Công tác dân vận được Đảng ta xác định là nhân tố quan trọng, củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc. Và thành quả “dân vận khéo” được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết lúc sinh thời đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Thấm nhuần những giá trị ấy, Chi bộ thôn Khuổi My xã Phương Độ (thành phố Hà Giang) đã “khéo” dân vận để góp phần thay đổi tích cực cuộc sống đồng bào Dao.
|
Chăn nuôi gà giúp gia đình anh Tương Văn Kảng tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống. |
Khuổi My có địa hình đồi, núi dốc cùng nhiều khó khăn về điều kiện phát triển kinh tế - xã hội đã tạo không ít trở ngại trong quá trình thực hiện công tác dân vận. Song, để “dân vận khéo” từng bước đi vào cuộc sống, Bí thư Chi bộ thôn Khuổi My Tương Văn Kiảng chia sẻ: Chìa khóa thành công chính là hành động nêu gương “nói đi đôi với làm” của đảng viên. Và một trong những minh chứng điển hình cho thành quả ngọt ngào này chính là quá trình vận động đồng bào xóa bỏ cầu tiêu trên ao… Trước năm 2004, thói quen sử dụng cầu tiêu trên ao đã trở thành nếp sống khó thay đổi của đồng bào Dao ở Khuổi My. Dần hiểu được thực tế này gây mất vệ sinh môi trường và mỹ quan khu dân cư, 3 đảng viên đầu tiên của Chi bộ là anh Tương Văn Kiảng, Tương Văn Thánh và Trương Văn Bái lần lượt xây dựng 3 công trình phụ (bể nước, nhà tắm, nhà tiêu) hợp vệ sinh. Nhớ lại cuộc “cách mạng” xóa bỏ cầu tiêu trên ao, anh Trương Văn Bái kể: “Thời điểm năm 2004, đường lên Khuổi My chỉ là lối mòn nhỏ, nhiều dốc cao, vực thẳm, lại chưa có điện lưới Quốc gia. Để xây dựng các công trình phụ, chúng tôi phải vác từng bao cát, sỏi từ dưới suối ngược dốc cao và tự tay đóng gạch bi. Trong đó, xi-măng bắt buộc phải mua từ thành phố chở lên đến thôn bằng xe máy. Nhưng vì đường khó nên chở được 1 bao xi-măng trị giá 50 nghìn đồng thì cũng mất đến 100 nghìn đồng tiền công vận chuyển”...!
Thực tế cho thấy, nếu làm cầu tiêu trên ao, chi phí gần như 0 đồng nhưng xây công trình phụ hợp vệ sinh thì giá lên đến hàng chục triệu đồng… Nói như vậy để thấy rằng, việc thay đổi nếp sống của người dân từ suy nghĩ đến hành động tích cực là cả quá trình vì còn phụ thuộc vào tiềm lực kinh tế. Song “mưa dầm thấm lâu”, sau 10 năm “dân vận khéo” (từ 2004 – 2014), thôn Khuổi My đã xóa 100% cầu tiêu trên ao. Đi liền với đó, 62/62 hộ dân di rời chuồng nuôi gia súc, gia cầm dưới gầm sàn ra xa nhà, thực hiện nếp sống vệ sinh, văn minh, tiến bộ. Đặc biệt, để duy trì kết quả này, Chi bộ đã phân công đảng viên phụ trách nhóm hộ, đảm bảo không để người dân tái sử dụng cầu tiêu trên ao.
Nói thêm về thành quả trên, Bí thư Chi bộ thôn Khuổi My, Tương Văn Kiảng chia sẻ: Then chốt của vấn đề chính là kinh tế. Có kinh tế, người dân sẽ đầu tư xây dựng công trình phụ. Song, để thúc đẩy kinh tế phát triển, đảng viên phải làm trước để “làng nước theo sau”. Minh chứng cho điều này, đến nay, mô hình kinh tế tổng hợp: Trồng chè Shan tuyết, dược liệu, xay sát, nấu rượu kết hợp chăn nuôi lợn, gà, vịt, chim Trĩ và mở cửa hàng tạp hóa đã giúp gia đình anh Kiảng có thu nhập từ 200 đến trên 300 triệu đồng/năm. Với trách nhiệm nêu gương, anh Kiảng và nhiều đảng viên ở Khuổi My đã trở thành gương sáng để đồng bào học tập. Từ đây, công cuộc “dân vận khéo” giúp người dân áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi từng bước đi vào cuộc sống. Trong đó, đồng bào Dao ở Khuổi My đã và đang tập trung đầu tư thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đối với 31,1 ha chè Shan tuyết và 119 ha Thảo quả. Từ thế mạnh này giúp nhiều hộ như gia đình anh Lý Văn Ón, Hà Văn Thinh tăng thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm… Cùng với đó, nghề nuôi cá Bỗng còn giúp nhiều hộ tăng thu nhập khi sản phẩm có giá bán lên đến 300 nghìn đồng/kg. Đặc biệt, từ năm 2018 đến nay, nhiều hộ trong thôn mạnh dạn chuyển đổi từ giống lúa địa phương năng suất, chất lượng thấp sang gieo cấy thí điểm giống lúa Già Dui và lúa Nhật chất lượng cao. Đồng thời, chuyển đổi 4 ha đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu (Sa nhân tím) và dự kiến trồng thử nghiệm 1.000 cây Kim ngân hoa trong tháng 6 tới…
Không chỉ nêu gương trong phát triển kinh tế, anh Kiảng còn là một trong những người đầu tiên của thôn khuyến khích 2 con gái theo học các trường chuyên nghiệp. Đặc biệt, các con của anh đều vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng. Từ sự nêu gương của anh Kiảng và những đảng viên trong Chi bộ đã tạo động lực cho phong trào hiếu học của thôn phát triển. Không dừng ở kết quả trên, qua công tác “dân vận khéo” của cấp ủy, nhiều năm trở lại đây, thôn Khuổi My không có trường hợp tảo hôn, sinh con thứ ba. Nhiều hủ tục dần xóa bỏ, như: Việc cưới, việc tang không tổ chức dài ngày; đau, ốm không mời thầy về cúng mà đến cơ sở y tế…
Trước khi rời Khuổi My, anh Kiảng không quên chia sẻ: Toàn thôn chỉ còn duy nhất 1 hộ cận nghèo và không có hộ cận nghèo. Thu nhập bình quân đạt 28 triệu đồng/người/năm. Không những vậy, Chi bộ đang tiếp tục thực hiện tốt công tác “dân vận khéo” để phát huy sức mạnh đại đoàn kết trong nhân dân; thực hiện hiệu quả kế hoạch của cấp ủy, chính quyền thành phố và xã Phương Độ về xây dựng Khuổi My thành làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với phát triển dược liệu…
(baohagiang.vn)