Chia sẻ bí quyết thành công trong công tác dân số - y tế tại địa phương, bà Phạm Thị Son – cộng tác viên dân số - y tế xã Thuận An (huyện Đăk Mil) – chỉ nói ngắn gọn 1 câu như thế.
|
Những chiếc huy chương này là sự ghi nhận những cống hiến không mệt mỏi của bà cho công tác dân số - y tế trong suốt 16 năm qua |
Nhưng chúng tôi hiểu, để có được sự tin yêu của người dân, 16 năm nay, bà đã kiên trì "đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà" để tuyên truyền cho nhân dân trong thôn Thuận Nam cách phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe, kế hoạch hóa gia đình…
Bà Phạm Thị Son sinh năm 1948, quê ở Thái Bình. Khi lập gia đình và sinh sống tại thôn Thuận Nam, bà và gia đình luôn gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Trong suốt 16 năm qua, bà luôn được tín nhiệm và đảm nhiệm các vị trí chủ chốt trong hệ thống chính trị ở địa phương. Bà đã từng làm chủ tịch Hội phụ nữ xã Thuận An, đại biểu HĐND xã, Ban chấp hành Hội cựu thanh niên xung phong tỉnh Đăk Nông. Không chỉ năng nổ trong các hoạt động phong trào, bà Son còn làm kinh tế rất giỏi. Mỗi năm, gia đình bà thu được 15-17 tấn cà phê nhân. Trong những năm 2004-2005 và 2012, bà Son đã được Ban chấp hành Hội nông dân Việt Nam tỉnh Đăk Nông chứng nhận danh hiệu gia đình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Bà Son luôn tương trợ, giúp đỡ hàng xóm láng giềng khi họ gặp khó khăn. Từ năm 2004 đến nay, bà đã cho vay 15 chỉ vàng và tiền, cà phê nhưng không lấy lãi để giúp họ phát triển kinh tế. Bà còn kết hợp với ban ngành, đoàn thể thôn thường xuyên thăm hỏi và hỗ trợ gia đình liệt sĩ, thương binh, gia đình có công với nước, người ốm đau, gặp tai họa, hộ nghèo bằng cả vật chất và tinh thần, động viên họ vươn lên trong cuộc sống.
Bà Son luôn tâm niệm rằng, nói phải đi đôi với làm, «Muốn bà con tin và làm theo mình thì bản thân mình phải gương mẫu ». Bà cho biết : « Là một y tế thôn, bản thân tôi cùng gia đình luôn nêu cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, kêu gọi mọi người tích cực tham gia dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm để khu dân cư luôn sạch sẽ, góp phần phòng chống dịch bệnh ». Hàng tháng, khi họp giao ban với trạm y tế xã, bà luôn kịp thời báo cáo tình hình dịch bệnh ở thôn để xã có hướng xử lý kịp thời và cập nhật thông tin mới về y tế để tuyên truyền cho người dân cách phòng tránh bệnh tật, bảo vệ và nâng cao sức khỏe.
Bà Trần Thị Minh Hương – Trạm trưởng trạm y tế xã Thuận An - nói : « Bà Son là một cộng tác viên y tế - dân số tận tâm và nhân hậu. Bà đã góp sức cùng chúng tôi để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngày một tốt hơn Mỗi lần đến chiến dịch tiêm chủng, bà Son đến tận nhà từng người trong thôn để nhắc nhở người dân đưa con em mình đi tiêm chủng cho đúng lịch. Đêm trước tiêm chủng, bà cẩn thận gọi điện thoại dặn dò từng gia đình có con trong độ tuổi tiêm chủng những việc cần chuẩn bị, những thủ tục cần đem theo… để đảm bảo cho bé được tiêm chủng an toàn và nhanh chóng. Nếu đến buổi tiêm chủng mà vắng bé nào, bà lại gọi điện thoại cho cha mẹ bé hoặc đến tận nhà để động viên cha mẹ đưa con em đi tiêm chủng. Bà làm mọi việc với tất cả tấm chân tình, giống như tình thương của một người bà dành cho đứa cháu ruột thịt của mình. Mỗi khi gia đình nào có người thân bệnh nặng hoặc vô tình gặp người bị nạn, bà và các con của bà đều giúp đỡ tận tình, thậm chí còn hỗ trợ một phần viện phí nếu gia đình đó quá khó khăn…».
Bà Son nói, điều làm bà vui và tự hào nhất không phải là chiếc huy chương « Vì sự nghiệp dân số » của Bộ Y tế trao tặng hay các bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe, Giám đốc Sở Y tế… cho những thành tích xuất sắc trong công tác y tế - dân số mà chính là những tình cảm yêu quý của người dân trong thôn dành cho bà. Đó mới chính là phần thưởng cao quý nhất cho những cống hiến không mệt mỏi của bà Son trong công tác y tế - dân số.
Nguồn: t5g.org.vn, Kim Nguyệt, 10/11/2015