Thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Đảng ủy, chính quyền xã Tam
Chung (Mường Lát, Thanh Hóa) đã vận động nhân dân các dân tộc trên địa bàn xóa dần
các phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa mới, tích cực
thâm canh tăng vụ và chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Nhờ vậy, đời sống vật
chất và tinh thần của người dân nơi đây ngày càng được nâng lên.
|
Chăm sóc rừng trồng tại xã Tam Chung. |
Xã Tam Chung có 5 dân tộc anh em cùng
sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc Mông chiếm trên 80%, còn lại là các
dân tộc khác; trình độ dân trí của người dân còn hạn chế, còn nhiều
phong tục, tập quán lạc hậu, đời sống của người dân chủ yếu sống dựa vào
nông nghiệp. Xác định công tác dân vận không phải dễ đối với một xã
vùng cao còn nhiều khó khăn, do vậy những cán bộ làm công tác dân vận
của xã đã thường xuyên bám sát cơ sở, gần dân, sát dân, nắm bắt tâm tư,
nguyện vọng cũng như những đề xuất, kiến nghị của nhân dân để có biện
pháp giải quyết phù hợp, kịp thời. Thực hiện phong trào thi đua “Dân vận
khéo”, xã Tam Chung đã phát huy vai trò của cán bộ chủ chốt, bí thư
chi bộ, trưởng thôn, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số
tuyên truyền nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách,
pháp luật của Nhà nước; vận động làm thay đổi nhận thức, trách nhiệm của
người dân trong việc thi đua lao động sản xuất. Nhờ vậy, đã góp phần
thúc đẩy nhanh quá trình xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế hiệu
quả trên địa bàn. Công tác dân vận khéo đã tập trung chú trọng công tác
chuyển giao khoa học - kỹ thuật, ứng dụng các mô hình khuyến nông,
khuyến lâm hiệu quả cho người dân trên địa bàn. Tiêu biểu như việc tổ
chức hàng chục cuộc tập huấn về phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm,
hướng dẫn người dân thâm canh các loại cây trồng cho năng suất, chất
lượng; xây dựng thành công các mô hình trồng ngô lai, trồng cỏ voi, chăn
nuôi bò lai sinh sản, đào ao thả cá... Từ chỗ chỉ cấy lúa 1 vụ/năm, đến
nay xã Tam Chung đã có 77 ha trồng lúa nước; 315 ha trồng ngô lai hai
vụ; tổng đàn trâu, bò gần 3.000 con, đàn lợn 1.800 con, từng bước cải
thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Sản xuất tiểu thủ công
nghiệp, thương mại - dịch vụ được duy trì và phát triển. Số hộ khá,
giàu ngày càng tăng, số hộ nghèo giảm qua các năm.
Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa -
xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác quốc phòng - an ninh được
củng cố vững chắc. Công tác xây dựng Đảng và củng cố hệ thống chính trị
cũng luôn được coi trọng, thường xuyên nâng cao năng lực lãnh đạo và
sức chiến đấu của tổ chức đảng; thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân
chủ trong Đảng và quy chế dân chủ ở cơ sở; tập trung trí tuệ, phát huy
nguồn lực của địa phương, nhiều chỉ tiêu, kế hoạch đã hoàn thành và hoàn
thành vượt mức trên giao. Đặc biệt, nhờ thực hiện tốt công tác tuyên
truyền, vận động nên các hộ dân ở xã Tam Chung đã thực hiện tốt phương
châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong tham gia xây dựng quy hoạch
đất đai, quy hoạch sản xuất, quy hoạch mạng lưới giao thông. Trong 2 năm
gần đây, người dân trong xã đã tự nguyện hiến hàng nghìn m2 đất, chặt
phá cây cối hoa màu làm nhà văn hóa thôn, bản và phục vụ dự án tuyến
đường Cân, Tân Hương đi Nhi Sơn; chung tay xây dựng nông thôn mới ở 2
bản Lát và Pom Khuông... Mọi chủ trương của huyện, của xã đều được nhân
dân bàn bạc, thảo luận, tham gia đóng góp ý kiến; đồng thời từ ý kiến
của nhân dân đã giúp cho cấp ủy, chính quyền các cấp nắm rõ hơn những
vấn đề bức xúc trong nhân dân, hiểu rõ những gì dân đang cần, chia sẻ,
tháo gỡ, tạo sự đồng thuận giữa người dân với cấp ủy, chính quyền.
Thời gian tới, để thực hiện tốt phong
trào thi đua “Dân vận khéo”, xã Tam Chung tiếp tục phát huy tính sáng
tạo, dựa vào cộng đồng để đẩy mạnh các phong trào thi đua. Lấy cán bộ,
đảng viên, người có uy tín tiêu biểu trong cộng đồng dân cư làm hạt nhân
để kết hợp phong trào thi đua “Dân vận khéo” với các phong trào thi đua
khác, làm cho phong trào thực sự có sức lan tỏa trong đời sống xã hội.
Có thể khẳng định, việc thực hiện tốt công tác dân vận và xây dựng mô
hình dân vận khéo ở xã Tam Chung đã góp phần đưa chủ trương của Đảng,
chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống; phát triển kinh tế -
xã hội; thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới; bảo tồn phát huy giá
trị văn hóa truyền thống; bảo đảm quốc phòng - an ninh, tạo điều kiện
thuận lợi hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Nguồn: baothanhhoa.vn, ngày 23/5/2016