Sáng 30/11, Ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào thi đua và nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”; sơ kết đánh giá kết quả 3 năm thành lập và hoạt động của Tổ dân vận thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh.
|
Quang cảnh hội nghị |
Thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể trong tỉnh đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” và xây dựng mô hình “Dân vận khéo” phát triển rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Đến nay, các địa phương, đơn vị đã xây dựng triển khai thực hiện được 2.759 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; riêng năm 2016 có 1.155 mô hình được các địa phương lựa chọn duy trì nhân rộng và đăng ký mới làm cho phong trào phát triển ngày càng rộng khắp.
Từ những hiệu quả các mô hình của phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã có những tác động tích cực đến việc thực hiện Quy chế dân chủ gắn với cải cách hành chính; vận động nhân dân tham gia phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; công tác an sinh xã hội; tham gia xây dựng nông thôn mới; tham gia công tác bồi thường, tái định cư và giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư; tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn…
Đồng thời, cán bộ công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, chuyên môn được giao, lề lối làm việc, kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã thành lập 1.139 Tổ dân vận/1.138 thôn, tổ dân phố với hơn 10.430 thành viên. Đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận nhiệt tình, uy tín, gương mẫu, có trách nhiệm với dân, sống gần gũi với dân, được nhân dân tin yêu, quý mến, vì vậy hiệu quả công tác dân vận ngày càng được nâng cao.
Sau 3 năm đi vào hoạt động, các Tổ dân vận bước đầu đã đổi mới về phương pháp, cách thức tuyên truyền, vận động theo hướng cụ thể hơn, có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các tổ chức làm công tác dân vận trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước tại địa phương.
Những kết quả đạt được trong công tác dân vận thời gian qua đã góp phần phát huy dân chủ, tạo sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và sự đồng thuận xã hội để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.
Tại Hội nghị các đại biểu cũng đã thảo luận, đưa ra nhiều ý kiến góp ý, đề việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” và hoạt động Tổ dân vận thôn, tổ dân phố trong thời gian tới đạt được kết quả tốt hơn.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ trong thời gian tới, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Phạm Như Sô đề nghị cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân vận trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Chỉ đạo triển khai quán triệt, tổ chức việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với triển khai chương trình, hành động thực hiện Nghị quyết TƯ 7 (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”.
Nâng cao vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc nghiên cứu, tổng hợp và phổ biến những kinh nghiệm, cách làm hay, sáng tạo; nhân rộng và duy trì, phát triển bền vững các mô hình “Dân vận khéo” đã có; đồng thời, tập trung xây dựng các mô hình mới, thiết thực. Quan tâm chăm lo, xây dựng những nhân tố tích cực để xây dựng những điển hình “Dân vận khéo” có tính đặc thù, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức, đơn vị, địa phương.
Cùng với đó, các cấp ủy đảng tăng cường công tác chỉ đạo gắn với thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” với thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền phát động, duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dụng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trong từng cơ quan, đơn vị…
Đồng thời, Ban Thường vụ các Huyện, Thành ủy, Đảng ủy xã, phường, thị trấn tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, giám sát hoạt động của Tổ dân vận; chỉ đạo ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên của Tổ dân vận; xây dựng các mô hình hoạt động công tác dân vận từng khu vực, từng vùng miền nhằm phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động công tác dân vận trong thực tiễn.
Nguồn: baoquangngai.vn, ngày 30/11/2016