|
Cán bộ Ban Dân vận Huyện ủy Trấn Yên trao đổi với đồng bào Mông xã Hồng Ca về hiệu quả
các mô hình dân vận ở địa phương. |
Không thể phủ nhận hiệu quả của các mô hình “Dân vận khéo” đã tạo ra sức lan tỏa rộng lớn, phát huy được tinh thần đoàn kết, sức sáng tạo và trách nhiệm của cả cộng đồng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở, đóng góp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nhìn lại 3 năm thực hiện Kế hoạch 53/KH-UB năm 2012 của Huyện ủy Trấn Yên không thể không vui khi mà sức lan tỏa mạnh mẽ của các mô hình “Dân vận khéo” đã tạo sự chuyển động lớn trong nhận thức và hành động của cả cộng đồng. Với việc sát sao và thường xuyên kiểm tra, rà soát các mô hình, đôn đốc cơ sở đăng ký thực hiện xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, từ 170 mô hình xây dựng được năm 2012, năm 2014, huyện Trấn Yên đã xây dựng và nhân rộng được trên 460 mô hình “Dân vận khéo”; hết năm 2015, 22 xã, thị trấn và 15 cơ quan trên địa bàn huyện đã xây dựng và nhân rộng được 530 mô hình “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh và xây dựng nông thôn mới (XDNTM); trong đó có trên 480 mô hình tập thể và gần 50 mô hình cá nhân về phát triển kinh tế.
Với cách làm sáng tạo, phù hợp điều kiện, đặc thù của từng địa phương, đơn vị, xuất phát từ chính nhu cầu, nguyện vọng thiết thực của quần chúng nhân dân, các mô hình “Dân vận khéo” đã tập hợp, phát huy được sức mạnh đồng thuận và trí tuệ tập thể của các tầng lớp nhân dân. Không dập khuôn máy móc, phong trào đã được các đơn vị, địa phương cụ thể hóa trở thành nhiệm vụ chính trị, thường xuyên của đơn vị, địa phương mình. Ví như Hội Phụ nữ huyện, sau 3 năm tham gia phong trào đã xây dựng được gần 300 mô hình “Dân vận khéo” gắn với nhiệm vụ trọng tâm của Hội, trong đó có gần 90 mô hình phụ nữ tự quản bảo vệ môi trường, 124 mô hình địa chỉ tin cậy tại cộng đồng.
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên lĩnh vực phát triển kinh tế đã huy động được sự tham gia tích cực của nhân dân. Nhiều mô hình hiệu quả, phát huy được tính chủ động, sáng tạo trong ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh, nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập, đi đúng định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hình thành vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo hướng hàng hóa của huyện. Qua đó giúp huyện xác định được đúng tiềm năng, thế mạnh, định hình được cây, con chủ lực trong phát triển kinh tế của từng vùng, từng địa phương như hình thành vùng sản xuất chè Bát Tiên, quế, măng tre Bát độ, sản xuất chế biến gỗ rừng trồng…
Xây dựng mô hình “Dân vận khéo” trong lĩnh vực XDNTM, Mặt trận Tổ quốc huyện và các đoàn thể đã lực chọn các nội dung cụ thể, thiết thực để tổ chức thực hiện. Trong đó, Đoàn thanh niên có chương trình “Tuổi trẻ Trấn Yên chung tay XDNTM”; Liên đoàn Lao động huyện có cuộc thi “Công đoàn chung tay XDNTM”…
Thông qua các mô hình “Dân vận khéo”, đã khuyến khích, huy động nhân dân tham gia đóng góp hơn 1 triệu ngày công lao động, tương đương 211 tỷ đồng; hiến trên 263 nghìn m2 đất, trị giá gần 7 tỷ đồng và đóng góp 79 tỷ đồng tiền mặt XDNTM. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, các chương trình lồng ghép và sự góp sức của các doanh nghiệp, với tổng nguồn vốn gần 600 tỷ đồng, sau 5 năm huyện Trấn Yên đã mở mới và kiên cố hóa được gần 300 km đường giao thông nông thôn.
Đặc biệt, việc duy trì và thực hiện có hiệu quả 32 mô hình “Dân vận khéo” tại các xã Báo Đáp, Tân Đồng, thị trấn Cổ Phúc, xã Việt Hồng, Việt Cường, Hồng Ca, Bảo Hưng…, đã đóng góp tích cực thúc đẩy nhanh tiến trình XDNTM trên địa bàn huyện tiến gần hơn tới đích thành công. Đến nay, huyện Trấn Yên đã có 3/21 xã đạt chuẩn nông thôn mới là Báo Đáp, Việt Thành và Tân Đồng; 9 xã đạt 10 - 14 tiêu chí; 8 xã đạt 7 - 9 tiêu chí…
Thực tế, hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã khích lệ nhân dân tích cực tham gia đóng góp trí tuệ, nhân lực, vật lực phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng, XDNTM cũng như thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Phó trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Trấn Yên chia sẻ: “Một trong những kinh nghiệm để phong trào “Dân vận khéo” phát huy hiệu quả, trước hết cần tới sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, trong đó vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đối với công tác dân vận phải thực sự được quan tâm, phối hợp chặt chẽ và triển khai thực hiện đồng bộ gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.
Mặt khác, việc lựa chọn xây dựng mô hình “Dân vận khéo” phải phù hợp với thực tiễn của cơ sở, thiết thực với nhu cầu và nguyện vọng của quần chúng nhân dân. Quan trọng là cần tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện, kịp thời biểu dương khen thưởng đối với những tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu để nhân rộng mô hình trên các lĩnh vực. Giai đoạn 2015 - 2020, phong trào thi đua xây dựng mô hình “Dân vận khéo” của huyện sẽ tiếp tục hướng đến tính thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, đơn vị nhằm xây dựng nền tảng phong trào vững chắc, tạo động lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI đề ra.
Nguồn: baoyenbai.com.vn, ngày 27/1/2016