Từ
lời dạy của Bác “dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian
vừa qua phong trào Dân vận khéo trên địa bàn huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình đã được quan
tâm chỉ đạo triển khai mạnh mẽ, có sức lan tỏa sâu rộng và mang lại hiệu
quả thiết thực, nhất là đối với các mục tiêu xây dựng nông thôn mới của
địa phương.
Đến nay 17/17 xã,
thị trấn đã thành lập Ban chỉ đạo phong trào này, đồng thời chú trọng việc rà
soát, đánh giá hiệu quả từng mô hình cụ thể. Đồng chí Nguyễn Tiến Việt, Trưởng
Ban Dân vận huyện ủy cho biết: các cấp ủy đảng từ huyện tới cơ sở đã xác định
rõ việc tổ chức triển khai thực hiện phong trào thi đua, xây dựng và nhân rộng
các điển hình “dân vận khéo” là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, từ đó
chỉ đạo cơ sở thi đua và đăng ký xây dựng mô hình “dân vận khéo” trên các lĩnh
vực. Đặc biệt 100% khối dân vận cơ sở đã tham mưu cho cấp ủy đưa nội dung phong
trào thi đua “dân vận khéo” vào tiêu chí đánh giá thi đua cuối năm.
Nhờ cách triển
khai nghiêm túc với phương châm hướng mạnh về cơ sở, hiện nay toàn huyện đã có
173 mô hình, điển hình về “Dân vận khéo”, trong đó có 47 mô hình, điển hình
trong lĩnh vực phát triển kinh tế, 87 mô hình, điển hình trong lĩnh vực văn
hóa-xã hội… Theo đánh giá của Ban chỉ đạo huyện, các mô hình này đều đã có hiệu
ứng xã hội tích cực, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, nhất là việc huy động sự
tham gia tích cực của nhân dân hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới.
Điểm nổi bật trong triển khai phong trào này ở Yên Mô là việc chú trọng tạo
điều kiện và tổ chức cho nhân dân tham gia vào hầu hết các công việc xây dựng
nông thôn mới của địa phương. Thông qua các cuộc họp, các cuộc gặp gỡ ở từng
thôn xóm, cán bộ đã lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhân dân vào quy hoạch; tổ
chức cho người dân tham gia giám sát các dự án; trực tiếp vận động các hộ dân
thực hiện dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn gắn với chỉnh trang
đồng ruộng, đóng góp công sức, kinh phí, vật chất xây dựng cơ sở hạ tầng trên
tinh thần “nhà nước và nhân dân cùng làm”… Từ đó góp phần tạo nên sự đồng thuận
cao trong nhân dân, toàn huyện đã đóng góp được hơn 61 nghìn công lao động,
hiến gần 50 nghìn m2 đất, 16/17 xã thực hiện xong công tác dồn điền đổi thửa
gắn với chỉnh trang đồng ruộng. Ban Dân vận huyện ủy, MTTQ, các đoàn thể chính
trị xã hội, phòng nông nghiệp huyện đã trực tiếp giúp cấp ủy, chính quyền các
xã về đích nông thôn mới thực hiện các công trình, hạng mục, các tiêu chí nông
thôn mới để giúp các địa phương này đẩy nhanh tiến độ, đưa xã Yên Thắng hoàn
thành các tiêu chí, được công nhận xã nông thôn mới năm 2014, giúp 3 xã phấn
đấu về đích trong năm 2015. Từ thực tiễn triển khai phong trào này cũng đã xuất
hiện nhiều mô hình điển hình như “tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên và
nhân dân xã Yên Thái chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao ở
khu đa canh” (Hội CCB huyện), “xây dựng tổ hợp tác chăn nuôi” (Hội nông dân
huyện)…
Cùng với “dân vận
khéo” trong phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới, những năm qua huyện
Yên Mô cũng đã xây dựng được nhiều mô hình điển hình trên lĩnh vực văn hóa-xã
hội. Đáng chú ý là hoạt động dân vận khéo trong công tác nhân đạo, từ thiện đã
có sức lan tỏa nhanh, khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái, ý thức trách
nhiệm của cộng đồng, góp phần giảm bớt khó khăn cho nhiều đối tượng… Nhờ việc
huy động tài trợ từ các ngân hàng, doanh nghiệp, các quỹ, vừa qua đã có 12 phụ
nữ nghèo trên địa bàn, 9 hội viên cựu thanh niên xung phong được hỗ trợ xây nhà
tình thương cùng nhiều hoạt động ý nghĩa khác. Ngoài ra ở lĩnh vực này cũng đã
xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả như: “Gia đình, dòng họ hiếu học” (hội khuyến
học huyện), “Ngày thứ 7 sạch” (Hội phụ nữ xã Yên Thái)…
Nguồn: baoninhbinh.org.vn, ngày 31/10/2015