|
Bộ đội giúp dân thu hoạch tỏi ở Lý Sơn. (Ảnh: baoquangngai.vn) |
Nhằm tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả công tác dận
vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Đảng ủy Quân sự Tỉnh đã ban
hành Chương trình hành động 04-CTr/ĐU “Thực hiện Nghị quyết 49-NQ/QUTW
về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Quân đội trong tình hình
mới”. Trên cơ sở đó, các cấp ủy quán triệt, ra nghị quyết, xây dựng kế
hoạch, xác định hình thức, phương pháp thực hiện phong trào “Dân vận
khéo” phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và đặc điểm, tình hình trên địa
bàn. Trọng tâm là thực hiện tốt phương châm “nghe dân nói, nói dân hiểu,
làm dân tin”, nâng cao hiệu quả tham gia xây dựng cơ sở chính trị, phát
triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, tăng cường quốc phòng - an
ninh, phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn,... nhằm thực hiện tốt mục
tiêu “An dân, nắm dân, giành và giữ dân”, đấu tranh làm thất bại mọi âm
mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
Để phong trào “Dân vận khéo” đi vào nền nếp và mang lại hiệu quả cao,
Đảng ủy Quân sự Tỉnh chỉ đạo các cấp ủy thực hiện tốt phương pháp “kết
hợp tuyên truyền - vận động với thực tiễn hoạt động công tác dân vận ở
cơ sở”, đề cao tính gương mẫu, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, trước
hết là của chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy và cấp ủy viên phụ
trách; phát huy vai trò của Hội đồng quân nhân, các tổ chức quần chúng
và Tổ công tác dân vận. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ, duy trì thường
xuyên chế độ giao ban, hội ý, trao đổi thông tin, nắm tình hình với cấp
ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức, lực lượng đóng quân trên địa
bàn; luôn bám sát nhiệm vụ chính trị trung tâm, gắn thực hiện phong trào
thi đua “Dân vận khéo” với các phong trào, cuộc vận động do trên và địa
phương phát động, trọng tâm là phong trào “Lực lượng vũ trang Tỉnh
chung sức xây dựng nông thôn mới”, các cuộc vận động: “Phát huy truyền
thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, “Toàn dân đoàn kết
xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”,… bằng những mô hình, hoạt động
cụ thể. Hình thức thực hiện chủ yếu là thông qua kết nghĩa, phối hợp
hoạt động, nhận đỡ đầu, kết hợp dã ngoại với làm công tác dân vận. Việc
kết nghĩa được thực hiện theo phân cấp, từ cấp đại đội trở lên tổ chức
kết nghĩa với địa phương; Đoàn thanh niên, hội phụ nữ kết nghĩa với các
nhà trường, tổ chức chính trị - xã hội tương ứng.
Cùng với đó, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh yêu cầu các cấp thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho mọi quân nhân
về vị trí, vai trò, yêu cầu nhiệm vụ công tác dân vận trong tình hình
hiện nay. Bên cạnh thực hiện tốt Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính
trị tại đơn vị trong tình hình mới”, chương trình, nội dung, kế hoạch
giáo dục chính trị hằng năm theo quy định, các đơn vị tập trung giáo dục
cho bộ đội, trước hết là cán bộ, đảng viên nắm vững nội dung cơ bản
trong tư tưởng, phương pháp, tác phong dân vận Hồ Chí Minh, các nghị
quyết, chỉ thị, hướng dẫn của trên, của cấp ủy cấp mình về công tác dân
vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo”; nhiệm vụ đơn vị, đặc điểm,
tình hình địa bàn. Thường xuyên tổ chức thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở
cơ sở, Quy chế Công tác dân vận của hệ thống chính trị, Quy chế công tác
dân vận trong Quân đội, của Quân khu và Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh. Quá
trình thực hiện, kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền, giáo dục thường
xuyên với giáo dục theo chủ đề, chuyên đề, giữa chính khóa với ngoại
khóa; giáo dục tập trung với giáo dục theo đối tượng. Đồng thời, coi
trọng phát huy vai trò của các tổ chức, lực lượng và thiết chế văn hóa,
nhất là của tổ dân vận ở cơ sở, chi đoàn thanh niên, chi hội phụ nữ và
thực hiện giáo dục bộ đội qua giao ban, hội ý, giao nhiệm vụ, duy trì kỷ
luật, nền nếp tác phong quân nhân, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Cùng
với đó, các đơn vị đẩy mạnh việc kết hợp, phát huy thế mạnh của các
phương tiện thông tin, nhất là hệ thống pa-nô, áp phích, đài truyền
thanh nội bộ và tuyên truyền miệng, hội thi, sân khấu hóa,... để mọi tổ
chức, lực lượng, cá nhân thấy rõ “gắn bó máu thịt với nhân dân, giúp đỡ
dân là tự giúp mình”, là mạch sống, là truyền thống, chức năng, nhiệm vụ
của “Bộ đội Cụ Hồ”, của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Tỉnh.
Với tinh thần “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm
với dân”, “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”,…
lực lượng vũ trang Tỉnh tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị xã (phường, thị trấn) vững mạnh
và coi đó là nội dung trọng tâm của phong trào thi đua “Dân vận khéo”.
Theo đó, với nhiều phương thức khác nhau, các đơn vị đã phối hợp chặt
chẽ với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội địa phương nắm
chắc tình hình địa bàn, thống nhất nội dung, xây dựng kế hoạch, chọn
khâu đột phá, nhất là ở nơi khó khăn, phức tạp,… để tuyên truyền, vận
động nhân dân. Từ năm 2011 - 2015, lực lượng vũ trang Tỉnh đã phối hợp
với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể địa phương tổ chức
964 buổi tuyên truyền cổ động, thực hiện tốt “Ngày hội đoàn kết quân
dân”; tổ chức 350 buổi sinh hoạt chính trị ở 510 khu dân cư với hàng
chục ngàn người dân tham gia, v.v. Chủ động tham mưu với cấp ủy, chính
quyền các giải pháp nắm, đánh giá, nâng cao chất lượng xây dựng hệ thống
chính trị ở cơ sở, chú trọng các địa bàn trọng điểm, vùng đồng bào dân
tộc thiểu số, tôn giáo, vùng giáp ranh; kiện toàn, nâng cao chất lượng
cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, trọng tâm là chi bộ quân sự xã (phường,
thị trấn), chi đoàn dân quân và ban chỉ huy xã đội. Thường xuyên quan
tâm bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển đảng viên mới, cán bộ là con em các
dân tộc thiểu số trên địa bàn; phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền, các
đoàn thể giải quyết những mâu thuẫn trong nhân dân, những vấn đề liên
quan giữa địa phương với đơn vị3, v.v. Tăng cường công tác
đối ngoại quân sự, ngoại giao nhân dân, nhằm tiếp tục củng cố mối quan
hệ đoàn kết giữa nhân dân và lực lượng vũ trang Lào, Cam-pu-chia, chủ
động giúp bạn khi có khó khăn; tích cực phối hợp đấu tranh ngăn chặn các
loại tội phạm, làm trong sạch địa bàn, v.v. Những việc làm đó đã góp
phần làm cho 100% cơ sở xã (phường, thị trấn) trên địa bàn vững mạnh,
tạo cơ sở vững chắc để đẩy mạnh phát triển kinh tế, tăng cường quốc
phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, nâng cao đời sống nhân dân
trong Tỉnh.
Hiệu quả của phong trào “Dân vận khéo” còn thể hiện ở việc tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giúp dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Nắm vững đặc điểm, điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương,
Đảng ủy Quân sự Tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp với cấp ủy,
chính quyền các cấp cùng tham gia vận động nhân dân thực hiện nếp sống
mới trong việc cưới, việc tang và lễ hội, kế hoạch hóa gia đình, bảo đảm
an toàn giao thông, an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, vệ
sinh, an toàn thực phẩm, v.v. Bằng trí tuệ, công sức và kinh phí tự có,
lực lượng vũ trang Tỉnh đã tham gia có hiệu quả việc sửa chữa, làm mới
đường giao thông nông thôn, nạo vét kênh mương nội đồng, xây dựng công
trình phục vụ dân sinh, chống hạn, thu hoạch lúa ngập úng, chữa cháy
rừng, cứu hộ cứu nạn, v.v. Từ năm 2011 - 2015, lực lượng vũ trang Tỉnh
đã tham gia sửa chữa, làm mới 1.267 km đường giao thông nông thôn; nạo
vét 368,5 km kênh mương nội đồng; xây dựng 471 công trình dân sinh; cứu
55,4 ha lúa và hoa màu ngập úng; chữa cháy 113,7 ha rừng, hàng trăm
ki-lô-mét đường điện theo phong trào “Thắp sáng quê hương” của Mặt trận
Tổ quốc Tỉnh, v.v. Đối với những xã còn khó khăn như: Long Sơn (huyện
Minh Long) và Sơn Thượng (huyện Sơn Hà), Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã tập
trung xây dựng, nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ quân sự xã,
củng cố ban chỉ huy quân sự xã, lực lượng dân quân thường trực đủ sức
tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về công tác quân sự, quốc phòng địa
phương. Đồng thời, phân công các cơ quan, đơn vị lựa chọn mô hình “Dân
vận khéo”, tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm, nhân rộng để thực hiện tốt
hơn trong những năm tiếp theo. Ngoài ra, năm 2014, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy
Quân sự Tỉnh đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và
triển khai diễn tập vận hành cơ chế cho 06 huyện và diễn tập vận hành cơ
chế cụm xã chiến đấu gắn với xây dựng nông thôn mới, bằng cách tiết
kiệm 10% kinh phí để xây dựng 05 đường giao thông nông thôn, với chiều
dài 927m; bê tông hóa 01 kênh mương nội đồng, với chiều dài 120m; 01 nhà
văn hóa thôn. Thực hiện chủ trương của trên về làm điểm mô hình xây
dựng nông thôn mới, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã nhận đỡ đầu, xây
dựng xã Ba Chùa (huyện Ba Tơ) từ chỗ còn gặp rất nhiều khó khăn, đến
nay cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng được xây dựng cơ bản, khang
trang, đời sống nhân dân được cải thiện theo mô hình xã nông thôn mới.
Thông qua việc phối hợp với các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp địa
phương, lực lượng vũ trang Tỉnh đã đi đầu trong việc tham mưu, lựa chọn
phương thức hỗ trợ người dân về vốn, giống, kỹ thuật,… thực hiện tốt
chương trình “Xóa một hộ đói, giảm một hộ nghèo”, giúp 20 hộ trên địa
bàn thoát nghèo bền vững.
Một trong những vấn đề được các đơn vị thực hiện nền nếp là kết hợp hành quân dã ngoại với làm công tác dân vận.
Các đơn vị đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể,
“cùng ăn, cùng ở” với nhân dân để nắm chắc tình hình, phong tục, tập
quán, nhu cầu của đồng bào địa phương, từ đó xác định nội dung, chương
trình, kế hoạch, hình thức giúp dân một cách thiết thực. Trọng tâm là
hướng vào thực hiện tốt các hoạt động giúp dân xây dựng cơ sở hạ tầng,
vệ sinh môi trường, xây dựng hội trường, nhà văn hóa, trường học; khám,
chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho đối tượng chính sách, người
nghèo, dân tộc thiểu số, v.v. Trong quá trình hành quân dã ngoại, các
đơn vị đã tăng cường quản lý bộ đội, duy trì nghiêm kỷ luật dân vận,
thực hiện “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc” trong nhà
dân. Mô hình “Dân vận khéo” thể hiện rõ trong việc kết hợp hành quân dã
ngoại với làm công tác dân vận của lực lượng vũ trang Tỉnh, như: diễn
tập kết hợp với xây dựng đường giao thông nông thôn; diễn tập vận hành
cơ chế kết hợp với xây dựng “Nhà văn hóa thôn”, bê tông hóa kênh mương
nội đồng. Các phong trào: “Nồi cơm nghĩa tình”, “Nồi cháo tình thương”,
“Nồi cháo dinh dưỡng vì trẻ em nghèo” được thực hiện hằng tháng đã cấp
miễn phí cho bệnh nhân tại các trung tâm y tế huyện, Trung tâm khuyết
tật Võ Hồng Sơn, trường học của các cơ quan quân sự huyện có sức lan tỏa
mạnh, được các cấp, các ngành và nhân dân hưởng ứng tích cực, làm bớt
đi phần nào khó khăn trong cuộc sống cho người dân, bệnh nhân, các cháu
học sinh nghèo, các cháu khuyết tật.
Thực tế cho thấy, phong trào thi đua “Dân vận khéo” của cán bộ, chiến
sĩ lực lượng vũ trang Quảng Ngãi đã góp phần thiết thực tăng cường khối
đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố lòng tin của nhân dân với cấp ủy,
chính quyền, làm cho mối đoàn kết gắn bó quân - dân ngày càng bền vững.
Đại tá VÕ VĂN HƯNG, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh.
___________________
1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 6, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 234.
2 - Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh
đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; Nghị quyết
152-NQ/ĐUQSTW của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương)
và Nghị quyết 49-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về “Tiếp tục đổi mới và
tăng cường công tác dân vận của lực lượng vũ trang trong tình hình
mới”, trực tiếp là Nghị quyết 01-NQ/TVĐU của Thường vụ Đảng ủy Quân khu 5
về “Tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác dân vận của lực lượng vũ
trang trong thời kỳ mới”, v.v.
3 - Từ năm 2011 - 2015, thông qua hoạt động đã tham mưu cho cấp ủy,
chính quyền giải quyết 25 vụ khiếu kiện, phản ánh 130 ý kiến, tâm tư,
nguyện vọng của nhân dân, hòa giải 24 vụ mâu thuẫn và giải quyết một số
vụ việc có nguy cơ xảy ra điểm “nóng” liên quan đến đất đai, ô nhiễm môi
trường, bồi thường giải phóng mặt bằng ở các huyện: Tư Nghĩa, Bình Sơn,
Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, Mộ Đức.
Nguồn: tapchiqptd.vn, ngày 13/5/2016