Thứ Bảy, 11/1/2025
“4 cùng” để vận động nhân dân giữ gìn an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số
 
 Đại úy Sằn A Phật. Nguồn: dangcongsan.vn

Năm 2007, tốt nghiệp Học viện An ninh nhân dân, được phân công trở về quê hương công tác, anh thấy thật vinh dự nhưng trách nhiệm cũng rất nặng nề. Huyện Tiên Yên hiện có 9 dân tộc thiểu số, với 5.464 hộ, 25.473 nhân khẩu sinh sống rải rác ở 85 thôn bản. Đời sống kinh tế của nhân dân ở các xã vùng cao còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, những hủ tục lạc hậu trong ma chay, cưới xin vẫn còn tồn tại. Tình hình an ninh trật tự trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn tiềm ẩn nhiều phức tạp như: Tình trạng xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê; việc tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến đất đai trên địa bàn vẫn còn làm ảnh hưởng đến tình hình ANTT của địa phương... Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, anh luôn xác định, ngoài những kiến thức đã được học ở trường, bản thân phải tự nghiên cứu, tích lũy những kiến thức xã hội, những kinh nghiệm của đồng đội đi trước, đặc biệt, phải am hiểu phong tục, tập quán, nếp sống, sinh hoạt của bà con dân tộc thiểu số. Với nhận thức, nếu biết tiếng nói của bà con sẽ dễ dàng, thuận lợi trong quan hệ giao tiếp, tạo tâm lý gần gũi với bà con, từ đó có thể làm tốt công tác nắm tình hình, tuyên truyền, vận động bà con, anh đã quyết tâm học hỏi và đến nay, anh đã nói thông thạo 4 thứ tiếng dân tộc thiểu số là: Tày, Hoa, Sán Chỉ và Dao.

Kể về việc “4 cùng” với bà con các thôn bản dân tộc thiểu số, anh Sằn A Phật tâm sự: “Những lần lên bản, tôi đều dành nhiều thời gian chuyện trò, tâm sự, động viên các già làng, người có uy tín, dạy các cháu nhỏ học bài, giúp người dân làm nương rẫy, dần dần tạo mối quan hệ tình cảm thân thiết với bà con, tạo niềm tin để họ ủng hộ và sẵn sàng giúp đỡ tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ. Những người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc là những người được đồng bào tín nhiệm, họ có ảnh hưởng nhất định đối với cộng đồng dân cư, họ chính là sức mạnh nòng cốt của phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Qua trao đổi với những người có uy tín, quần chúng tốt, tôi đã nắm được việc chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách, công tác an ninh trật tự ở thôn bản”.

Nhờ thông thạo tiếng dân tộc thiểu số, anh đã nhanh chóng gần gũi, được dân tin yêu, giúp đỡ, nắm được nhiều tình hình ở cơ sở để tham mưu với cấp trên giải quyết các vụ việc phức tạp. Điển hình như năm 2013, qua nắm tình hình, phát hiện được một đường dây tổ chức số lượng lớn người địa phương xuất cảnh trái phép sang nước ngoài làm thuê, Công an huyện Tiên Yên đã tổ chức vây bắt gọn 50 người đều là người dân tộc thiểu số (Dao, Sán Chỉ, Tày) đang trên đường xuất cảnh trái phép. Trong quá trình lấy lời khai, các đối tượng rất ngoan cố, không khai đối tượng tổ chức đưa dẫn, nhiều trường hợp giả vờ không biết nói tiếng Kinh, không hợp tác... Bằng biện pháp nghiệp vụ, lại am hiểu tiếng dân tộc, chỉ trong thời gian 30 phút, anh đã tìm ra nút gỡ của vụ việc, buộc các đối tượng cầm đầu phải khai nhận toàn bộ sự việc, đối tượng tổ chức, đưa dẫn. Từ vụ việc trên, cùng với các biện pháp quyết liệt khác của Công an huyện và cấp ủy, chính quyền địa phương đã góp phần ngăn chặn tình trạng xuất cảnh trái phép sang nước ngoài ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Hoặc một vụ việc khác, vào tháng 4 năm 2014, 60 hộ dân tộc Dao thôn Khe Cát, xã Hải Lạng đã tự ý lấn chiếm trên 100ha đất lâm nghiệp của Công ty Thành Tín làm mất an ninh, trật tự tại địa phương. Đại úy Sằn A Phật đã cùng đồng đội tranh thủ người có uy tín, người có nhiều đóng góp, giúp đỡ và tạo công ăn việc làm cho người dân thôn Khe Cát; thực hiện “4 cùng” với dân (cùng làm, cùng ở, cùng ăn và cùng nói tiếng dân tộc). Chỉ sau một thời gian ngắn, anh và đồng đội đã vận động được toàn bộ 60 hộ dân thôn Khe Cát, xã Hải Lạng dừng việc lấn chiếm đất.

Nói về việc vận động trẻ em đến trường đi học, Đại úy Sằn A Phật cho biết: “Trước đây, việc bỏ học của trẻ em ở các xã vùng cao là chuyện thường diễn ra, là cán bộ người dân tộc, được ăn học tử tế, được về chính quê mình công tác, trong lòng tôi luôn suy nghĩ một nỗi niềm trăn trở là làm sao nghĩ cách vận động bố mẹ và thuyết phục các em đến lớp. Vì thế, mỗi lần chuẩn bị lên bản là tôi mang theo bánh kẹo với quân phục chỉnh tề. Ngồi chơi cùng các cháu, đứa thì thích quân phục của các chú công an, đứa đòi đội mũ kêpi, đứa mân mê cầu vai, ve hàm. Tôi mới mang chính câu chuyện của bản thân mình ra kể, từ hồi học lớp 4 đến hết lớp 9, thường mất nửa ngày đường đi bộ từ nhà ở xã Đại Dực xuống trường ở trung tâm huyện Tiên Yên để học. Nhiều lần đói, mệt, nản quá cũng muốn bỏ học, nhưng nếu bỏ học thì làm sao bây giờ được đứng trong hàng ngũ của lực lượng Công an. Bọn trẻ nghe xong thấy có vẻ rất thấm thía, chúng bảo nhau cố đi học... vì thích mặc quân phục Công an. Đã có nhiều trường hợp quyết tâm đi học và có kết quả như cháu Nình Mọc Sồi học hết lớp 3 định bỏ học, tôi vận động, động viên cháu, nay cháu đã học đến  lớp 11. Hay trường hợp anh Nình A Lộc mới được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch UBND xã Đại Dực...” 

Trong công tác vận động nhân dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng anh luôn chủ động tham mưu và phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa  phương vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng, củng cố cơ sở chính trị, tuyên truyền phổ biến cho đội ngũ người có uy tín, đồng bào dân tộc thiểu số về các chủ trương, chính sách, các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Trong những năm qua, anh đã phối hợp với các ban ngành vận động được  41/54 hộ dân hiến 38,1ha đất và tài sản trên đất phục vụ xây dựng Dự án hồ chứa nước Khe Cát, xã Hải Lạng. Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, anh vận động  được 7 hộ dân hiến trên 4000 m2 đất, vận động và huy động nhân dân tham gia trên 200 ngày công xây dựng tuyến đường nông thôn mới dài 5,1 km; vận động 14 hộ dân thôn Cống To, xã Tiên Lãng hiến trên 6000 m2 đất để xây dựng hồ chứa nước Cây Chám  phục vụ sinh hoạt và tưới tiêu cho thôn. 

“Gần dân, hiểu dân, được dân tin yêu, giúp đỡ thì việc hoàn thành nhiệm vụ giữ vững ANTT tại cơ sở được thuận lợi hơn” - Anh Sằn A Phật chia sẻ. Qua 8 năm công tác, anh đã quản lý trên 40 thôn bản; vận động trên 30 người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phối hợp với chính quyền và ban, ngành đoàn thể địa phương huy động được hàng trăm lượt người tham gia phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, tham gia vận động,  hòa giải, giải quyết hàng chục vụ việc mâu thuẫn nội bộ trong vùng đồng bào dân tộc... góp phần giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

“Tôi không coi những việc làm trên là thành tích hay chiến công, tôi chỉ biết đó là trách nhiệm, là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi cán bộ, chiến sỹ Công an phải làm. Tôi nghĩ rằng không chỉ riêng tôi mà nhiều chiến sỹ an ninh khác cũng đang ngày đêm bám bản, bám làng ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc với bà con, cùng giúp đỡ bà con từng việc làm nhỏ hàng ngày, để góp phần cho bà con có được cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc”... Đó là những lời tâm sự đầy tâm huyết và giản dị của Đại úy Sằn A Phật./.

Hoa Lê

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất