Thứ Bảy, 23/11/2024
"Dân vận khéo" đem lại lợi ích thiết thực
 
Đồng chí Kiều Ngọc Báu (bên phải), Phó Bí thư Chi bộ thôn Quảng Long (xã Kim Long,
huyện Châu Đức) đến từng nhà vận động người dân hiến đất làm đường giao thông nông thôn.


Xã Nghĩa Thành có 2.933 hộ dân với 12.825 nhân khẩu, chủ yếu sống bằng nghề nông. Trước đây, bà con chỉ trồng được 2 vụ lúa/năm vào vụ Hè Thu và vụ Mùa, còn vụ Đông Xuân, nhiều hộ có ruộng nằm ở khu vực cao phải bỏ trống vì không đủ nước. Từ năm 2016, Hội Nông dân xã Nghĩa Thành đã triển khai mô hình “Vận động nhân dân thâm canh tăng vụ từ 2 lên 3 vụ/năm”. 

Với tinh thần “Dân vận là động viên tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm”, Hội Nông dân xã Nghĩa Thành đã phối hợp với các Chi bộ thôn tích cực bàn bạc, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, đồng thời cử đảng viên đến từng nhà, tuyên truyền, vận động người dân thâm canh tăng vụ. Ngoài ra, Hội Nông dân xã còn phối hợp Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật và hỗ trợ các loại giống cây trồng hiệu quả cao cho người dân áp dụng vào sản xuất.

Được sự hỗ trợ về giống và kỹ thuật, vụ Đông Xuân năm 2016-2017, 57% diện tích đất bỏ hoang đã được bà con thử nghiệm thâm canh các loại cây màu ít tốn nước như: dưa hấu, bắp trắng, đậu bắp, đậu phộng, khoai mỳ… Sau 70 ngày, các loại cây đều đạt từ 6-8 tấn/ha. Trừ chi phí, người dân thu lãi trên 30 triệu đồng/ha. Thấy được hiệu quả của việc thâm canh tăng vụ, các vụ tiếp theo 100% hộ dân cũng đã tiến hành thâm canh các loại cây khác thay vì “treo” ruộng như những năm trước. Ông Bùi Minh Chương (tổ 1, thôn Trung Nghĩa) phấn khởi cho biết: “Nếu trước đây, 2 vụ lúa chỉ thu khoảng 30 triệu đồng/năm thì nay, 2 vụ lúa và 1 vụ màu có thể cho gia đình thu về trên 50 triệu đồng/năm”.

Tương tự, tại xã Kim Long, phong trào “Dân vận khéo” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cũng được các hội, đoàn thể hướng về cơ sở với nhiều việc làm cụ thể, thiết thực. Nhận thấy các tuyến đường trong thôn đều là đường đất nhỏ hẹp, nắng bụi, mưa lầy, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân, Chi bộ thôn Quảng Long đã triển khai mô hình dân vận khéo “Vận động người dân hiến đất làm đường”. Học Bác ở tinh thần “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, bà Nguyễn Thị Kim Thu, Chi hội trưởng Chi hội LHPN thôn đã gương mẫu hiến hơn 200m2 đất của gia đình và 12 gốc tiêu đang cho thu hoạch để làm đường liên thôn. Việc làm này của bà Thu đã nhận được sự ủng hộ của nhiều đảng viên và người dân đã cùng hiến đất để làm con đường bê tông dài 900m, rộng 3,5m, giúp người dân đi lại thuận tiện hơn. “Nhờ sự gương mẫu của đảng viên mà đến nay, tổng diện tích đất do người dân hiến để nâng cấp 3 tuyến đường trong thôn đã lên đến gần 10.000m2, tạo thuận lợi trong việc đi lại, giao thương kinh tế, góp phần mang lại diện mạo mới cho quê hương”, đồng chí Kiều Ngọc Báu, Phó Bí thư Chi bộ thôn Quảng Long chia sẻ.

Thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, từ đầu năm 2018 đến nay, cấp ủy và các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện Châu Đức đã xây dựng 307 mô hình và 8 điển hình “Dân vận khéo”, trong đó có 280 mô hình, 8 điển hình triển khai thực hiện hiệu quả, có sức lan tỏa rộng khắp, bền vững như: “Học tập phong cách giản dị, gần gũi với nhân dân” của UBND xã Láng Lớn; “Thắp sáng đường quê” của Đảng ủy xã Cù Bị; “Tủ quần áo từ thiện” của Huyện Đoàn... cũng đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng của địa phương...

Từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”, từ đầu năm 2018 đến nay, toàn huyện Châu Đức đã huy động được 4,9 tỷ đồng để thực hiện các chương trình vì an sinh xã hội; lắp đặt 2.600 bóng đèn chiếu sáng, 165 camera an ninh trên 179 tuyến đường với tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng.


“Để hiệu quả của phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” ngày càng được nâng cao và phát huy hiệu quả, cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội cần tích cực hướng về cơ sở để lắng nghe, phản hồi, đối thoại, khuyến khích sự đóng góp ý kiến, sáng kiến của dân, từ đó xây dựng mô hình phù hợp, sát với tình hình thực tế, gắn với lợi ích chính đáng, hợp pháp của dân, làm cho dân thấy quyền lợi, nghĩa vụ hài hòa, tạo nên sự đồng thuận giữa Đảng và nhân dân ngày càng cao, góp phần củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc”, đồng chí Lê Binh, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Châu Đức nói.

(baobariavungtau.com.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi