Phụ trách địa bàn xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ (Lai Châu), trong nhiều năm qua, tập thể cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Huổi Luông (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Lai Châu) gắn bó máu thịt với bà con các dân tộc trong xã.
|
Công an huyện Sìn Hồ thường xuyên xuống tận từng bản, từng hộ gia đình
để tuyên truyền, vận động bà con không trồng cây thuốc phiện, không sử dụng
và buôn bán trái phép ma túy.
|
Trong số đó, công tác tuyên truyền về ma túy, tác hại khi sử dụng ma túy luôn được chú trọng thực hiện và là việc làm thường xuyên, liên tục, bền bỉ của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, qua đó giúp kéo giảm tình trạng nghiện hút ma túy và nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của ma túy nơi vùng cao biên giới.
Xã Huổi Luông có 21 bản, 1.379 hộ với 7.578 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Hà Nhì, Dao, Mông... Huổi Luông là địa bàn biên giới, trước đây tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép ma túy diễn ra hết sức phức tạp, tỷ lệ người nghiện ma túy không ngừng gia tăng. Trước tình hình đó, Đồn Biên phòng Huổi Luông đã ban hành kế hoạch, nghị quyết chuyên đề về phối hợp chặt chẽ với Đảng ủy, chính quyền xã Huổi Luông trong tuyên truyền, vận động người dân không tàng trữ, buôn bán và nghiện hút ma túy.
Theo đó, hằng tuần, hằng tháng, cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Huổi Luông phối hợp với chính quyền địa phương đến từng bản, từng hộ gia đình để tuyên truyền, vận động về tác hại của ma túy đối với gia đình và toàn xã hội; phối hợp với cán bộ y tế xã Huổi Luông tổ chức cho những người nghiện trong xã uống Methadone để cai nghiện theo phác đồ điều trị của cơ quan chuyên môn... Từ đó, nhận thức của người dân được nâng lên, nhiều người tự giác đi cai nghiện, một số lập danh sách cai nghiện tại địa phương. Sau khi cai một thời gian nhất định, người nghiện đã cắt được cơn nghiện, về gia đình chịu khó làm ăn và hứa tránh xa ma túy. Do đó, kinh tế các gia đình dần phát triển, giảm được số người nghiện, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn biên giới.
Mấy năm trước, kinh tế gia đình anh Phu A Dó ở bản Ma Lù Thàng 1, xã Huổi Luông, thuộc diện khó khăn nhất bản, vì anh Dó mắc phải tệ nạn ma túy. Bản thân anh là lao động chính đã không thể giúp gì cho vợ con, lại phải tiêu một khoản tiền không nhỏ để đáp ứng “cơn phê” hàng ngày. Do đó, bao nhiêu tài sản đáng giá của gia đình anh lần lượt “đội nón” ra đi. Nhờ có sự tuyên truyền, vận động của Bộ đội Biên phòng, anh Dó đã cai được nghiện và tập trung vào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Anh Phu A Dó chia sẻ: “Bộ đội Biên phòng lên tận nhà tuyên truyền cho mình về tác hại của ma túy, ma túy có hại cho cơ thể mình và kinh tế gia đình, nên mình không hút ma túy nữa để tập trung phát triển kinh tế thôi. Mình cũng sẽ tuyên truyền cho con cái để sau này không nghiện ma túy và cũng không buôn bán ma túy”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Cao A Khi, Trưởng bản Ma Lù Thàng 1 không giấu được niềm vui, cho biết: Nhờ sự tuyên truyền của các chiến sĩ Đồn Biên phòng Huổi Luông, giờ bà con đã nhận thức rất rõ về tác hại của ma túy. Sau khi uống Methadone, người nghiện ma túy ở đây đã yên tâm tập trung vào việc phát triển kinh tế gia đình, vì vậy đã giảm thiểu tình trạng mất an ninh trật tự trên địa bàn và tình trạng tái nghiện cũng không còn. Điều dễ thấy nhất là nạn trộm cắp tài sản trên địa bàn giảm rõ rệt, từ đầu năm đến nay không xảy ra vụ trộm cắp nào.
Song song với công tác tuyên truyền, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Huổi Luông tích cực, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn ma túy; thành lập các tổ công tác tuần tra, kiểm soát, nắm tình hình địa bàn. Những năm qua, Đồn Biên phòng Huổi Luông đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai nhiều biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy. Thành công lớn nhất trong công tác này là sự đồng nhất về quan điểm, trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng biên phòng đứng chân trên địa bàn với cấp ủy chính quyền địa phương. Trên hết là sự đồng thuận, hưởng ứng, giúp đỡ của rất nhiều quần chúng nhân dân về chủ trương cai nghiện.
Theo ông Tẩn A Sử, Phó Chủ tịch UBND xã Huổi Luông, bên cạnh việc tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia giữ gìn đường biên cột mốc, Đồn Biên phòng Huổi Luông thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt, giao lưu gặp gỡ, để lồng ghép nội dung tuyên truyền cho người dân về tác hại của ma túy; vận động người dân tích cực tham gia phát hiện, tố giác tội phạm ma túy. Hằng quý, Ban Chỉ huy Đồn chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với UBND xã phát động phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa” gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Từ đầu năm đến nay, các tổ công tác của Đồn đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể trong xã và trưởng, phó các bản tổ chức hơn 100 buổi tuyên truyền về phòng, chống tội phạm ma túy với hàng nghìn lượt người nghe. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên nhiều người nghiện mạnh dạn thừa nhận mình nghiện và tự giác đăng ký cai nghiện, được cán bộ biên phòng phối hợp với chính quyền và y tế địa phương tổ chức cho cai nghiện tại địa bàn bằng hình thức sử dụng thuốc Methadone. Qua đó, nhận thức của người dân trong xã về phòng chống tội phạm ma túy dần được nâng lên, nhiều người đã cơ bản cắt được cơn nghiện và sớm tái hòa nhập cộng đồng.
Thiếu tá Hoàng Ngọc Toàn, Phó Đồn trưởng nghiệp vụ Đồn Biên phòng Huổi Luông cho hay, để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, Đồn Biên phòng Huổi Luông đã chủ động bám dân, bám bản, giúp đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tránh xa tệ nạn ma túy, cán bộ, chiến sĩ của Đồn còn tuyên truyền, giúp đỡ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, cũng như phong tục tập quán ở địa bàn như hướng dẫn bà con trồng chuối, ngô lai, bò giống hay lợn sinh sản...
"Dân vận khéo” đã làm chuyển biến tích cực về nhận thức của đồng bào các dân tộc thiểu số, đa số bà con đã biết tự chủ vươn lên trong lao động sản xuất để thoát nghèo bền vững, tăng thêm lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, các chính sách của Nhà nước và sự giúp đỡ của lực lượng biên phòng.
Từ những việc làm thiết thực ấy, đời sống kinh tế của nhân dân trên địa bàn Huổi Luông được nâng lên rõ rệt; tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn 15,95%. Song kết quả quan trọng hơn cả là người dân nơi này đã có ý thức hơn trong việc chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của chính quyền địa phương, qua đó xây dựng một vùng biên giới mạnh về kinh tế và ổn định về an ninh chính trị.
(TTXVN)