Thứ Sáu, 15/11/2024
Hiệu quả mô hình “Kết nghĩa Cụm dân cư hai bên biên giới”
 

Quân y BĐBP An Giang khám, chữa bệnh cho người nghèo 2 xã Phnôm Đen và Saom,
 thuộc huyện Kirivong, tỉnh Takeo, Vương quốc Campuchia.


An Giang là tỉnh vừa có đồng bằng, vừa có núi, đường biên giới dài gần 100km giáp với 2 tỉnh Takeo và Kandal (Vương quốc Campuchia). Quan hệ giữa nhân dân hai bên khu vực biên giới luôn gần gũi, gắn bó và hợp tác phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Các lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới hai bên thường xuyên duy trì các hoạt động phối hợp như: Duy trì gặp gỡ, đối thoại và trao đổi thông tin tình hình, thăm hỏi nhau trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, cùng giải quyết các vấn đề vướng mắc, mâu thuẫn giữa nhân dân vùng giáp biên của hai nước.

Các hoạt động đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân biên giới trong việc trao đổi, mua bán hàng hóa, sản xuất nông nghiệp, thăm thân họ hàng, dòng tộc và giao lưu văn hóa nhân dịp các ngày lễ, Tết của hai nước. Ngoài ra, nhân dân nước bạn ở các xã giáp biên còn sang khám và điều trị bệnh tại các cơ sở y tế xã, các Trạm  quân dân y kết hợp và Trung tâm y tế huyện, thị xã biên giới của tỉnh An Giang.

Đại tá Phạm Văn Phong, Chính ủy BĐBP An Giang cho biết: “Thực hiện phong trào kết nghĩa Cụm dân cư hai bên biên giới do Bộ Tư lệnh BĐBP phát động, Bộ Chỉ huy BĐBP An Giang đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành trong tỉnh. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Ngoại vụ và UBND huyện Tri Tôn, Tịnh Biên tiến hành khảo sát, lựa chọn điểm; xây dựng kế hoạch chi tiết về nội dung, thời gian, địa điểm cụ thể, thành phần tham gia ký kết nghĩa. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chỉ đạo các đồn Biên phòng biên giới khẩn trương phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tham mưu cho UBND huyện làm việc với chính quyền phía đối diện Campuchia tổ chức lễ ký kết nghĩa Cụm dân cư hai bên biên giới. Kết quả, có 5/15 Cụm dân cư hai bên biên giới đã ký kết nghĩa, với nội dung kết nghĩa được cụ thể hóa, sát với thực tế từng địa bàn và phù hợp với phong tục, tập quán của nhân dân hai bên biên giới”.

Trong 5 năm qua, 5 Cụm kết nghĩa dân cư hai bên biên giới thường xuyên phối hợp giáo dục tuyên truyền về truyền thống hợp tác hữu nghị giữa hai nước, phổ biến các văn bản pháp luật về biên giới quốc gia, các hiệp định, hiệp nghị chung giữa hai nước đã ký kết; vận động nhân dân tích cực tham gia phòng, chống và tố giác tội phạm; phối hợp với các cấp, các ngành chức năng làm tốt công tác phòng ngừa và ngăn chặn hiệu quả các hoạt động lợi dụng chính sách dân tộc, tôn giáo để chống phá đường lối, chính sách, tình đoàn kết, hữu nghị của nhân dân và hai nước... được 250 lần, có 1.260 lượt người dân hai bên biên giới tham gia.

Qua hoạt động tuyên truyền, giáo dục đã nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của công dân về độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ biên giới; giúp nhân dân chấp hành nghiêm các hiệp định, hiệp nghị, quy chế khu vực biên giới, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế, xã hội, xây đắp tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai bên biên giới ngày càng bền chặt.

Sau hơn 5 năm triển khai ký kết nghĩa, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa bàn biên giới luôn được hai bên giữ vững. Định kỳ 6 tháng một lần, hai bên tổ chức giao ban luân phiên để thông tin, trao đổi tình hình và giải quyết các vụ việc liên quan ngay từ cơ sở, bảo đảm theo đúng hiệp định hai Nhà nước đã ký kết. Các cặp Cụm dân cư kết nghĩa thường xuyên gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ nhau về con giống, cây trồng, vật nuôi... Đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân các cặp Cụm dân cư kết nghĩa hai bên vẫn giữ vững và phát huy được bản sắc văn hóa truyền thống mỗi dân tộc, đồng thời, các tập tục lạc hậu dần được bãi bỏ.

Các Trạm y tế các xã, phường, thị trấn biên giới và các Trạm quân dân y kết hợp đã khám và điều trị cho nhân dân nước bạn Campuchia được 5.959 lượt người, với tiền thuốc trị giá trên 500 triệu đồng. Lực lượng BĐBP và các xã, phường, thị trấn biên giới còn vận động các mạnh thường quân tổ chức được 12 đoàn công tác tặng quà, khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho 4.320 lượt người dân Campuchia đối diện, tổng trị giá hơn 1,5 tỷ đồng.

Phát huy những hiệu quả tích cực đã đạt được, thời gian tới, mô hình “Kết nghĩa Cụm dân cư hai bên biên giới” sẽ được triển khai nhân rộng trên toàn tuyến biên giới tỉnh An Giang (Việt Nam) với 2 tỉnh Takeo, Kandal (Campuchia). Mô hình góp phần kết nối người dân ở các khóm, ấp hai bên biên giới, kết hợp huy động sức mạnh của các lực lượng chính là điều kiện để BĐBP An Giang thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. 

(bienphong.com.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất