Thứ Năm, 9/1/2025
"Trái ngọt" dân vận khéo của ông Nhành thương binh
 
Gần gũi và có trách nhiệm, ông Nhành thương binh luôn được bà con tin tưởng và đồng lòng ủng hộ


Bén duyên với công tác dân vận

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông ở khu dân cư 11, thôn Tuyết Diêm 3 ở xã Bình Thuận (Bình Sơn), lòng yêu nước của cậu thanh niên Nguyễn Văn Nhành lớn dần cùng với cái nắng rát của gió biển miền Trung. Chiến tranh đến, ông Nhành tình nguyện lên đường nhập ngũ. Để rồi ngày trở về, ông Nhành thành thương binh 2/4 với những vết thương vẫn thường xuyên hành hạ cơ thể mỗi khi trái gió trở trời.

Hòa bình lập lại, ông được phân công làm cán bộ xã đến năm 1982. Những tưởng ở tuổi hưu thì ông sẽ an hưởng cuộc sống yên bình bên con cháu, nhưng với sự tín nhiệm của cán bộ, đảng viên đã buộc ông tiếp tục đảm trách vị trí tổ trưởng tổ đảng ở khu dân cư nơi ông ở. Cũng từ ấy, ông Nhành hết lòng vì việc chung, mặc cho sức khỏe bản thân không tốt như người thường.

Ngày ấy, ở xứ nắng vàng cát trắng, đời sống của người dân còn lắm chật vật. Họ mải lo kiếm từng đồng tiền khó nhọc để trang trải nhu cầu cơm áo gạo tiền mỗi ngày. Chính vậy mà những công trình dân sinh do dân đóng góp như điện, đường, trường học hay nhà sinh hoạt tập thể hầu như vắng bóng. Với cương vị là một đảng viên, ông Nhành luôn trăn trở mãi chuyện phải làm sao xây được một ngôi nhà sinh hoạt cho khu dân cư số 11.

Sau đó là những ngày dài triền miên, người ta thấy ông Nhành khập khiễng giăng nắng, giăng mưa đến từng nhà nói chuyện, thuyết phục bà con góp tiền, góp công làm nhà. Cả tháng trời vất vả ngược xuôi, ông thương binh Nhành cuối cùng cũng lấy được lòng dân.

Năm 2011, nhà sinh hoạt chung của khu dân cư nghèo được hình thành với kinh phí hơn 50 triệu đồng. Số tiền ấy ở cái thời điểm kinh tế còn khó khăn, quả là không hề nhỏ, nhất là tiền từ sự đóng góp của người dân.

Nhà sinh hoạt- “thành tựu” lớn đầu tiên của ông Nhà trong công cuộc dân vận, đã trở thành nơi hội họp của bà con nhân dân mỗi dịp lễ Tết. Đây cũng là nơi họ bàn bạc rồi tìm ra hướng chung để góp sức vực dậy một vùng quê nghèo khó. 

“Ai mà nghĩ thôn dân cư mình lại có cái nhà sinh hoạt khang trang được. Vậy mà ông Nhành hay thiệt, nói ai cũng nghe theo. Có nơi sinh hoạt tập thể, bà con ai cũng mừng”- lão nông Trần Văn Phải luôn dành những lời trìu mến khi nói về ông Nhành thương binh.

Tâm đức của ông Nhành thương binh

Nổi tiếng ở khu dân cư là người “Vác tù và hàng tổng”, ông Nhành luôn có mặt khi xóm làng có chuyện chung cần lo. Chính vì vậy, mà khi có chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng đóng góp làm đường bê tông nông thôn, ông Nhành là người tiên phong đứng ra đóng góp tiền rồi lại lặn lội tới từng nhà vận động.

Mấy tháng trời, ông lui tới từng nhà để nói chuyện. Bởi ông biết, với khu dân cư điều kiện còn quá khó khăn thì số tiền 2,6 triệu đồng/hộ để đóng góp làm được là rất lớn. “Bản thân gia đình tôi cũng không dư giả mấy để bỏ ra chừng ấy tiền để làm đường chung. Nhưng mình cứ trên tinh thần là tiên phong, mình làm được thì bà con họ thấy họ mới làm theo.”- ông Nhành chia sẻ.

Kết quả là, cuối năm 2018 và đầu năm 2019, ông vận động nhân dân đóng góp gần 250 triệu đồng, hơn 360 ngày công để xây dựng 900m đường bê tông. Hơn 20 hộ tình nguyện hiến hơn 300 mét vuông đất, tường rào cổng ngõ…

Nhìn lại những “trái ngọt” dân vận khéo của mình, ông Nhành vẫn khiêm tốn bảo rằng, ấy là do bà con mình đồng tâm góp sức xây dựng quê hương. Nhưng ai cũng hiểu, nếu không có ông Nhành chịu khó thuyết phục và đứng đầu vận động thì đến giờ bà con vẫn phải đi trên những con đường nhỏ hẹp, bụi mù vào mùa nắng, lầy lội vào mùa mưa.

Vừa đón nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, ông Nhành luôn tự hào vì chưa bao giờ đi ngược lời dạy của Bác Hồ dù chỉ là trong suy nghĩ. Ông quan niệm, mọi thành công của chính quyền đều bắt nguồn từ nhân dân. Bởi vậy, ông Nhành luôn thực hiện đúng nguyên tắc “những việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, những việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”.

“Mình là đảng viên, là lính Cụ Hồ, hơn ai hết, chính mình phải làm gương đi đầu mới vận động được bà con. Cái gì mình cũng đều làm hết mình bằng cái tâm, cái đức của bản thân thì bà con sẽ hiểu và đồng cảm”- ông Nhành trải lòng, nói về bí quyết dân vận của mình.

Cũng chính từ sự gương mẫu đi đầu đó của ông, mà bà con nhân dân ở thôn Tuyết Diêm 3 luôn kính trọng, yêu mến và một mực đồng lòng với những hoạt động, chính sách chung của Đảng, Nhà nước do ông Nhành vận động, tuyên truyền.

(baoquangngai.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất