Thứ Tư, 25/12/2024
Để hiểu rõ thêm hai chữ “Dân vận”

Dân vận là từ viết gọn của công tác vận động nhân dân. Nói cụ thể hơn: Dân vận là hoạt động của hệ thống chính trị vận động các tầng lớp nhân dân làm cách mạng. Công tác dân vận chính là toàn bộ hoạt động của Đảng ta nhằm xây dựng lòng tin, mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; vận động, thuyết phục, tập hợp, hướng dẫn mọi tầng lớp nhân dân tiến hành sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo. Trong Bài báo “Dân vận” đăng trên Báo Sự thật ngày 15 tháng 10 năm 1949, Bác Hồ đã viết: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và đoàn thể đã giao cho”.

Song vấn đề đặt ra ở đây là: Công tác dân vận không chỉ có hoạt động tuyên truyền, vận động trực tiếp nhân dân, mà còn có cả những hoạt động, vận động gián tiếp ảnh hưởng sâu sắc đến tâm tư, tình cảm và hành động của nhân dân. Dân vận chẳng những phải có người làm tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tập hợp tổ chức phong trào thi đua trong nhân dân. Điều này đã thường làm từ trước đến nay và rất cần thiết, phải thường xuyên coi trọng. Nhưng chưa đủ. Dân vận còn là những hoạt động không trực tiếp vận động nhân dân của các tổ chức trong hệ thống chính trị và hoạt động của cá nhân, nhưng lại ảnh hưởng làm thay đổi nhận thức, thay đổi hành động, củng cố niềm tin của người dân theo chiều hướng tiến bộ, cách mạng, như: Xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, Mặt trận, đoàn thể thực sự trong sạch vững mạnh, đề ra chủ trương, đường lối, cơ chế chính sách thực sự vì dân, do dân; xây dựng đội ngũ cán bộ đảng viên, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang thực sự là công bộc của dân, gương mẫu để nhân dân tin tưởng, noi theo… Những hoạt động không trực tiếp vận động này lại là yếu tố cơ bản, giải pháp cơ bản của công tác dân vận. Vấn đề chính đặt ra là: Muốn làm tốt công tác Dân vận, phải bám sát thực tiễn, nắm vững tình hình, cuộc sống, tâm tư nguyện vọng của nhân dân để nghiên cứu, đề ra các quan điểm, giải pháp cho công tác dân vận, vừa phải coi trọng tìm ra các giải pháp trực tiếp vận động nhân dân và cả các giải pháp về xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; giải pháp để có thể đề ra  đường lối, chủ trương, cơ chế, chính sách hợp với lòng dân và xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong sạch, vững mạnh để làm cơ sở căn bản cho các giải pháp trực tiếp tuyên truyền, vận động nhân dân tin, theo Đảng làm cách mạng.

Tư tưởng đổi mới nói trên đã được quán triệt và xuyên suốt từ mục tiêu, đến quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp được đề ra trong Nghị quyết số 25 về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”.

Để tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách và chiến lược lâu dài của công tác dân vận, của sự nghiệp cách mạng của Đảng, của đất nước, lần này Nghị quyết số 25 đã chỉ rõ mục tiêu cần tập trung vào 2 việc chính là: Củng cố vững chắc lòng tin, quan hệ máu thịt giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước; phát động, tổ chức thành phong trào rộng rãi trong nhân dân nhằm hoàn thành mục tiêu Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đề ra được mục tiêu là để cho các tổ chức trong hệ thống chính trị, các cấp, các ngành phải thực sự tăng cường và đổi mới toàn diện cả về quan điểm, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận và phải tích cực, sát sao phấn đấu không ngừng thì mới đạt được.

Về quan điểm, Nghị quyết đã nêu ra có những quan điểm rất quan trọng mà không phải là trực tiếp vận động nhân dân như:

Quan điểm thứ ba: “Phương thức lãnh đạo công tác dân vận của Đảng phải gắn liền với công tác xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Mọi quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước phải phù hợp với lợi ích của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu để nhân dân tin tưởng, noi theo”. Rõ ràng là chỉ có khi nào thực sự khắc phục được hạn chế yếu kém, xây dựng được tổ chức Đảng, Nhà nước, đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự trong sạch, vững mạnh thì mới củng cố vững chắc được lòng tin của nhân dân. Hay quan điểm thứ năm, có nội dung  nêu “Nhà nước tiếp tục thể chế hóa cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” thành quy chế, quy định để các tổ chức trong hệ thống chính trị; cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang thực hiện công tác dân vận…”. Nêu ra quan điểm này  để nói rõ: Công tác dân vận không phải là chỉ có trực tiếp đi vận động mà phải thể chế thành luật pháp và cơ chế, chính sách cho cả hệ thống chính trị và cán bộ đảng viên, công chức viên chức của Nhà nước thực hiện.

Về nhiệm vụ, giải pháp, Trung ương rất coi trọng những giải pháp cơ bản vừa tập trung giải quyết những yêu cầu cấp bách hiện nay và đáp ứng yêu cầu cơ bản lâu dài của công tác dân vận, của sự nghiệp cách mạng của Đảng là các giải pháp về xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước và thể chế, xây dựng thành luật pháp, cơ chế, chính sách.

Nhiệm vụ, giải pháp số 1 nêu: “Tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, cán bộ; tập trung giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc chính đáng của nhân dân; làm cho nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường mối quan hệ máu thịt của nhân dân với Đảng và Nhà nước”. Hay nhiệm vụ, giải pháp thứ 3 nêu: “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của các cơ quan nhà nước”. Nghị quyết còn chỉ rõ: “Thể chế hóa các quan điểm, chủ trương mới của Đảng về dân vận thành các văn bản pháp luật để các cấp chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân thực hiện. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các chính sách cụ thể đối với giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức, doanh nhân, thế hệ trẻ, phụ nữ, cựu chiến binh, người cao tuổi. Ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào định cư ở nước ngoài ổn định cuộc sống, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, hướng về Tổ quốc, đóng góp xây dựng đất nước; góp phần tăng cường hợp tác, hữu nghị giữa nhân dân ta với nhân dân các nước.”

Bàn và hiểu rõ hơn về hai từ “Dân vận” để tiếp tục nghiên cứu tiếp thu, nắm vững tư tưởng đổi mới về quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng ta về công tác dân vận đã được đề ra trong Nghị quyết số 25; từng bước khắc phục tư duy lối mòn mà không phải ít người đã mắc phải và nêu cao trách nhiệm, tập trung, sát sao, tích cực hơn với công tác dân vận./.

Nguyễn Duy Việt / Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương /Tạp chí Dân vận số 10/2014.


 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi