Thứ Hai, 18/11/2024
Người thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho đồng bào
Y Ró (người thứ ba từ phải sang) trao đổi kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây cà-phê với chị em phụ nữ làng Đác Ne, xã Măng Cành, huyện Kon Plông (Kon Tum).

Chị Y Ró cho biết: “Bà con đồng bào DTTS ở xã Măng Cành có thói quen làm được bao nhiêu thì ăn hết bấy nhiêu, không biết tiết kiệm, để dành. Đây chính là nguyên nhân làm cho nhiều gia đình đói nghèo, thiếu thốn quanh năm”.

Năm 2011, với tư cách là Chi hội trưởng phụ nữ thôn Đác Ne, Y Ró đứng ra vận động, hướng dẫn 22 chị em phụ nữ làng Đác Ne thành lập quỹ tiết kiệm bằng cách mỗi hội viên góp ít nhất từ 10 nghìn đến 50 nghìn đồng/tháng để giúp chị em lúc khó khăn. Để dễ nhớ, dễ kiểm soát số tiền đóng góp của chị em, Y Ró có sáng kiến đóng dấu vào cuốn sổ theo dõi, một con dấu tương đương 10 nghìn đồng để chị em không biết chữ đếm con dấu cũng biết được số tiền mình góp vào quỹ. Đến cuối năm 2011, quỹ tiết kiệm của Chi hội phụ nữ làng Đác Ne đã góp được 11 triệu đồng. Từ nguồn quỹ này, Chi hội đã bình chọn cho sáu chị em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vay để mua lợn giống về nuôi đem lại hiệu quả kinh tế. Kết quả ban đầu đã tạo sự phấn khích cho nhiều chị em ở các làng khác trong xã Măng Cành làm theo. Đến nay, quỹ tiết kiệm của Chi hội phụ nữ xã Măng Cành đã góp được hơn 30 triệu đồng cho hàng chục lượt chị em vay vốn phát triển sản xuất, giải quyết khó khăn trong gia đình.

Tháng 5/2015, chị Y Nim ở làng Đác Ne được vay 1,5 triệu đồng từ quỹ tiết kiệm, gia đình góp thêm 120 nghìn đồng nữa mua được bốn con heo về nuôi. Đến tháng 10, đàn heo phát triển được tám con, Y Nim đã bán bốn con được sáu triệu đồng. Ngoài ra còn có gia đình chị Y Ké, năm 2012, vay bảy triệu đồng từ quỹ hội, kết hợp với tiền vay từ ngân hàng (15 triệu đồng) để trồng cà-phê. Năm 2014 vừa qua, số tiền bán cà - phê thu được 25 triệu đồng. “ Hội viên nào muốn vay quỹ phải nói rõ được mục đích vay để làm gì. Đây vừa là biện pháp để bảo tồn quỹ, đồng thời cũng là phương pháp để giúp chị em nâng cao nhận thức” - chị Y Ró cho biết.

Cùng với phong trào tiết kiệm giúp nhau lúc khó khăn, chị Y Ró còn phát động xây dựng phong trào "Năm không, ba sạch” hưởng ứng xây dựng nông thôn mới trong toàn xã. (Năm không là không đói nghèo; không vi phạm pháp luật; không sinh con thứ ba; không bỏ học và không vi phạm các tệ nạn xã hội. Còn ba sạch là sạch bếp, sạch ngõ, sạch nhà). Chị Y Tuấn ở làng Đác Ne cho biết: “Nhờ có phong trào này mà nhiều gia đình ở các làng ăn ở vệ sinh hơn trước rất nhiều. Trước đây trâu, bò, heo thả rông, đường làng, sân nhà rông rất bẩn nhưng nay đã hết. Hằng tháng họp làng, bà con nhắc nhở nhau chăm lo sản xuất, ăn ở hợp vệ sinh; đua nhau trồng cà-phê, bời lời để thoát nghèo”.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Măng Cành A Phố, Đảng bộ xã Măng Cành đánh giá cao những việc làm thiết thực của Chi hội trưởng phụ nữ Y Ró. Đảng ủy xã đã thống nhất cho nhân rộng phong trào tiết kiệm này trong toàn xã. Ngoài phụ nữ, các đoàn thể khác như thanh niên, nông dân, mặt trận cũng có thể học hỏi phong trào này để áp dụng một cách phù hợp…

Từ những kết quả đạt được của xã Măng Cành, Hội Phụ nữ huyện Kon Plông đã nhân rộng mô hình phụ nữ tiết kiệm đến các xã khác trong toàn huyện. Với những việc làm thiết thực của mình, chị Y Ró vinh dự được bầu là một trong 18 gương mặt tiêu biểu của tỉnh Kon Tum vừa dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc năm 2015.

Nguồn: nhandan.org.vn, ngày 3/1/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi