Chủ Nhật, 12/1/2025
Sức mạnh "Dân vận khéo"
 
Cán bộ Đồn biên phòng Quảng Đức (Hải Hà) làm công tác vận động quần chúng nhân dân tham gia
tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự thôn, bản khu vực biên giới.

Giải quyết những việc mới, việc khó

Chỉ cách đây khoảng một năm, tỉnh lộ 337 đoạn đi qua phường Cao Xanh, TP Hạ Long vẫn được mệnh danh là “con đường đau khổ”. Bởi lẽ, đường bị xuống cấp nghiêm trọng. Mặt đường nhựa lún, nứt lỗ chỗ, nhiều nơi bị cày xới thành những ổ trâu, ổ voi gây nguy hiểm cho người đi đường. Đã thế, hai bên tỉnh lộ 337 không có rãnh thoát nước nên chỉ cần hơi mưa là nước đọng làm mặt đường lầy lội còn nắng lên thì bụi bặm, ô nhiễm… Tuy nhiên, đến nay những hình ảnh “đau khổ” đã không còn. Đường 337 đã thông thoáng với mặt đường nhựa láng mịn, lòng đường rộng từ 14-16m, vỉa hè, rãnh thoát nước hai bên cũng được đầu tư đồng bộ, khang trang. Trong khi đó, kinh phí làm đường lại giảm hơn 100 tỷ đồng so với dự kiến. “Kỳ tích” này có được chính là nhờ hiệu quả của mô hình Dân vận khéo “Vận động nhân dân hiến đất xây dựng công trình chỉnh trang đô thị, mở rộng, nâng cấp, xây cống thoát nước vỉa hè tỉnh lộ 337” của UBND phường Cao Xanh đã vận động 800 hộ dân tình nguyện hiến gần 13.000m2 đất ở, trị giá trên 100 tỷ đồng.

Đồng chí Nguyễn Công Huy, nguyên Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND phường Cao Xanh (nay là Trưởng ban Quản lý dự án TP Hạ Long) cho biết: Dự án nâng cấp mở rộng con đường này có từ năm 2004, nhưng do chi phí GPMB quá lớn, nên dự án chưa được triển khai. Cuối năm 2013, thành phố quyết tâm thực hiện dự án với phương châm Nhà nước đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nhân dân hiến đất. Để thực hiện được chủ trương này, phường Cao Xanh đã tổ chức làm công tác dân vận với trọng tâm là vận động cán bộ đảng viên, người có uy tín trong cộng đồng. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh liên tục 3 buổi/ngày; tổ chức các buổi toạ đàm với từng tổ dân theo hình thức trưng cầu ý dân hiến đất làm đường. Song song với đó, phường cũng thực hiện công khai minh bạch về quy hoạch, về dự án, về các hạng mục đầu tư… Với chiến thuật “mưa dầm thấm lâu”, đội ngũ cán bộ của phường Cao Xanh đã tuyên truyền, vận động làm thay đổi nhận thức của toàn bộ các hộ dân liên quan đến GPMB của dự án. Thay vì chờ đền bù, các hộ đã tích cực hiến đất làm đường, tình nguyện tháo dỡ các công trình liên quan. Đưa chúng tôi ra vỉa hè, chỉ vào gần mép đường, bà Nguyễn Thị Hồng, tổ 55, khu 4, phường Cao Xanh kể: “Nhà tôi trước kia nằm ra tận đây cơ. Năm ngoái, khi được cán bộ phường vận động hiến đất, tôi cũng tâm tư ghê lắm. Giá đất thì hơn 10 triệu đồng/m2 chứ có ít đâu. Thế nhưng khi hiểu được lợi ích lâu dài và thấy được trách nhiệm công dân của mình, tôi đã hiến gần 1/3 nhà để dự án sớm được triển khai, chung sức cùng Nhà nước làm đường. Đến giờ thì tôi càng thấy cán bộ nói đúng. Đường đẹp, giá đất lên, bà con chúng tôi không phải chịu cảnh đeo khẩu trang ở trong nhà. Cháu lớn đi học về quần áo trắng tinh. Đường có vỉa hè, chiều nào bà cũng đưa bé đi chơi được. Trước kia thì chịu. Tôi còn nhớ đám ma mẹ tôi còn phải lội đến bắp đùi…”.

Tương tự như thế, nhiều mô hình dân vận khéo ở khắp nơi trong tỉnh đã góp phần tập trung vào việc giải quyết thành công những việc khó, những việc mới nảy sinh trong đời sống có liên quan mật thiết đến quyền và lợi ích, tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Đặc biệt, đã làm thay đổi căn bản nhận thức của người dân trong GPMB thực hiện các dự án lớn. Thay vì “đòi càng nhiều càng tốt”, nhiều người dân đã tích cực hiến đất, hiến các công trình trên đất và hiến cả công lao động để làm đường, làm các dự án công cộng. Đơn cử như phường Cửa Ông, TP Cẩm Phả đã vận động nhân dân giải phóng mặt bằng dự án quy hoạch mở rộng khu di tích lịch sử văn hoá Đền Cửa Ông với quy mô 180.000m2, liên quan đến trên 40 hộ dân sinh sống và phải di dời giải toả vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán, vận động 120 hộ dân hiến gần 2.400m2 đất trị giá hàng chục tỷ đồng. Hay như mô hình “Vận động đoàn viên, thanh niên làm đường nội thôn” của Đoàn Thanh niên xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ liên quan đến vận động đoàn viên thanh niên và nhân dân tham gia đóng góp ngày công lao động làm đường nội thôn, đã vận động được trên 550 ngày công lao động, hoàn thành và đưa vào sử dụng tuyến đường dài 1,25km, rộng 3m… Đặc biệt, năm 2012, tập thể UBND phường Việt Hưng, thành phố Hạ Long được Ban Dân vận Trung ương tặng Bằng khen vì đã có thành tích trong hiến đất làm đường với giá trị trên 400 tỷ đồng…

Huy động sức mạnh từ dân vận khéo

Từ việc xây dựng mô hình “Dân vận khéo”, các đơn vị, địa phương đã đưa ra được nhiều giải pháp sáng tạo, cách làm hay và đúc kết được nhiều kinh nghiệm trong công tác dân vận, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, thúc đẩy thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Quang Điệp, Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ cho biết: “Thông qua phong trào thi đua Dân vận khéo, các cấp uỷ, chính quyền, các cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh đã xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Từ đó, huy động được sức mạnh to lớn từ trong dân để thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh”. Thực tế cho thấy, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong 5 năm qua được các cấp uỷ, chính quyền các tổ chức trong hệ thống chính trị quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện và được đông đảo các tầng lớp nhân dân đồng tình, hưởng ứng và tích cực tham gia. Các mô hình “Dân vận khéo” được xây dựng mang lại kết quả trong công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế; văn hoá - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị. Đặc biệt đã làm thay đổi nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thực hiện công tác dân vận. Cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, nắm chắc tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để “khéo” tập hợp, “khéo” vận động, tập trung vào giải quyết những việc khó, những việc mới phát sinh; xác định nội dung và lựa chọn hình thức phát động thi đua phù hợp với thực tế của địa phương, đơn vị.

Từ năm 2010 đến năm 2015, toàn tỉnh có 5.786 điển hình về dân vận khéo (cấp tỉnh 198, cấp huyện 1.992, cấp xã 3.596). Đây đều là các mô hình có tính bền vững, sức lan toả cao và có ảnh hưởng lớn đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Từ đó, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội; sản xuất, kinh doanh, làm giàu chính đáng, tích cực giải quyết các vấn đề khó khăn, bức xúc, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Đặc biệt, trong xây dựng nông thôn mới đã huy động được mọi nguồn lực trong nhân dân tham gia; hàng chục nghìn m2 đất, ngày công, giá trị thành tiền với hàng trăm tỷ đồng được tự nguyện hiến để sử dụng làm đường, nhà văn hoá, các công trình công cộng, mở rộng đường giao thông, xây dựng các công trình phúc lợi. Mô hình, điển hình về lĩnh vực văn hoá - xã hội đã góp phần xoá bỏ các hủ tục lạc hậu, hình thành nếp sống văn minh trong nhân dân; góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” góp phần vào đảm bảo quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Từ việc xây dựng mô hình “Dân vận khéo”, các đơn vị, địa phương đã đưa ra được nhiều giải pháp sáng tạo, cách làm hay và đúc kết được nhiều kinh nghiệm trong công tác dân vận, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, thúc đẩy thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.

Nguồn: baoquangninh.com.vn/ Hà Chi, ngày 3/9/2015


Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất