Thực hiện lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, 5 năm qua (2011 - 2015) Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận đã có những đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, đặc biệt là phong trào thi đua “Dân vận khéo” theo hướng gần và sát cán bộ, hội viên, nông dân.
Có thể khẳng định, phong trào thi đua “Dân vận khéo” của Tỉnh hội đã tạo sự đồng thuận và được các hội, cán bộ, hội viên nông dân đồng tình hưởng ứng tích cực. Nhiều phong trào thi đua được phát động với việc xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, có nội dung khá toàn diện. Đến nay, phong trào nông dân xây dựng nông thôn mới được các cấp hội đẩy mạnh; tiếp tục tuyên truyền hội viên, nông dân tham gia thực hiện 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nhất là triển khai Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 16/3/2011 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2011 - 2015 và tổ chức đăng ký giao ước thi đua “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới” do Chủ tịch UBND tỉnh phát động.
Kết quả 5 năm qua, các cấp hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân đóng góp tiền và công sức tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, tham gia xây dựng nông thôn mới. Hội viên, nông dân trong tỉnh đã đóng góp 33,179 tỷ đồng, trên 77.000 ngày công để làm mới và sửa chữa gần 650 km đường giao thông nông thôn, 675 km kênh mương nội đồng và 30 cầu, cống, 45 trường học; hiến hơn 10.000 m2 đất làm đường giao thông, chợ, trường học, trụ sở thôn... Điển hình như Hội Nông dân xã Đức Hạnh, Tân Hà (Đức Linh) vận động đóng góp 2,31 tỷ đồng làm đường giao thông và kéo 3 km đường điện vào tổ hợp tác trồng tiêu; Hội Nông dân xã Sông Phan (Hàm Tân) phối hợp Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã vận động 10 hộ hiến 7.000 m2 đất để làm đường giao thông nông thôn. Về cá nhân, có ông Mai Văn Chiến, hội viên nông dân Chi hội 3, ông Bùi Kiến Lập, Chi hội 2 xã Tân Phúc, huyện Hàm Tân hiến 400 m2 đất thổ cư trị giá gần 200 triệu đồng để mở rộng quốc lộ 1A; các ông Bùi Ngọc Lê (thị trấn Thuận Nam), ông Trần Văn Tánh (xã Hàm Thạnh), huyện Hàm Thuận Nam, ông Nguyễn Ngọc Đãi (phường Mũi Né, TP. Phan Thiết) thường xuyên giúp đỡ vốn (không tính lãi), tạo việc làm cho gần 100 hộ nghèo, tài trợ học bổng cho học sinh nghèo, ông Nguyễn Ngọc Tăng (xã Tiến Thành, TP. Phan Thiết) đóng góp và vận động đóng góp hơn 2,2 tỷ đồng để xây lắp đường điện trên 4km và đường giao thông nông thôn dài 1,2km.
Một số mô hình, điển hình tiêu biểu có thể kể đến là tập thể Hội Nông dân huyện Tuy Phong với mô hình “Mỗi người một việc tốt”; tập thể tổ tương trợ chi hội 3 của Hội Nông dân xã Đức Bình, huyện Tánh Linh với mô hình “Tổ tương trợ hội viên nông dân”; ông Trần Xuân An, cán bộ Hội Nông dân xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân; ông Lương Phát Bậu, hội viên Hội Nông dân thôn Lương Đông, thị trấn Lương Sơn, huyện Bắc Bình… là điển hình trong việc đầu tư đổi mới mô hình công tác “Dân vận khéo”…
Kết quả của phong trào thi đua “Dân vận khéo” 5 năm qua đã góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao vai trò trung tâm, nòng cốt trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới, tạo sự đoàn kết thống nhất trong hệ thống hội, sự đồng thuận trong cán bộ, hội viên và nông dân. Từ đó trở thành lực đẩy, đưa các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động của nông dân đạt hiệu quả toàn diện trong giai đoạn mới.
Nguồn: baobinhthuan.com.vn, ngày 28/1/2016