãi sự chia sẻ của bà khi nói về những việc đã, đang và sẽ làm để góp sức giúp người dân có cuộc sống tốt đẹp hơn: Bác Hồ đã dạy “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Làm theo lời Bác dạy, trong khả năng của mình, tôi đã cố gắng góp sức giúp người dân xóa bỏ hủ tục lạc hậu trong cuộc sống hằng ngày; phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa để nâng cao thu nhập. Tôi luôn mong muốn các gia đình đều no ấm, hạnh phúc.

(baosonla.org.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất