|
Cụ Nga, tổ trưởng qua 2 thế kỉ của con phố tơ lụa sầm uất nhất Hà thành xưa và nay… |
Chuyện của một người phụ nữ phi thường
Tôi biết tới cụ Nga cách đây khá lâu, do quen biết với một cụ tổ trưởng, ở phố hàng Nón. Cụ hàng ngày vẫn thường hay dạy tập dưỡng sinh cho một nhóm hội viên già ở vườn hoa trước cổng Lăng Chủ tịch. Cụ tổ trưởng phố hàng Nón bảo với tôi, để nói về một người phụ nữ “phi thường” thì nên tìm tớ cụ Nga, Tổ trưởng tổ 4.
Vậy là một buổi chiều tối tháng 5, sau cả ngày trời loanh quanh khắp phố cổ tôi tìm được đến số nhà 67 phố Hàng Gai để “mục sở thị” về người phụ nữ phi thường mà cụ tổ trưởng kia giới thiệu. Ở độ tuổi 86, cụ Nga không giống khác nhiều so với sự tưởng tượng của tôi.
Mắt cụ sáng, nhanh nhẹn, nói năng dứt khoát, rành mạch, tiêu biểu cho hình tượng của một người cán bộ cách mạng mà tôi thường gặp. Được hỏi về “sự nghiệp” gần 60 năm làm Tổ trưởng tổ dân phố của mình, cụ Nga cười hiền khô: “Nghề nó vận vào mình đấy cô chú ạ”. Thuở nhỏ cụ Nga sống ở quê, thôn Phù, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì.
Và rồi đến năm 1954, sau khi nên duyên với cụ ông thì cụ mới chuyển tới phố Hàng Gai sinh sống. Thời kỳ đầu, cụ là thương nhân buôn bán vải ở chợ Đồng Xuân. Thế rồi, do khéo léo, lại có tài thấu hiểu lòng người, nên cụ được mời tham gia làm cán bộ cải tạo tiểu thương.
Một thời gian sau, cụ chuyển sang làm thủ kho cho Công ty Bông Vải Sợi, trụ sở 56 Lý Thái Tổ (Hoàn Kiếm). Và bởi thế, dù mới ngoài 20, cụ Tuyết Nga đã nức tiếng cả khu phố vì sự giỏi giang, tháo vát. Cũng chính vì vậy mà năm 1960, cụ được những người có tiếng nói trong tổ dân phố tìm đến, nhờ cậy đảm nhiệm chức vụ Tổ trưởng. Cụ kể: “Tôi còn nhớ như in cái buổi tối tháng 5/1965 ấy.
Lúc đó, tôi vừa đi làm về thì có 3 ông cán bộ sang nhà tìm. Họ sang nhờ cậy tôi đảm nhiệm vị trí Tổ trưởng tổ dân phố. Ông Đắc còn nói khó, bảo rằng tôi và chồng đều làm việc nhà nước, hiểu biết nhiều, lại được anh chị em yêu quý nên họ tin tưởng, giao phó nhiệm vụ”.
Lúc đầu tôi cũng đắn đo, băn khoăn nhiều lắm, vì công việc cải tạo tiểu thương lúc bấy giờ rất vất vả. Chưa kể con nhỏ, chồng lại đi làm việc nhà nước không mấy khi ở nhà. Thế nhưng, thấy mọi người tha thiết cậy nhờ mãi, lại nghĩ bản thân đã được tin tưởng thì cần có trách nhiệm, nên tôi nhận. Ấy vậy mà từ đó đến nay, thấm thoắt cũng đã gần 60 năm trôi qua. Nhiều khi tự hỏi điều gì khiến mình có thể làm việc này lâu đến như vậy? Chính bản thân tôi cũng không tìm thấy câu trả lời”, cụ Nga tâm sự.
Thời gian đầu, công việc của tổ trưởng là vận động bà con đi sơ tán, đào hầm, đào đường, đến từng nhà thăm hỏi xem có bao nhiêu nhân khẩu, quê gốc ở đâu, để làm hộ khẩu… Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng lại vô cùng khó khăn ở thời điểm ấy.
Bởi lẽ khu phố Hàng Gai là nơi tập trung nhiều tiểu thương, họ kinh doanh buôn bán, người đến người đi thường xuyên, rất khó quản lý. Cụ Nga kể: “Khổ nhất thời đấy là việc kê khai nhân khẩu để lập danh sách, cấp phát tem phiếu. Đây là công việc liên quan đến đời sống của người dân nên phải hết sức cẩn trọng, tỉ mỉ. Ngày ngày, cứ hết việc của công ty tôi lại phải lao vào công việc của khu phố. Có những ngày ngồi cặm cụi tới 2h 30 sáng cắt tem phiếu, bên cạnh là đứa con thơ đang quấy khóc. Thật sự rất vất vả”.
Trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, hết vận động nhân dân đào hầm trú ẩn, đi sơ tán, bảo vệ tài sản, tính mạng, đến việc động viên con em tòng quân, ủng hộ sức người sức của cho tiền tuyến… Mọi công việc dường như quá sức với một người phụ nữ, vậy nhưng nhờ sự tâm huyết, trách nhiệm, nên cụ luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.
Mang bình yên đến cho khu phố
Thấm thoắt đã gần 60 năm trôi qua, cô gái trẻ trung năm xưa đã trở thành cụ bà 85 tuổi. Dấu vết thời gian in hằn trên mái tóc bạc, nhưng nhiệt huyết với công việc không vì vậy mà trở nên suy giảm. Bao năm qua, mọi con đường, ngõ ngách, từng bậc cầu thang của các hộ trong tổ dân phố đều in hằn dấu chân cụ Nga.
Đặc biệt kể từ khi nghỉ hưu, cụ dành thêm thời gian để đến từng nhà động viên, thăm hỏi. Cả khu phố đều coi cụ như thành viên trong nhà, mỗi khi nhắc tới cụ Nga Tổ trưởng, ai nấy đều bày tỏ hết lòng yêu thương, kính trọng như người bà trong gia đình vậy.
Ở tuổi 85, công việc tổ trưởng của cụ Nga đã bớt vất vả hơn xưa. Hiện nay công tác chủ yếu của cụ là tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước đến với người dân trong khu phố, nhắc nhở đổ rác đúng giờ, đúng quy định, thu các loại quỹ của tổ… Vào độ tuổi xưa nay hiếm, nhưng việc nghe báo đài, tiếp thu thông tin chính trị - xã hội không làm khó được cụ, bởi đôi mắt, đôi tai của cụ vẫn còn rất tinh tường. Nhờ khả năng vận động khéo lại được mọi người tín nhiệm, tin yêu nên mọi loại quỹ cụ đều thu rất nhanh, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu.
“Tôi vẫn tự mình tới từng nhà để vận động người dân đóng quỹ, chắc người ta nghĩ cụ này già lắm rồi, ủng hộ cụ ít nhiều để cụ còn về nhà với các cháu. Thế nên loại quỹ nào tôi cũng thu được nhanh hơn, nhiều hơn các tổ khác trong phường”, cụ Nga hóm hỉnh đùa.
Gần 60 năm làm công việc “vác tù và” nơi phố cổ, từ những ngày đầu vất vả, không có trợ cấp chỉ làm đơn thuần vì tâm huyết, trách nhiệm cho đến nay, trong cả quá trình dài ấy cụ vẫn khẳng định chưa từng nghĩ tới việc sẽ bỏ dở công việc mà mình đang làm. Cụ Nga bảo: “ Công việc tổ trưởng này là cái việc cho không ai làm, bắt không ai nhận, vì nó vừa vất vả lại không có lương.
Trước đây tôi dự định sẽ chỉ làm đến tròn 60 năm sẽ nghỉ vì tuổi cao, sức yếu rồi, thế nhưng trong các cuộc họp dân phố, người dân nói với tôi rằng, công việc này là do người dân tin tưởng, giao phó cho tôi, hi vọng tôi có thể đảm đương nó đến những giây phút cuối cùng, thế nên tôi đã nghĩ lại. Có lẽ, tôi sẽ gắn bó với công việc này thêm một thời gian nữa, cho tới khi sức khỏe không cho phép chẳng hạn”.
Hơn nửa thế kỷ làm công tác tổ dân phố, kiêm Tổ trưởng Người cao tuổi, thành viên Tiểu ban quản lý di tích đình Cổ Vũ (85 Hàng Gai), Tổ trưởng Tổ Phụ nữ…, cụ luôn được mọi người kính trọng bởi khả năng và uy tín cao khi thực hiện công tác hòa giải, dân vận khéo, tạo sự đồng thuận của dân.
Đặc biệt, cụ là người tâm huyết, có nhiều đề xuất trong giữ gìn và bảo tồn di tích văn hóa, lịch sử đình Cổ Vũ. Đối với con cháu trong gia đình, tuy biết công việc của cụ là công việc không tên, vất vả, nhưng luôn ủng hộ hết lòng để cụ yên tâm làm việc, bởi đó chính là niềm vui, niềm hạnh phúc của cụ. Hiện nay, dù tuổi cao, nhưng cụ vẫn rất minh mẫn và nhanh nhẹn.
Ngoài trăm việc không tên nơi tổ dân phố, với khả năng thông thạo tiếng Pháp từ hồi trẻ, cụ Nga thường giúp con cháu quản lý, kinh doanh cửa hàng tơ lụa. Với cụ, Tổ trưởng tổ dân phố hay kinh doanh tơ lụa đều một hình thức an dưỡng, thú vui lúc về già…
(phapluatplus.vn)