Thứ Năm, 7/11/2024
"Dân vận khéo" trong xây dựng nông thôn mới ở xã Hòa Hiệp

Trước đây, các tuyến đường nội thôn Mới (xã Hòa Hiệp) chỉ là đường đất gập ghềnh, nhỏ hẹp rộng chừng 2m, ảnh hưởng đến việc đi lại, sản xuất của người dân. Hưởng ứng Chương trình xây dựng nông thôn mới theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, chi bộ, ban tự quản, ban phát triển thôn, Mặt trận và các đoàn thể đã vận động người dân tự nguyện dỡ bỏ tường rào, hoa màu, đóng góp ngày công mở rộng đường theo tiêu chí nông thôn mới. Chị Hoàng Thị Phương, một người dân trong thôn cho hay: “Dù đã nghe nhiều về xây dựng nông thôn mới qua các phương tiện thông tin đại chúng nhưng lúc đầu, tôi cứ nghĩ đó là việc của Nhà nước, của địa phương, không liên quan đến mình. Chỉ đến khi họp dân, được tuyên truyền, giải thích cụ thể mới vỡ lẽ chính người dân là chủ thể. Vì vậy, gia đình tôi đã tự nguyện dỡ bỏ hàng rào lùi vào 1,5m, đóng góp 2,5 triệu đồng và 10 ngày công để mở rộng, bê tông hóa đường giao thông nội thôn. Nhìn con đường mới thẳng đẹp, đi lại thuận tiện, bà con ai cũng phấn khởi vì có phần đóng góp của mình”. Để có sự đồng thuận, cùng góp công sức, tiền của thực hiện chủ trương chung, người dân trong thôn đã được họp, góp ý kiến thảo luận về mức đóng góp, thi công, giám sát, nghiệm thu công trình. Ông Ngô Văn Sơn, Trưởng thôn Mới chia sẻ: “Chính việc phát huy, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, đồng thời lồng ghép phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, sống tốt đời đẹp đạo” với xây dựng nông thôn mới, tranh thủ tiếng nói của cha xứ để tuyên truyền, vận động bà con giáo dân đã khơi dậy được nguồn lực sức dân. Nhờ vậy, từ năm 2012 đến nay, 123 hộ dân thôn Mới đã đóng góp trên 1 tỷ đồng, hàng trăm ngày công, tự nguyện hiến đất để bê tông hóa hơn 2 km đường giao thông nội thôn và kéo điện chiếu sáng các tuyến đường”.

 
 Công tác “Dân vận khéo” được lồng ghép tuyên truyền ngay tại các cổng thôn văn hóa xã Hòa Hiệp (huyện Cư Kuin).


Bằng cách làm tương tự, các thôn, buôn khác trên địa bàn xã cũng đã huy động người dân góp tiền, công lao động, hiến đất mở rộng, bê tông hóa đường giao thông nông thôn theo tiêu chí nông thôn mới, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng, xây dựng nhà văn hóa cộng đồng… Không chỉ đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, người dân còn chú trọng nâng cấp, sửa chữa nhà ở, giữ gìn vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, phát huy những lễ hội truyền thống, loại bỏ dần các hủ tục... Nhờ vậy, bộ mặt nông thôn trên địa bàn xã ngày càng khởi sắc, đời sống người dân được cải thiện đáng kể.

Với đặc thù địa bàn có trên 92% đồng bào theo đạo, để người dân hiểu và đồng thuận tham gia xây dựng nông thôn mới là cả quá trình “Dân vận khéo”. Do vậy, Đảng ủy, UBND xã, Mặt trận và các đoàn thể đã chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo, trong đó công tác dân vận được đặc biệt quan tâm. Ông Đỗ Kim Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã, Phó Trưởng Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã, Phó Trưởng Khối Dân vận xã cho biết, công tác “Dân vận khéo” được thực hiện thông qua việc bàn bạc dân chủ ở các cuộc họp dân, phát huy vai trò chủ thể của người dân với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi”. Cán bộ ở các thôn đã thực hiện đúng tác phong dân vận “Gần dân, trọng dân, nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, tạo được sự đồng thuận cao nên nhiều việc tưởng khó khăn trong quá trình thực hiện đã sớm được tháo gỡ, giải quyết thành công. Tùy vào chức năng nhiệm vụ của từng tổ chức đoàn thể, Khối Dân vận xã đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền phù hợp với từng tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Trong mỗi buổi họp dân, chi bộ, ban tự quản các thôn, buôn trực tiếp điều hành cuộc họp, công khai kế hoạch thực hiện từng tiêu chí theo nguyên tắc tập trung dân chủ, nhân dân bàn và quyết định. Bên cạnh đó, Đảng ủy, chính quyền, khối đoàn thể đã xây dựng mối quan hệ gắn bó mật thiết, chặt chẽ và chú trọng phát huy vai trò, tiếng nói của chức sắc, chức việc tôn giáo trong công tác tuyên truyền, vận động người dân “Sống tốt đời, đẹp đạo”. Cách làm trên cũng được áp dụng trong việc vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần giảm hộ nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân.

Nhờ vậy, qua hơn 4 năm thực hiện chương trình, xã Hòa Hiệp đã huy động người dân đóng góp tiền, ngày công, vật tư với tổng trị giá trên 8,9 tỷ đồng, cùng với nguồn vốn Ngân sách Trung ương, tỉnh, huyện, xã và chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện đạt 15/19 tiêu chí và đang phấn đấu đạt thêm 4 tiêu chí gồm văn hóa, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở vật chất trường học, nhà ở dân cư để cơ bản hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới vào cuối năm 2015. Để đạt được mục tiêu này, theo ông Đỗ Kim Sơn, thời gian tới, bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước, cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể địa phương sẽ phát huy tốt hơn nữa vai trò, tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, tiếp tục thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở nhằm huy động tối đa sự đóng góp của người dân.

Nguồn: baodaklak.vn/ Nguyễn Xuân, ngày 15/9/2015

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất