“Dân vận khéo” là sự đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động trong công tác dân vận của Đảng, với những mô hình cụ thể, mang lại hiệu quả thiết thực ở từng cơ sở, nhằm tập hợp và đoàn kết rộng rãi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân tham gia phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững quốc phòng- an ninh, thúc đẩy thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương đơn vị mình…
Ngày hội của quần chúng
Trở lại quê hương Bắc Hưng (huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) sau nhiều năm xa cách, ông Nguyễn Văn Cường ngạc nhiên, con đường trục chính lầy lội trước cửa ngôi nhà thời thơ ấu ngày nào, nay trải nhựa phẳng lì, rộng 4 m. Khu đồng phía sau nhà không còn những mảnh ruộng nhỏ lẻ, mà đã quy vùng thành thửa lớn, máy cấy, máy cày hoạt động.
“Quê hương đổi mới nhiều hơn sự tưởng tượng của tôi”- ông Cường bồi hồi nhớ lại- trước đây, Bắc Hưng là xã yếu kém của huyện Tiên Lãng bởi nội bộ mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nguyên nhân chính là chưa làm tốt quy chế dân chủ. Lúc ấy, nhiều người dân thắc mắc: “Sao xã mình từng là địa phương đi đầu thực hiện chủ trương: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” của Thành ủy (1980), lại vi phạm quy chế dân chủ?”. Trở lại quê hương lần này, cảm nhận rõ nhịp sống sôi động xây dựng cánh đồng mẫu lớn, làm đường giao thông nông thôn. Những ngày xóm đổ bê tông mặt đường, vui như hội. Người dân hò nhau san mặt bằng, bê đá. Ở từng phong trào, đều thấy sự gắn bó giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân”.
Qua phong trào "dân vận khéo", nhân dân đóng góp ngày công lao động, hiến đất xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn. Mỗi tuyến đường rộng mở, bên cạnh nguồn hỗ trợ xi măng của thành phố, người dân địa phương góp hàng nghìn m2 đất, hàng nghìn ngày công. Những cánh đồng sản xuất hàng hóa thẳng cánh cò bay đều có sự đóng góp của người dân, hộ góp đất, người góp công; dồn đổi ruộng đất, cải tạo lại đồng ruộng...Nhiều con đường mới, cây cầu mới nối đôi bờ, cổng làng, chợ mới do những người con xa quê hương góp sức dựng xây. Nhân dân các xã trên địa bàn thành phố hiến 701.353 m2 đất các loại, đóng góp 163.000 ngày công, 12 tỷ đồng mở rộng đường làng, ngõ xóm, đường ra đồng, kênh mương. Con em các địa phương đi công tác và làm ăn xa đóng góp xây dựng quê hương 20 tỷ đồng; huy động vốn đầu tư của các doanh nghiệp vào phát triển sản xuất khoảng 315 tỷ đồng...
“Dân vận khéo” ở những khâu khó, việc mới
Theo đồng chí Bùi Đức Quang, Quyền trưởng Ban Dân vận Thành ủy Hải Phong, sau một thời gian thực hiện Quy chế dân chủ theo phương châm “ dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, phong trào dân vận ở Hải Phòng có chiều hướng chững lại. Hoàn cảnh lịch sử có sự thay đổi với cơ chế đổi mới, đan xen nhiều lợi ích, công tác dân vận, không thể áp dụng một mô hình cho mọi đối tượng. Năm 2010, Hải Phòng sáng tạo mô hình dân vận mới. “Dân vận khéo” là sự đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động trong công tác dân vận của Đảng, với những mô hình cụ thể, mang lại hiệu quả thiết thực ở từng cơ sở, nhằm tập hợp và đoàn kết rộng rãi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân tham gia phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững quốc phòng- an ninh, thúc đẩy thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương đơn vị mình…Đến nay, nhiều mô hình “Dân vận khéo” phát huy tác dụng, mang lại hiệu quả cao và có sức lan toả rộng, ảnh hưởng toàn diện mọi mặt của đời sống xã hội. “Khéo” trên lĩnh vực vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới đặc biệt tạo ra sức mạnh tập hợp quần chúng, tạo nên sợi dây bền chặt, gắn bó chính quyền địa phương với dân.
Tại hội nghị tọa đàm “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của chính quyền ở thành phố Hải Phòng”, đồng chí Nguyễn Thị Nghĩa, Phó bí thư Thường trực Thành ủy cho rằng, một trong những nhiệm vụ đột phá mà Hải Phòng đặt ra trong nhiệm kỳ 2015-2020 là về đích NTM. Do đó, công tác dân vận xây dựng NTM cũng cần có sự đổi mới mang tính đột phá. Các địa phương cần phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong xây dựng NTM bảo đảm phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân đóng góp, dân hưởng lợi”. Không thể có NTM nếu không phát huy vai trò chủ thể của nhân dân. Quá trình tổ chức triển khai phải bảo đảm dân chủ, công khai, phát huy trí tuệ tham gia của nhân dân trong từng công việc. Nhà nước có những định hướng cụ thể và ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, quan tâm công tác đào tạo cán bộ và hướng dẫn thực hiện các hoạt động cụ thể do chính cộng đồng dân cư bàn bạc, quyết định và tổ chức thực hiện. Thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa gắn với công khai, minh bạch, dân chủ theo phương châm “lấy sức dân để lo cho dân”, tạo nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình phúc lợi công cộng song song với việc chú trọng chăm lo, bồi dưỡng sức dân, duy trì nguồn lực bền vững cho phong trào, tránh huy động quá sức dân. Công tác dân vận phải đi vào những khâu khó, việc mới, những việc mà chính quyền khó khăn, lúng túng trong vận động sức dân. NTM Hải Phòng có bước phát triển đột phá hay không là nhờ vào sự đổi mới đột phá của phong trào dân vận.
Nguồn: baohaiphong.com.vn, ngày 16/2/2016