Chủ Nhật, 29/12/2024
Ông Cam "dân vận"
Ông Cam luôn xác định phải gương mẫu, phải là người đi đầu để dân tin. Ảnh: L.V.N

Ông Cam bảo rằng, muốn làm cho dân tin vào Đảng, vào Nhà nước thì cán bộ cứ lắng nghe nguyện vọng của người dân rồi giải quyết cho họ từng việc dù nhỏ như “cái bờ rào” hay “cái ổ gà” thì sẽ được thôi. Với ông, không quan trọng là việc nào lớn, việc nào nhỏ, mà việc nào có ích cho cộng đồng, sát sườn với dân thì đều phải quan tâm giải quyết. Ông Cam “dân vận” luôn tâm niệm và hành động đúng như thế nên gần chục năm làm công tác dân vận, ông thực sự đã trở thành tấm gương tiêu biểu trong công việc vốn được xem là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” này.

Ông Cam vốn cũng không có kinh nghiệm về các công tác xã hội ngoài việc phụ trách công tác Đoàn khi còn theo học tại Trường Trung cấp Thương mại tại Đà Nẵng. Sinh ra ở mảnh đất Quảng Nam, năm 1984 ông khăn gói lên lập nghiệp tại Ayun Pa. Ông làm cho Công ty Thương mại Imexco đến năm 2007 thì về hưu và bắt đầu “bén duyên” với công tác dân vận từ khi làm Phó Bí thư chi bộ tổ dân phố. Và cũng từ đó, cái tên ông Cam “dân vận” được gắn với ông. Ông Cam chia sẻ: “Ban đầu, tôi cũng bỡ ngỡ lắm nhưng sau hiểu rằng, với người dân phần đông là nông dân và các hộ buôn bán nhỏ nên nếu cứ tuyên truyền khô khan về các văn bản, chỉ thị, nghị quyết thì chắc không… ăn thua. Nên tôi cứ đến từng hộ dân, lắng nghe xem họ thực sự muốn gì, rồi từ đó mình mới tháo gỡ khúc mắc và thuyết phục họ được”.

Ông kể, có lần thấy con đường dẫn vào xóm trại là đường đất, nắng thì bụi, mưa thì bùn lầy đi lại rất khó khăn, vất vả nhất là với các cháu học sinh nên ông đã đề nghị với phường xin hỗ trợ kinh phí để làm đường bê tông. Khi được phân bổ kinh phí, ông tiếp tục bàn bạc, thuyết phục bà con đóng góp thêm 56 triệu đồng để thi công 660 mét đường bê tông. Ngày con đường hoàn thành, ông Cam có lẽ là người hạnh phúc nhất bởi chứng kiến niềm vui của người dân trong xóm, thấy những đứa trẻ tung tăng nô đùa ông càng thấy rõ hơn ý nghĩa của việc mình làm.

Lần khác, đường Ngô Quyền được làm lại nhưng lại quá cao nên đoạn tiếp giáp giữa đường hẻm với đường chính trở thành vùng trũng, thường xuyên bị ngập úng. Những ngày mưa, xóm trại lập tức bị cô lập. Thấy vậy, ông lại đi vận động bà con đóng góp được 2 triệu đồng để san lấp, cải tạo khu vực này khiến con đường trở nên khô ráo và sạch đẹp. Ông cũng vận động các hộ chăn nuôi trong tổ xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải gia súc, ký hợp đồng đóng phí thu gom rác thải sinh hoạt, vận động bà con làm vệ sinh đường làng ngõ xóm, phát động phong trào “5 không, 3 sạch” để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan xanh-sạch-đẹp cho khu dân cư. Có một khoảng thời gian, người dân lén lút vứt rác bừa bãi ven đường gây mất vệ sinh, chính ông và các đoàn viên thanh niên đã nhiều lần xắn tay thu dọn. Người dân thấy vậy đã âm thầm cảm phục mà bảo nhau cần phải giữ gìn vệ sinh hơn.  

Ông Cam cho hay, một trong những điều cốt yếu của công tác dân vận là giải quyết được các mâu thuẫn và tranh chấp, đặc biệt là các tranh chấp liên quan đến đất đai. Trong thời gian qua, tổ dân vận do ông làm tổ trưởng đã nắm sát tình hình và hòa giải kịp thời 6 vụ tranh chấp đất đai giữa các gia đình; vụ khiếu kiện về việc xây dựng công trình trên đường mương thoát nước gây úng ngập cục bộ… Mỗi khi trong tổ có người mất, hoặc người bị mắc bệnh hiểm nghèo mà gia đình gặp khó khăn, ông Cam cũng đứng ra vận động bà con ủng hộ tiền bạc.

Vừa qua, ông Cam vinh dự đại diện cho thị xã Ayun Pa đi dự Hội nghị điển hình tiên tiến về công tác dân vận toàn tỉnh. Là gương điển hình cấp tỉnh, ông tự nhủ càng phải gương mẫu, phải là đầu tàu, nói phải đi đôi với làm, mà đã làm thì phải đúng lúc, khi đó người dân mới tin, mới nghe và làm theo.


Nguồn: baogialai.com.vn, ngày 28/11/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi