Chủ Nhật, 17/11/2024
Dân vận khéo ở Yên Định
 
Mô hình trồng ớt ở xã Yên Lâm đang phát huy hiệu quả kinh tế rõ nét. 

Để thay đổi được nhận thức của người dân mạnh dạn chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng hóa, trong đó chú trọng cây trồng hàng hóa vụ đông, khối dân vận xã đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân theo kiểu “đi từng ngõ, gõ từng nhà”. Cùng với việc hỗ trợ giống, hệ thống tưới, trợ giá nếu doanh nghiệp không bao tiêu hết sản phẩm, có cơ chế khen thưởng khuyến khích người dân các thôn tham gia... cán bộ, đảng viên, trưởng khối dân vận, trưởng các đoàn thể còn phải “miệng nói tay làm” cho nhân dân thấy được hiệu quả để tin và làm theo. Với phương pháp tuyên truyền, vận động “mưa dầm thấm lâu”, từ vụ đông năm 2012, nhân dân xã Yên Lâm trồng được 10 ha ớt xuất khẩu và ngày càng mở rộng qua từng năm. Đến vụ đông năm 2016, tổng diện tích ớt đạt 109 ha, giá trị thu nhập hiện nay đạt 1,4 tỷ đồng/ha/năm. Nhiều thôn trước đây vận động người dân chuyển đổi cây trồng rất khó thì nay 100% hộ đã tham gia trồng và vượt chỉ tiêu, được thưởng từ 20 đến 30 triệu đồng/thôn. Đồng chí Nguyễn Hồng Phong, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, trưởng khối dân vận xã, cho biết: Nếu chỉ vận động thôi chưa đủ mà phải phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, vận động người thân làm trước rồi đến người trong thôn, xóm cùng tham gia. Nói phải đi đôi với làm và làm đến đâu chắc đến đó. Nay nhân dân trong xã rất phấn khởi vì từ khi chuyển đổi mô hình trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ớt xuất khẩu, phát triển trang trại, đời sống người dân khấm khá hơn nhiều.

Xác định, “Dân vận khéo” vừa là phong trào vừa là phương pháp chủ lực trong công tác dân vận cơ sở để thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại mỗi địa phương, đơn vị, Ban Dân vận huyện ủy Yên Định đã bám sát sự chỉ đạo của Ban Thường vụ huyện ủy, phối hợp, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nội dung xây dựng mô hình “Dân vận khéo” gắn với xây dựng nông thôn mới, lồng ghép với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”... Qua đó định hướng cho đơn vị tổ chức lựa chọn, xác định nội dung phù hợp để đăng ký xây dựng và thực hiện. Trọng tâm dân vận khéo được thực hiện trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự và bảo vệ môi trường. Dân vận khéo gắn với xây dựng nông thôn mới đã huy động được sức mạnh và quyết tâm cao của hệ thống chính trị và toàn dân cùng tham gia. Nhất là thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nâng cao giá trị thu nhập. Huyện đã xây dựng được vùng lúa thâm canh năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, hình thành nhiều vùng trồng cây, con nuôi đặc sản hàng hóa có giá trị, như: ớt ngọt, ngô lai F1, lúa lai F1 ở các xã vùng Định; mô hình bưởi Diễn, cam canh, thanh long, hoa và các con nuôi đặc sản hàng hóa được mở rộng ở các xã vùng Yên... nâng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đạt hơn 130 triệu đồng/ha/năm. Dân vận khéo trong lĩnh vực văn hóa - xã hội đã góp phần thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn nét đẹp văn hóa, xóa bỏ dần các hủ tục lạc hậu. Hội viên, đoàn viên các tổ chức chính trị tích cực xây dựng các mô hình thực hành tiết kiệm, hỗ trợ, giúp nhau khi khó khăn, hoạn nạn, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Nhiều mô hình dân vận khéo trong công tác vệ sinh môi trường gắn với hoạt động của các tổ chức chính trị cũng được đẩy mạnh, như: Hội Nông dân thu gom rác thải, tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm; Hội Phụ nữ lồng ghép thực hiện dự án Choba xây được hơn 500 nhà tiêu hợp vệ sinh; Đoàn Thanh niên duy trì “ngày thứ 7 tình nguyện”... Việc kết hợp giữa nâng cao chất lượng công tác dân vận của chính quyền với xây dựng mô hình “Dân vận khéo” trong cải cách thủ tục hành chính, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân... đã tạo chuyển biến tích cực trong tư tưởng, hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao. Trong công tác dân tộc, tôn giáo nhờ có dân vận khéo đã đấu tranh, loại trừ tà đạo. Đồng bào dân tộc, các chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo tích cực hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước, đẩy mạnh sản xuất, giúp nhau giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa sống “tốt đời đẹp đạo”. Với những kết quả đó, dân vận khéo ở Yên Định đã đóng góp quan trọng vào thành công đạt huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh cuối năm 2015.

Đồng chí Quách Thị Hương, Trưởng Ban Dân vận huyện ủy khẳng định: Qua mô hình Dân vận khéo, nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị được nâng lên rõ rệt, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đây là cơ sở, nền tảng để Ban Dân vận huyện ủy cũng như khối dân vận xã, thị trấn tiếp tục bám sát thực hiện có hiệu quả trong những năm tiếp theo.

Nguồn: baothanhhoa.vn, ngày 05/01/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất