Thứ Năm, 7/11/2024
Ấp Thanh Thủy - điểm sáng dân vận vùng biên
 
 Chi bộ ấp Thanh Thủy được xếp loại trong sạch vững mạnh nhiều năm qua

HUY ĐỘNG SỨC DÂN

Năm 2004, ấp Thanh Thủy được nhà nước đầu tư xây dựng một nhà văn hóa nhưng chưa có trang thiết bị đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân. Chi bộ đã ra nghị quyết giao Ban điều hành ấp vận động nhân dân đóng góp 26 triệu đồng để tu sửa nhà văn hóa và mua sắm thêm trang thiết bị. Đến nay, hệ thống loa, đài, âm ly, bàn ghế... đã được ấp đầu tư. Năm 2015, chi bộ ấp vận động các doanh nghiệp, người dân hai tổ 9, 10 cùng một số doanh nghiệp 30 triệu đồng để tu sửa con đường cấp phối sỏi đỏ từ hai tổ đến trước Trường tiểu học Thanh Bình B.

Hiện 6 tổ chức, đoàn thể của ấp đều có quỹ để tạo vốn xoay vòng giúp hội viên thoát nghèo, không tính lãi. Câu lạc bộ “Nam giới làm điểm tựa cho phụ nữ” thực sự là điểm sáng ở vùng biên giới. Câu lạc bộ có 84 hội viên do Ấp trưởng Đỗ Thành Tựu làm chủ nhiệm. Bằng cách huy động mỗi hội viên đóng góp 500 ngàn đồng để gây quỹ, đến nay câu lạc bộ đã có 42 triệu đồng. Kết hợp với vốn vay từ ngân hàng chính sách xã hội, nguồn quỹ trên là “cần câu” giúp thành viên nghèo vươn lên phát triển kinh tế. Hằng tháng, câu lạc bộ đều tổ chức sinh hoạt để trao đổi tâm tư, cùng nhau tháo gỡ khó khăn trong cuộc sống. Ngoài câu lạc bộ này, ấp Thanh Thủy còn nhiều tổ chức hội khác hoạt động hiệu quả.


PHƯƠNG PHÁP VẬN ĐỘNG

“Được lòng dân, tuyên truyền đạt mục đích là thành công bước đầu của công tác dân vận. Nhưng lấy được ý kiến của dân, nghe dân nói mới là thành công lớn nhất” - Ấp trưởng Đỗ Thành Tựu tự hào.

Ông Nguyễn Tiến Bộ, Bí thư Chi bộ ấp Thanh Thủy cho biết thêm: “Khi đã có nghị quyết, tổ dân vận họp, đề ra phương hướng, tính dự toán, sau đó họp dân lấy biểu quyết và thực hiện. Vì vậy mà khi thi công con đường ở 2 tổ 9 và 10 dài hơn 500m chỉ 15 ngày đã hoàn thành. Ngoài ra, các thành viên làm công tác dân vận luôn lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đồng thời tranh thủ tình làng, nghĩa xóm của mọi người dân trong ấp để thực hiện tốt nhiệm vụ chung. Những năm qua, chúng tôi hoạt động theo cách này và thấy rất hiệu quả”.  

Năm 2012, ấp có 24 hộ nghèo, đến nay chỉ còn 6 hộ. Tiêu biểu trong thoát nghèo là trường hợp của chị Đỗ Thị Thảo. Trước đây, gia đình chị là hộ nghèo của ấp, chồng bị câm, điếc bẩm sinh. Nhờ chăm chỉ, cần cù, anh chị dần tích lũy được đất trồng tiêu và cao su. Được tư vấn về kỹ thuật trồng tiêu, đến năm 2013, gia đình chị vươn lên trở thành hộ khá. Hơn 2 ha tiêu xanh tốt cùng căn nhà xây cấp 4 khang trang là thành quả vượt khó của anh chị trong thời gian qua.

Diện mạo của ấp Thanh Thủy đang thay da đổi thịt từng ngày. Nhiều năm qua, ấp luôn đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa; chi bộ nhiều năm đạt trong sạch vững mạnh. Đó là kết quả của bài học “nhân dân là gốc của cách mạng”. 

Nguồn: baobinhphuoc.com.vn/ Thanh Nga, ngày 26/8/2015


Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất