Thứ Năm, 26/12/2024
Tín hiệu vui từ phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở Nguyên Bình
 
Nhân dân xã Minh Thanh (Nguyên Bình) trồng cây thanh long cho thu nhập cao. 


Đã thử nghiệm một vài mô hình kinh tế nhưng chưa đạt hiệu quả như mong muốn, ông Đỗ Xuân Thắng, xóm Vũ Ngược, xã Minh Thanh (Nguyên Bình) tích cực nghiên cứu sách, báo, tìm mô hình kinh tế phù hợp. Sau khi nghiên cứu mô hình, điều kiện thực tế gia đình, được xã tạo điều kiện, tháng 9/2016, ông Thắng vay vốn từ Quỹ “Hỗ trợ nông dân” huyện cùng với số vốn của gia đình đầu tư nuôi 35 đôi chim bồ câu Pháp và gần 600 con gà thương phẩm. Đến nay, mô hình bước đầu mang lại hiệu quả. Ông Thắng cho biết: Có thể thấy, nuôi chim bồ câu, gà đẻ trứng là mô hình mới, có nhiều triển vọng, phù hợp với điều kiện của gia đình. Từ 600 con gà thương phẩm, tôi chọn lọc 150 con gà đẻ trứng, còn lại là gà thịt; trung bình mỗi ngày thu 90 - 100 quả trứng. Dự kiến đến năm 2019 - 2020, gia đình phát triển khoảng 700 - 800 cặp chim bồ câu cung ứng cho thị trường.

Không riêng gia đình ông Đỗ Xuân Thắng, đến Minh Thanh, chúng tôi cảm nhận được nhiều đổi thay, rõ nét nhất là sản xuất nông nghiệp đã từng bước theo hướng sản xuất hàng hóa. Chủ tịch UBND xã Minh Thanh Hà Văn Tiến chia sẻ:  Xã chỉ đạo các đoàn thể nghiên cứu, tìm hiểu thực tế để tham mưu xây dựng các mô hình “Dân vận khéo”, làm điểm để tuyên truyền, vận động người dân học tập, làm theo. Trong đó, tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất theo định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Cùng với ngô, lúa, phát huy lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, đến nay, nhân dân trồng thêm cây thuốc lá, thanh long. Trung bình mỗi năm xã trồng trên 30 ha thuốc lá, sản lượng trên 50 tấn; hiện, toàn xã có 11 ha cây thanh long, cho thu nhập hàng tỷ đồng/năm. Đời sống nhân dân được cải thiện, có điều kiện đóng góp công sức, tiền của xây dựng các công trình xã hội, góp phần thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở xã.

Cùng với công tác lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể của huyện, xã, Tổ dân vận ở các xóm, tổ dân phố phát huy hiệu quả “cầu nối” giữa dân với Đảng, góp phần củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân. Các tổ dân vận tập trung hướng về cơ sở, tăng cường vận động nhân dân tham gia phát triển kinh tế gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi... Giai đoạn 2011 - 2016, toàn huyện có 54 mô hình “Dân vận khéo” trên lĩnh vực kinh tế. Các mô hình huy động được cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia sản xuất, kinh doanh giỏi, làm giàu chính đáng, giảm nghèo ở địa phương.

Đặc biệt, thi đua “dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới đã tạo động lực mạnh mẽ, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, được các cấp, ngành, địa phương và nhân dân tích cực hưởng ứng, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, đời sống nhân dân được cải thiện. Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, chính quyền địa phương thực hiện công khai, minh bạch mọi nguồn đóng góp, kinh phí thực hiện công trình để nhân dân bàn bạc, giám sát mọi khâu thi công. Nhờ đó, địa phương thực hiện tốt công tác xã hội hóa, huy động sức dân thực hiện các công trình nâng cấp, tu sửa các tuyến đường nông thôn, làm nhà văn hóa…, với sự đồng lòng ủng hộ từ quần chúng nhân dân. Các địa phương có nhiều sáng tạo vận dụng các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới vào điều kiện cụ thể của địa phương và khả năng đóng góp của người dân, tạo sự chuyển biến rõ nét trong việc hướng dẫn, giúp đỡ người dân vươn lên làm chủ nông thôn và phát huy được vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới. Trong việc chỉ đạo xây dựng mô hình, các địa phương có cách làm, bước đi cụ thể, đưa ra các tiêu chí cơ bản và tiến hành khảo sát thực trạng trong từng hộ gia đình, từ đó, người dân dễ dàng tiếp thu và tổ chức thực hiện.

Phó trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Nguyên Bình Hoàng Thị Lê khẳng định: Trong quá trình thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Ban Dân vận Huyện ủy tích cực tham mưu với cấp ủy, tiến hành bàn bạc về cách làm, bước đi, lựa chọn nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền, vận động, chọn địa điểm chỉ đạo mô hình, gắn với kiểm tra, giám sát nên bước đầu đạt nhiều kết quả quan trọng. Nhiều mô hình, điển hình “dân vận khéo” trên các lĩnh vực được nhân rộng, lan toả trong xã hội, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương; làm chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác dân vận của Ðảng trong tình hình mới.

“Dân vận khéo” đã trở thành phong trào quần chúng mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết những vấn đề bức thiết của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, an ninh trật tự trên địa bàn. Để phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn được triển khai sâu rộng và mang lại hiệu quả thiết thực, huyện Nguyên Bình tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Tăng cường vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội trong việc nhân rộng, duy trì và phát triển bền vững các mô hình hay, cách làm sáng tạo cũng như biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân làm tốt.

Nguồn: baocaobang.vn, ngày 11/7/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi