Thứ Bảy, 23/11/2024
“Đầu tàu” nơi bản vùng cao Thanh Hóa
 
Cán bộ Hội LHPN tỉnh và đồng chí Sùng A Hòa, bí thư chi bộ bản Nà Ón, xã Trung Lý
(Mường Lát) thăm, động viên các thành viên tổ hợp tác chăn nuôi dê sinh sản


Học tiếng Kinh để tuyên truyền, vận động

Sau hơn nửa năm Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh trao dê giống cho các hộ gia đình hội viên, phụ nữ bản Nà Ón, xã Trung Lý (Mường Lát, Thanh Hóa), chúng tôi có dịp trở lại bản vùng cao này. Đồng chí Sùng A Hòa, bí thư chi bộ và Sùng Seo Minh, trưởng bản Nà Ón phấn khởi giới thiệu với chúng tôi về mô hình nuôi dê ở bản Nà Ón đang rất hiệu quả. Chỉ tay về phía trên sườn đồi có nhiều hộ chăn thả dê đang trò chuyện, đồng chí A Hòa cho biết: Từ ngày có dê nuôi, các hộ dân trong bản đoàn kết, gần gũi với nhau hơn và cùng tiếp thu kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc dê để đạt hiệu quả tốt nhất. Được hỗ trợ 39 con dê giống sinh sản cho 15 hộ (5 triệu đồng/hộ) và hướng dẫn các hộ chăn nuôi theo mô hình tổ hợp tác (THT), đến nay đàn dê đã tăng lên 84 con. Nhận thấy hiệu quả từ mô hình, nhiều hộ dân trong bản đã mua dê về nuôi để phát triển kinh tế gia đình.

Để có được thành quả mô hình nuôi dê phát triển về số lượng ngay ở bản người Mông còn nhiều khó khăn, nhất là làm thay đổi nhận thức trông chờ ỉ lại của bà con trong bản không phải chuyện một sớm, một chiều. Theo tìm hiểu của chúng tôi, bản Nà Ón thuộc vùng sâu, vùng xa của xã Trung Lý có 52 hộ đều là người dân tộc Mông sinh sống và đều là hộ nghèo. Nơi đây không có điện lưới, bà con dùng nước suối sinh hoạt và rất ít người biết tiếng Kinh, tình trạng mù chữ, kết hôn cận huyết thống còn cao, người dân chủ yếu đi rừng kiếm sống và chưa có ngành nghề sản xuất ổn định... Do vậy, việc tuyên truyền, vận động cho bà con phát triển các mô hình sản xuất là vô cùng khó khăn. Xác định cán bộ thôn, bản là cánh tay nối dài của Đảng, chính quyền với nhân dân, cấp ủy đảng đã động viên, tạo điều kiện để đồng chí Sùng A Hòa, Sùng Seo Minh phấn đấu vào Đảng. Các đồng chí đã khắc phục khó khăn theo học bổ túc văn hóa. Sau nhiều năm nỗ lực, cố gắng, các đồng chí đã hoàn thành lớp học, hiểu thông, viết thạo tiếng Kinh nên được tổ chức dìu dắt, kết nạp Đảng và được tín nhiệm bầu làm bí thư chi bộ, trưởng bản năm 2012. Bao nhiêu năm làm cán bộ bản Nà Ón cũng là ngần ấy năm các đồng chí Sùng A Hòa, Sùng Seo Minh không quản đường sá xa xôi, ngày hay đêm, cứ có việc là các đồng chí lại lên đường với hành trang là chiếc xe máy cũ, cuốn sổ, cái bút vào tận các hộ tuyên truyền, vận động bà con học xóa mù chữ - bởi có hiểu biết tiếng Kinh thì bà con mới hiểu được chủ trương của Đảng, cơ chế, chính sách của Nhà nước, của địa phương và tiếp cận được chuyển giao kiến thức khoa học - kỹ thuật trong sản xuất. Do vậy, các đồng chí đã vận động được một số con em của bản, hộ dân đến nhà văn hóa thôn khác để ghép lớp học xóa mù chữ vào buổi tối. Dù chưa nhiều hộ trong bản biết tiếng Kinh, nhưng những việc các đồng chí làm đã tạo được uy tín với dân. Đồng chí Sùng A Hòa cho biết: Để có được hai chữ “uy tín” không phải chỉ nói suông thôi đâu. Bà con ở đây thật lắm. Mình phải nói thật, làm thật mới tạo được niềm tin. Chẳng hạn, khi tôi vận động bà con không vào rừng bẻ măng, phải tiết kiệm tiền để mua con giống nuôi, thì tôi phải làm trước. Do vậy tôi đã tích lũy và nhân đàn nuôi 6 con bò, dự định làm chuồng nuôi thêm lợn. Mình phải giúp bà con phương pháp, cách làm thì mới hiệu quả.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Ngân Thị Vân, Chủ tịch Hội LHPN xã Trung Lý cho biết: Vai trò của đồng chí bí thư chi bộ và trưởng bản Nà Ón là rất quan trọng. Nếu không có sự nhiệt tình, trách nhiệm, năng động, bám cơ sở của đồng chí Sùng A Hòa và Sùng Seo Minh thì nhiều việc của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể triển khai thực hiện khó đạt được kết quả như mong đợi.

Miệt mài lo chuyện thôn, bản

Bản Năng Cát, xã Trí Nang (Lang Chánh, Thanh Hóa) có tiềm năng du lịch là thác Ma Hao nhưng nhiều năm trước đây còn bỏ ngỏ. Bám sát định hướng của đảng ủy cấp trên, đồng chí Hà Văn Cảnh, trưởng bản Năng Cát đã vận động các hộ dân trong bản nâng cao ý thức làm du lịch. Vì ở nơi khó khăn cả về điều kiện kinh tế, nhận thức, tập quán sinh hoạt... nên việc vận động bà con làm du lịch là khái niệm vô cùng mới mẻ và khó thực hiện. Cùng với tuyên truyền, vận động, đồng chí Cảnh đã tiên phong làm rượu men lá trước và thu hút các hộ cùng làm để có sản phẩm đặc trưng bán cho khách du lịch. Sau thời gian ngắn có tới 25 hộ cùng tham gia và thành lập tổ sản xuất rượu men lá - đặc sản của huyện Lang Chánh làm từ gạo và men làm bằng những lá cây thuốc qúy đã được Sở Khoa học và Công nghệ chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng. Cùng với đó, đồng chí cùng với chi ủy, ban công tác mặt trận, trưởng các đoàn thể đã nhiều lần đến từng hộ vận động các hộ có điều kiện mạnh dạn làm du lịch cộng đồng. Hiện nay tại bản Năng Cát có trên 10 hộ gia đình tham gia làm dịch vụ homestay phục vụ khách du lịch, với sức chứa khoảng trên 300 khách lưu trú. Hệ thống nghỉ dưỡng, ăn uống, nhà vệ sinh được đầu tư đồng bộ. Với vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ gắn liền với lịch sử chống giặc ngoại xâm của nghĩa quân Lam Sơn, hệ thống cơ sở vật chất ngày càng được đầu tư hoàn thiện, điểm du lịch sinh thái thác Ma Hao - bản Năng Cát ngày càng thu hút đông đảo du khách đến tham quan nghỉ dưỡng, nhất là trong những dịp nghỉ lễ. Chỉ tính riêng trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5-2019, điểm du lịch sinh thái thác Ma Hao - bản Năng Cát đón trên 7.000 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, doanh thu từ các dịch vụ phục vụ du lịch ước đạt trên 1 tỷ đồng.

Qua những chuyến công tác, chúng tôi gặp nhiều cán bộ thôn, bản nhiệt tình, trách nhiệm với công việc, luôn đi đầu trong các phong trào. Nhưng người để lại cho chúng tôi ấn tượng đặc biệt nhất là bà Phạm Thị Lan, Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn Vân Trung, xã Cát Vân (Như Xuân). Bao năm qua, vị nữ bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn này vẫn lặng lẽ “vác tù và”, bám cơ sở bất kể ngày đêm, mưa gió, cần mẫn với nhiệm vụ được giao. Dẫu đi lại khó khăn, vất vả vì bị tật ở chân, nhưng người dân thôn Vân Trung ai cũng đã quen thuộc với hình ảnh người phụ nữ 60 tuổi vẫn cần mẫn, nhiệt huyết đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà để tuyên truyền, vận động bà con tham gia các phong trào của địa phương phát động, nhất là công tác xóa đói, giảm nghèo.

Từ năm 2017 về trước, Vân Trung là thôn đặc biệt khó khăn, 90% dân tộc Thổ sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo cao, đa phần có tư tưởng trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước nên một số hộ gia đình đã tách hộ, bố mẹ (ông, bà) tuổi cao ra ở riêng nên thuộc đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng chế độ hộ nghèo, gồm: Bảo hiểm y tế, giảm tiền điện sinh hoạt, cấp gạo, muối... Nhận thấy tư tưởng này cần xóa bỏ, bà Lan đã đến động viên vận động các hộ nhập lại. Bà xác định: Một ngày vận động không được, một tuần không được thì một tháng sẽ được, bà kiên trì thuyết phục, sau một thời gian, đã vận động được 5 hộ gia đình bố mẹ (ông, bà) nhập vào gia đình các con, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của thôn còn 5 hộ. Chưa hết, thôn Vân Trung có 1 nhóm hộ gồm 5 gia đình anh em dân tộc Thái ở cách biệt vì không có đường qua nhà, bà Lan đã nhiều lần khảo sát, động viên và tham mưu cấp ủy đảng hỗ trợ 1 xe đá hộc, 2 tấn xi măng và vận động ngày công hỗ trợ các gia đình làm đường, đồng thời đứng ra bảo lãnh cho gia đình ông Lê Hữu Đinh vay 100 triệu đồng của ngân hành chính sách xã hội và thường xuyên giám sát, cầm tay chỉ việc cho hộ ông Đinh tăng gia sản xuất, khoan giếng, cải tạo vườn, nâng cấp nhà ở. Bao gian nan, vất vả của bà Lan cũng đến ngày có thành quả, cuối năm 2018, cả 5 hộ gia đình đều có đường đi lại thuận lợi, đời sống được cải thiện. Nếu như năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo của thôn Vân Trung là 41,18% thì đến nay giảm còn 6,02%; thu nhập bình quân đầu người (năm 2015) 14 triệu đồng đến nay nâng lên 36,5 triệu đồng/người/năm. Với những kết quả đó, năm 2018, thôn Vân Trung đã thoát khỏi thôn đặc biệt khó khăn theo Chương trình 135 của Chính phủ. Thành tích đó có sự đóng góp không nhỏ của bà Phạm Thị Lan, bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn Vân Trung luôn tận tâm, nhiệt huyết với công việc.

Chia sẻ khó khăn khi đảm nhiệm vai trò bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, bà Lan cho biết: “Tôi phải thu xếp việc gia đình, tranh thủ mọi lúc, mọi nơi đến từng nhà tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, những khúc mắc, bức xúc của bà con để giải đáp ngay hoặc bàn với cấp ủy, chi bộ cách giải quyết, xử lý kịp thời, thấu tình đạt lý. Nếu bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn là nam giới phấn đấu một, thì tôi phải nỗ lực gấp ba, bốn lần thì mới hoàn thành được công việc, nhiệm vụ được giao”.

Là những người tiếp xúc hằng ngày với người dân, công việc của bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản tưởng dễ nhưng rất phức tạp, nhạy cảm, bởi thường đụng chạm đến quyền lợi của người thân, làng xóm láng giềng. Tuy nhiên với lòng nhiệt huyết, sự tiên phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, tại nhiều thôn, bản khu vực miền núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa đã có nhiều đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng, vừa đảm bảo cho phát triển sản xuất, nâng cao đời sống sinh hoạt, vừa giữ ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội ở cơ sở.

(baothanhhoa.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi