Thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về
“Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận
trong tình hình mới”, cấp ủy các cấp huyện Bố Trạch đã tăng cường vai
trò trách nhiệm trong lãnh đạo các nhiệm vụ dân vận; tập trung chỉ đạo
đội ngũ cán bộ nói chung và đội ngũ làm công tác dân vận nói riêng bám
sát địa bàn, nắm bắt tình hình để hướng dẫn, tuyên truyền và vận động
nhân dân, đồng thời chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp giúp cho
công tác chỉ đạo ngày một hiệu quả.
Nhờ đó, trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”, công tác chỉ đạo xây
dựng các mô hình ngày càng có chất lượng, thu hút đông đảo các tầng lớp
nhân dân tham gia; trong quá trình xây dựng đã xuất hiện nhiều điển
hình, cách làm hay, phương pháp vận động phong phú và đa dạng.
Cùng với đó, các cấp hội cũng đẩy mạnh thực hiện, gắn phong trào thi
đua “Dân vận khéo” với các phong trào thi đua như: Hội Cựu chiến binh
với phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu”, “Phát huy truyền thống Bộ đội
Cụ Hồ”; Đoàn Thanh niên với phong trào “5 xung kích phát triển kinh tế
và bảo vệ Tổ quốc” và cuộc vận động “4 đồng hành với thanh niên lập
thân, lập nghiệp”; Hội Nông dân với các phong trào thi đua “Nông dân thi
đua sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính
đáng”; “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới”; “Nông dân tham gia bảo
đảm quốc phòng - an ninh”; Hội Phụ nữ với các phong trào “Phụ nữ tích
cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Giỏi việc
nước, đảm việc nhà”...
|
Các hoạt động văn hóa, thể thao được đông đảo quần chúng nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. |
Các phong trào thi đua nhờ đó đã thực sự đi vào cuộc sống, được nhân
dân đón nhận và thực hiện có hiệu quả, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ
về phát triển kinh tế-xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ
XXI đề ra.
Từ tình hình cụ thể của địa phương, đơn vị trên địa bàn việc lựa
chọn, xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” phù hợp đã tạo sức lan tỏa và
mang lại hiệu quả cao. Các xã, thị trấn xây dựng được mô hình “Dân vận
khéo” trên cả 4 lĩnh vực kinh tế, văn hóa-xã hội, quốc phòng-an ninh,
xây dựng hệ thống chính trị, nhiều mô hình đã và đang đem lại hiệu quả
thiết thực.
Cụ thể, từ hiệu quả của công tác dân vận, phong trào thi đua trong
xây dựng nông thôn mới được chỉ đạo phong phú đa dạng; các mô hình hiến
cây, hiến đất, hiến công, hiến kế, tham gia đóng góp xây dựng kết cấu hạ
tầng cho xây dựng nông thôn mới được hình thành rộng khắp, thu hút đông
đảo nhân dân tham gia. Trong thời gian ngắn đã vận động 1.500 hộ gia
đình hiến đất; 715 hộ hiến tài sản và các công trình có liên quan; huy
động hơn 679 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 114 tỷ đồng để phục vụ
xây dựng nông thôn mới...
Bên cạnh đó, nhờ chỉ đạo tập trung, công tác tuyên truyền kịp thời,
nhân dân hưởng ứng tích cực nên đến nay trên địa bàn Bố Trạch, tỷ lệ
bình quân số tiêu chí đạt chuẩn/xã là 14,07 tiêu chí; trong đó 2 xã đạt
19/19 tiêu chí; 12 xã đạt 15-18 tiêu chí; 10 xã đạt 10-14 tiêu chí; 2 xã
đạt 5-9 tiêu chí; 2 xã đạt dưới 5 tiêu chí.
Cùng với phong trào xây dựng NTM, phong trào thi đua phát triển kinh
tế được duy trì và phát triển thông qua việc nhân rộng các điển hình
kinh tế giỏi. Đến nay, toàn huyện có hơn 970 trang trại, 300 doanh
nghiệp và hợp tác xã, trên 11.500 cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, trên
1.200 tổ hợp tác hoạt động trong các ngành nông-lâm-ngư-TTCN. Các cơ sở
đã giải quyết việc làm hàng năm cho trên 2.600 lao động, qua đó thúc
đẩy nền kinh tế của huyện phát triển vững chắc; nhiều chỉ tiêu đạt và
vượt kế hoạch đề ra.
Trên lĩnh vực văn hóa, xã hội, phong trào thi đua “Dân vận khéo” được
triển khai đồng bộ cùng với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời
sống văn hoá”. Huyện Bố Trạch đã cụ thể hoá các nội dung của phong trào
thi đua để các tầng lớp nhân dân đăng ký xây dựng gia đình văn hoá,
làng, tiểu khu, cơ quan, đơn vị văn hoá. Nhiều địa phương, đơn vị đã có
nhiều mô hình “Dân vận khéo” như: “Gia đình không có chồng, con mắc tệ
nạn xã hội”, câu lạc bộ “Giáo dục pháp luật”, “Làng không ma túy”, “Xứ
họ đạo bình yên, gia đình hòa thuận”, “Mỗi hố rác, một cây xanh”, kết
hợp tổ chức cho nhân dân đăng ký tham gia thực hiện.
Qua đó đã dấy lên các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao,
bảo vệ môi trường, thu hút đông đảo các tầng lớp quần chúng nhân dân
tham gia. Năm 2009 có 72% hộ gia đình văn hoá; 20,4% làng, đơn vị văn
hoá. Năm 2014 toàn huyện có 77,3% hộ đạt gia đình văn hoá; 49,1% làng
văn hóa.
Đối với công tác giáo dục-đào tạo, huyện đã tập trung chỉ đạo xây
dựng cơ sở vật chất xây dựng trường chuẩn quốc gia. Đến nay toàn huyện
có 34 trường đạt chuẩn quốc gia, 100% trường học được kiên cố hoá. Các
phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”; phong trào “Kỷ cương, tình
thương, trách nhiệm”; phong trào “Nói không với bệnh thành tích trong
học tập và tiêu cực trong thi cử”, “Xây dựng trường học thân thiện, học
sinh tích cực” được nhiều trường cụ thể hóa thành các nội dung cụ thể để
mỗi giáo viên, học sinh đăng ký thực hiện, đã tạo ra phong trào thi đua
trong học tập và dạy học trên địa bàn.
Phát động sâu rộng việc thực hiện xã hội hoá giáo dục, các địa
phương, đơn vị đã xây dựng nhiều mô hình hoạt động hay như “Tiếng trống
khuyến học”, “Gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học”...; đồng thời hàng
năm phát động phong trào xây dựng quỹ khuyến học để thưởng cho học sinh
đỗ đạt cao, học sinh đỗ các trường đại học, cao đẳng nhằm động viên các
em tích cực tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu đạt thành tích cao hơn trong
học tập. Nhờ đó tỷ lệ huy động trẻ em đúng độ tuổi vào các cấp học được
bảo đảm, hiện tượng các em bỏ học giảm dần; học sinh thi đạt giải các
cấp hàng năm tăng lên, huyện đã giữ vững phổ cập tiểu học và trung học
cơ sở.
Trên lĩnh vực quốc phòng-an ninh, trong những năm qua huyện đã chỉ
đạo xây dựng và nhân rộng 19 loại mô hình bảo vệ an ninh trật tự hoạt
động có hiệu quả như: mô hình “Câu lạc bộ chồng con không vi phạm pháp
luật”, “Đội xe thồ tự quản”, “Tổ đoàn kết trên biển”, “4 giữ”, “Em yêu
đường sắt quê em”, “Họ đạo bình yên, gia đình hòa thuận”, “Đội thuyền
du lịch bảo đảm ANTT”...; đồng thời xây dựng một số mô hình mới như:
“Câu lạc bộ tuyên truyền pháp luật” tại xã Lý Trạch, xã Đức Trạch, xã
Thanh Trạch; “Thôn tự quản về ANTT” tại xã Xuân Trạch, “Tổ phối hợp Công
an viên-Thôn đội trưởng” tại xã Nhân Trạch... được nhân dân thực hiện
nghiêm túc, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong giữ gìn an ninh nông
thôn, từng bước xây dựng địa bàn bảo đảm về an ninh trật tự, an toàn xã
hội để phát triển bền vững.
Có thể nói, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã và đang trở thành
phong trào quần chúng mạnh mẽ, góp phần giải quyết những vấn đề xã hội ở
cơ sở, nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân trong việc xây dựng
Đảng, chính quyền vững mạnh. Qua 5 năm triển khai thực hiện, phong trào
thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn huyện Bố Trạch đã phát huy được tinh
thần đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trong nhân dân; huy động có hiệu
quả nội lực của toàn dân qua đó tổ chức thực hiện thắng lợi nghị quyết
Đại hội Đảng các cấp đề ra.
Các mục tiêu, chỉ tiêu về kinh tế-xã hội đạt và vượt mức kế hoạch, tỷ
lệ hộ nghèo giảm nhanh, cơ sở vật chất, hạ tầng được đầu tư khá toàn
diện, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, bộ mặt
nông thôn được đổi mới theo hướng công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn.
Hệ thống chính trị được củng cố vững chắc, sức mạnh khối đại đoàn kết
được tăng cường và phát huy tạo đà cho lãnh đạo, thực hiện các nhiệm vụ,
xây dựng huyện nhà phát triển nhanh, bền vững.
Nguồn: baoquangbinh.vn/ Thanh Hải, ngày 10/8/2015