Thứ Bảy, 23/11/2024
“Cây đại thụ” vùng ngã ba biên giới
 
Già làng Y Pan trao đổi công việc cùng cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Bờ Y


Thượng úy A Hùng, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Bờ Y, BĐBP Kon Tum đưa chúng tôi đến thôn Đắk Mế giữa một ngày tháng 6 đầy nắng và gió. Đón chúng tôi giữa vạt hoa phượng nở đỏ con đường vào thôn là một phụ nữ lớn tuổi với chiếc áo choàng thổ cẩm nổi bật hoa văn đặc trưng của núi rừng Tây Nguyên. Chỉ cần thấp thoáng bộ quân phục Biên phòng từ xa là biết ngay có người quen vào thăm, bà niềm nở mời chúng tôi vào nhà.

Sau vài câu trao đổi trò chuyện bằng tiếng địa phương, Thượng úy A Hùng quay sang tôi giới thiệu: “Mẹ tên Y Pan, người dân tộc Brâu, là nữ già làng đầu tiên của làng Đắk Mế. Năm nay, mẹ hơn 80 tuổi rồi đó...”. Lời giới thiệu của Đội trưởng Vận động quần chúng A Hùng khiến tôi không khỏi bất ngờ: Một nữ già làng năm nay đã hơn 80 tuổi mà vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát, phong cách nói chuyện rất dễ gần, đặc biệt là đối với cán bộ, chiến sĩ Biên phòng, bà xem như con cháu trong nhà của mình vậy. Và cũng rất nhanh, câu chuyện của nữ già làng Đắk Mế với chúng tôi đi vào trọng tâm xung quanh đề tài phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa mới nơi thôn, làng biên giới.

Già làng Y Pan nói như khoe với chúng tôi: “Lúa nước của Đồn Biên phòng Bờ Y hướng dẫn bà con trong làng làm, giờ đã chín hết rồi. Hôm nào bà con mình sẽ nhờ các con, các cháu trên đồn xuống giúp thu hoạch đấy nhé”. Nghe già làng nói chuyện, Thượng úy A Hùng cười thật tươi. Rồi anh cho tôi biết thêm, trong những năm qua, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Bờ Y đã xây dựng rất nhiều mô hình giúp dân phát triển kinh tế như trồng lúa nước, cà phê, bời lời... kết hợp với chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm, giúp nhân dân xóa được đói, giảm được nghèo một cách bền vững.

Để đạt được kết quả đó, bên cạnh sự nỗ lực vượt khó, tình thương và trách nhiệm của BĐBP thì những cống hiến của nữ già làng Y Pan là rất đáng trân trọng. Nữ già làng là chiếc cầu nối giữa ý Đảng - tình quân - lòng dân, là trung tâm của khối đoàn kết quân dân, đoàn kết dân tộc trên vùng biên giới.

Qua câu chuyện của Đội trưởng Vận động quần chúng với nữ già làng Đắk Mế, chúng tôi được biết, năm 16 tuổi, bà Y Pan đã thoát ly gia đình theo cách mạng đảm nhận công tác giao liên, gùi lương tải đạn cho bộ đội giải phóng. Năm 1957, ở tuổi 18, bà được tổ chức cử ra miền Bắc học văn hóa tại trường Trung học thanh thiếu niên miền Nam - ngôi trường dành riêng cho những học sinh miền Nam và đồng bào dân tộc thiểu số có thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu.

Sau 7 năm “dùi mài kinh sử”, bà được cử đi học lớp y tá tại Cao Bằng và cũng chính tại đây, bà gặp và kết hôn với người đồng chí, đồng hương Đinh Ngọc Rênh, dân tộc Giẻ Triêng. Ông bà lấy nhau chưa được một tuần, do cuộc kháng chiến chống Mỹ đang bước vào giai đoạn cam go, ác liệt, ông Rênh lại phải xa gia đình quay trở lại miền Nam đánh giặc, bà ở lại học tiếp y tá cho đến năm 1970 thì ra trường. 

Năm 1975, bà vào lại tỉnh Kon Tum, công tác tại Bệnh viện huyện Đắk Tô cho đến khi về hưu. Cứ ngỡ cuộc sống sau khi về hưu sẽ nhàn hạ hơn, nhưng trở về quê hương trong hoàn cảnh đất nước mới giải phóng, còn bao nhiêu thứ ngổn ngang, khó khăn, vất vả khiến cho bà không thể yên lòng. Người dân tộc Brâu đang đứng trước nguy cơ ngày càng mai một nòi giống, do nếp sống du canh, du cư không ổn định, nay đây mai đó, lại có quan niệm cổ hủ rằng người Brâu chỉ lấy người Brâu chứ không được kết hôn ngoại tộc. Cứ thế, người Brâu ở Đắk Mế chỉ quanh quẩn trong làng với nhau, hơn 100 đôi vợ chồng thì có hơn phân nửa là có quan hệ bà con với nhau. Vấn nạn hôn nhân cận huyết thống cứ thế dần bào mòn giống nòi, đưa tộc người Brâu đến bờ vực tuyệt chủng. 

Là người duy nhất được ăn học đến nơi đến chốn, có trình độ nhất làng Đắk Mế, bà Y Pan đã đứng ra tuyên truyền, giáo dục bà con, từng bước làm thay đổi nhận thức của đồng bào về hôn nhân. Từ đó, người Brâu đã dần dần chuyển đổi nhận thức, không còn vấn nạn mê tín dị đoan và duy trì hôn nhân cận huyết thống nữa. Cuộc sống dần được cải thiện, nhưng nỗi lo của nữ già làng vẫn chưa vơi đi khi người dân tộc Brâu vẫn đứng trước nguy cơ mai một văn hóa truyền thống, nhất là nghề dệt thổ cẩm.

Từ bao đời nay, con gái Brâu nổi tiếng khéo tay, có tài dệt thổ cẩm duy trì trang phục truyền thống, nhưng nhiều gia đình vì hoàn cảnh khó khăn mà lãng quên truyền dạy nghề cho con cháu. Với đồng lương ít ỏi của mình, hằng tháng, già làng Y Pan trích ra một phần hỗ trợ cho những gia đình có nguyện vọng phục hồi nghề dệt vải. Từ số tiền ít ỏi và tấm lòng của già làng Y Pan, người Brâu hôm nay vẫn giữ được trang phục truyền thống. Nhân các ngày lễ hội, hay những sự kiện quan trọng diễn ra trong làng, trong xã, bà con thường lấy ra mặc với niềm tự hào về nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. 

Thượng úy A Hùng chia sẻ với chúng tôi: “Già làng Y Pan là tấm gương mẫu mực của người dân tộc Brâu trên vùng ngã ba biên giới. Người dân xã Bờ Y, đặc biệt là bà con ở thôn Đắk Mế ai cũng kính trọng bà. Tiếng nói của bà rất có trọng lượng, nhất là những vấn đề liên quan đến biên giới, xây dựng nông thôn mới. Với sự đồng hành, gánh vác công việc cùng với BĐBP trên tất cả các lĩnh vực, năm 2007, bà Y Pan được Bộ Tư lệnh BĐBP tặng Kỷ niệm chương “Vì chủ quyền, an ninh biên giới”. Giờ đây, tuy tuổi đã cao, nhưng già làng Y Pan vẫn luôn tâm niệm phải tiếp tục cống hiến, tiếp tục là đầu tàu trong công tác xã hội, góp phần xây dựng quê hương biên giới ngày càng giàu đẹp. Những lời nói, hành động của bà đã gắn kết cộng đồng thôn làng, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết quân dân, không ngừng củng cố thế trận Biên phòng toàn dân, cùng với BĐBP quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới."

(bienphong.com.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi