Tôi xin chia sẻ đôi điều suy ngẫm, chủ yếu liên quan tới triển vọng phát triển kinh tế - xã hội. Còn các lĩnh vực khác, tuy liên quan mật thiết với kinh tế, song cá nhân tôi không có khả năng đề cập.
Về triển vọng phát triển kinh tế - xã hội, điều gì sẽ đón đợi chúng ta ở phía trước; những gì sẽ kế tiếp, những gì sẽ khác biệt trong sự phát triển của đất nước cũng như trong cục diện thế giới so với gần 35 năm đổi mới vừa qua?
Liên quan tới tình hình trong nước, có thể khẳng định mạnh mẽ rằng, đất nước ta bước vào chặng đường mới với hành trang rất đáng tự hào. Riêng về kinh tế, thành tựu nổi bật là tốc độ tăng trưởng tương đối cao bất chấp những thách thức phát sinh từ cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực bùng phát năm 1997, khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu nổ ra năm 2008 và những trắc trở gần đây trong nền kinh tế thế giới; từ vị trí là một quốc gia ở trình độ phát triển thấp, nay nước ta đã gia nhập hàng ngũ các nước có thu nhập trung bình (tuy còn ở mức thấp); cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tỷ trọng nông nghiệp giảm dần, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ gia tăng; các lĩnh vực xã hội có những bước tiến đáng kể; quan hệ kinh tế đối ngoại mở rộng chưa từng có; đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp dân cư được cải thiện đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, tầng lớp có thu nhập khá giả ngày càng tăng...
Tuy nhiên, khi bước vào chặng đường mới, nền kinh tế nước ta sẽ phải đối mặt một số điểm yếu, như chất lượng, hiệu quả và năng suất chưa cao; quá trình chuyển đổi mô hình phát triển chưa như mong muốn, nền công nghiệp mới ở mức gia công là chính, tính bền vững chưa đạt yêu cầu; mặc dù tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể song khoảng cách giữa nhóm người giàu nhất và nhóm người nghèo nhất có phần doãng ra; môi trường sinh thái bị hủy hoại khá nghiêm trọng; “gien ngoại” chiếm tỷ trọng vượt trội quá mức trong cơ cấu kinh tế; tình trạng tụt hậu so với các nước có trình độ phát triển cao trên thế giới và khu vực chưa thu hẹp được bao nhiêu.
Các động lực tăng trưởng tương đối cao trong thời kỳ trước sẽ có nhiều thay đổi. Các nhân tố thúc đẩy tăng trưởng theo chiều rộng, như nguồn nhân lực, tài nguyên, vốn đầu tư... sẽ không còn như trước. Lợi thế về lao động dồi dào và rẻ cũng như về cơ cấu “dân số vàng” sẽ thuyên giảm, nguy cơ già hóa dân số cận kề, đòi hỏi về chất lượng lao động ngày càng cao trong khi tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ tự động hóa, người máy, trí tuệ nhân tạo... sẽ tác động đáng kể tới cơ cấu lao động nước ta.
Về tài nguyên thiên nhiên, ngay từ bây giờ sản lượng than đá đã không đáp ứng nổi nhu cầu trong nước và phải nhập khẩu, trữ lượng và sản lượng dầu khí không phải là dư dật, tài nguyên đất và nước cũng sẽ không còn như trước... Nước ta thuộc loại các quốc gia chịu tác động nghiêm trọng nhất của tình trạng biến đổi khí hậu, đó là chưa kể chiều hướng dịch bệnh lây lan nhanh ở người và động vật gia tăng, gây ra những hệ lụy chưa thể hình dung hết.
Về các nguồn vốn, một mặt, sự phát triển kinh tế sẽ tạo ra “cái bánh” to hơn, tầng lớp có thu nhập khá giả gia tăng sẽ kích thích tiêu dùng; mặt khác, nhu cầu đầu tư cả cho các mục tiêu kinh tế, xã hội lẫn an ninh, quốc phòng sẽ gia tăng đáng kể trong khi vốn ODA hầu như sẽ không còn vì theo thông lệ quốc tế, các nước có thu nhập trung bình không được coi là đối tượng hưởng thụ; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trước mắt sẽ có thể gia tăng do tính hấp dẫn của thị trường Việt Nam song cũng ẩn chứa không ít nhân tố bất trắc trong bối cảnh “rối ren” toàn cầu; trong những năm tới, nhiều khoản nợ sẽ tới hạn thanh toán cả gốc lẫn lãi...
Quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế nhiều thành phần đã tạo sức bật mạnh mẽ cho sự tăng trưởng trong hơn ba mươi năm qua; mọi thành phần kinh tế đều đã hiện hữu, trong đó kinh tế tư nhân được coi là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Thực tế mới này càng đòi hỏi phải đổi mới đáng kể động lực phát triển.
|
Trong nền kinh tế nước ta, mọi thành phần kinh tế đều đã hiện hữu,
trong đó kinh tế tư nhân được coi là một động lực quan trọng của nền kinh tế
(Trong ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Dự án tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast
tại Khu kinh tế Đình Vũ, thành phố Hải Phòng, năm 2017) _Nguồn: TTXVN
|
Chính sách “mở cửa”, hội nhập quốc tế vốn là một động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế trong thời gian qua. Với 16 thỏa thuận về hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký và đang đàm phán, bao phủ trên 1/2 dân số, sản lượng và thương mại toàn cầu, có thể nói, nền kinh tế nước ta thuộc loại “mở” nhất thế giới. Sắp tới, vấn đề không còn là mở rộng hơn nữa các thỏa thuận FTA mà là tận dụng tối đa những “mối lợi” từ các thỏa thuận đã có, đi đôi với việc thích nghi với những điều chỉnh luật chơi dưới tác động của chủ nghĩa bảo hộ.
Rõ ràng môi trường bên ngoài sẽ diễn ra nhiều thay đổi sâu rộng, trên nhiều mặt, mang tính bước ngoặt.Đây là câu chuyện lớn, hết sức phức tạp, đòi hỏi sự nghiên cứu, dự báo thấu đáo. Ở đây, chỉ xin chia sẻ đôi ba điều suy ngẫm:
Hơn ba thập niên qua, kinh tế thế giới vấp phải ba cuộc khủng hoảng bùng phát trong các năm 1986, 1997 và 2008. Tuy trong thập niên này chưa nổ ra khủng hoảng, song vài ba năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm sút, quan hệ kinh tế quốc tế rối ren. Vậy trong chặng đường sắp tới có nổ ra một cuộc khủng hoảng kinh tế rộng lớn nữa không? Đó là vấn đề lớn, đang được cả thế giới quan tâm theo dõi.
Thứ đến là câu chuyện xu thế toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại, đầu tư sẽ đi về đâu, trật tự kinh tế quốc tế sẽ thế nào khi xu hướng bảo hộ đang dâng cao, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc chưa có hồi kết?
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đưa tới những sự thay đổi sâu sắc cả về cơ cấu sản xuất, lao động, tiêu dùng, phân phối lưu thông lẫn lối sống, phương cách quản trị kinh doanh, quản lý nhà nước, giao dịch quốc tế, an ninh - quốc phòng... Nó vừa mở ra cơ hội chưa từng có đối với sự phát triển, vừa gây ra nhiều thách thức mà loài người chưa từng vấp phải, từ đó, sẽ ảnh hưởng sâu rộng tới chiều hướng phát triển của thế giới và cả nước ta trong những thập niên tới.
Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn không phải là điều gì mới mẻ mà đã diễn ra suốt hàng nghìn năm nay, liên quan tới sự thịnh - suy và tham vọng của họ. Chỉ có điều ngày nay và sắp tới, sự cạnh tranh đó ngày càng gay gắt, toàn diện: cả về sức mạnh và ảnh hưởng chính trị - an ninh lẫn kinh tế, khoa học - công nghệ, cả trên mặt đất lẫn trên biển, trên không và cả trên vũ trụ, ở cả Bắc cực lẫn Nam cực, sử dụng cả “sức mạnh cứng” lẫn “sức mạnh mềm”. Nói một cách khác, trật tự chính trị quốc tế đang chuyển dịch mạnh mẽ, vị trí, vai trò của các quốc gia không còn như trước, sự cạnh tranh ấy diễn ra trong cả quan hệ song phương lẫn đa phương, sự tập hợp lực lượng đan xen phức tạp, mâu thuẫn bùng phát ngay giữa các nước đồng minh, nhiều luật chơi bị thay đổi hoặc thách thức, các lò lửa căng thẳng âm ỉ hoặc bùng phát ở khắp các châu lục... Cục diện này lúc căng lúc dịu, nơi căng nơi dịu; hy vọng rằng nó sẽ không đưa tới một cuộc chiến tranh hủy diệt toàn cầu!
Tất cả những biểu hiện trên về cả kinh tế lẫn chính trị - an ninh ít nhiều đều ảnh hưởng tới nước ta, cần được theo dõi hết sức chặt chẽ, kịp thời dự báo và có phản ứng chính sách thích hợp.
Liên quan tới mục tiêu trong 5 năm, 10 năm và 25 năm tới,nên chăng gắn với đặc trưng thứ nhất của xã hội XHCN được trình bày trong Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đặc trưng này bao quát mọi mặt của cuộc sống, phản ánh khát vọng cơ bản và lâu dài của mọi người Việt Nam dù ở trong hay ngoài nước; có sức hấp dẫn rất cao đối với dư luận rộng rãi trên thế giới.
Năm nội hàm nêu trên đều có thể định tính, định hình, thậm chí cả định lượng; ngay nội hàm “công bằng”, “văn minh” cũng có thể thể hiện bằng một số chỉ tiêu định lượng. Tuy không đơn giản song có lẽ nên cố gắng phân kỳ: 5 năm đạt tới đâu, 10 năm làm được gì, 25 năm vươn tới bậc thang nào?
Nếu chiếu theo Cương lĩnh thì nên chăng tính đến việc hình dung xem 9 tiêu chí về xã hội XHCN mà chúng ta muốn xây dựng về đại thể sẽ đạt tới mức nào sau 100 năm Quốc khánh và 55 năm kể từ khi thông qua Cương lĩnh năm 1991.
Nói về mục tiêu, tôi muốn chia sẻ đôi ba suy ngẫm.
Một là, trong “gói” các chỉ tiêu, bên cạnh những chỉ tiêu về “lượng”, rất cần nêu ra một số chỉ tiêu quan trọng về “chất” như năng suất, chất lượng, hiệu quả, phát triển con người (HDI), tính bền vững, trong đó có chỉ tiêu thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo (GINI), môi trường sinh thái... để đánh giá và phấn đấu thực hiện.
Mặt khác, rất nên chọn một số chỉ số xếp hạng của các tổ chức quốc tế uy tín hàng đầu thế giới để theo dõi quá trình thu hẹp khoảng cách phát triển giữa nước ta so với các nước khác.
Trong một thế giới đầy biến động hiện nay, có lẽ không nên “chốt cứng” các chỉ tiêu mà nên coi chúng là mục tiêu phấn đấu và có thể cơ động, linh hoạt điều chỉnh tùy theo diễn biến tình hình. Riêng chỉ tiêu phổ cập là mức thu nhập bình quân tính theo đầu người trong 5 năm, 10 năm, 25 năm tới sẽ rất khác so với hiện nay. Làm thế nào để có thể gia nhập nhóm nước OECD, đạt trình độ phát triển cao, nên có sự nghiên cứu, đánh giá thật thấu đáo vì trong mấy thập niên qua rất ít nước đạt được mục tiêu này.
Khi xác định mục tiêu, có một vấn đề đáng suy ngẫm, đó là mục tiêu “biến nước ta về cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”. Tiếc rằng, mục tiêu này chưa trở thành hiện thực và Đại hội XII chỉ nêu chủ trương “sớm trở thành” nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nên chăng đi sâu đánh giá vì sao mục tiêu đó chưa thực hiện được? Ngày nay, trên thế giới các nước tiếp cận thế nào về câu chuyện này, kể cả các tiêu chí đánh giá?
Hai là, tôi cho rằng, ngày nay đã có nhiều thay đổi so với những năm 60 - 70 của thế kỷ trước khi vấn đề công nghiệp hóa được nêu cao với sự xuất hiện của một số nước công nghiệp mới (NIC). Vậy nay chúng ta nên tiếp cận thế nào? Có gì khác so với thời gian qua, chí ít là từ Đại hội VIII (năm 1996) tới nay?
Về phương cách đi tới các mục tiêu mong muốn, cục diện mới ở trong và ngoài nước đều đòi hỏi phải cơ cấu lại mạnh mẽ hơn nữa nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng chủ yếu từ chiều rộng sang chiều sâu là chính, tận dụng tối đa những cơ hội mới do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại, bảo đảm tốt hơn nữa yêu cầu phát triển bền vững, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như dịch bệnh trên người và động - thực vật, gia tăng nội lực...
Những chủ trương này không có gì mới và đã được nêu trong các nghị quyết của Đảng và chính sách của Nhà nước song tiếc rằng, sự chuyển biến trên thực tế còn chưa đáp ứng mong đợi. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 11 khóa XII đã yêu cầu đi sâu phân tích, đánh giá tình hình thực hiện các nghị quyết đã có, chỉ ra những nguyên nhân, từ đó xác định những gì cần kế thừa, những gì cần bổ sung, phát triển...
Ba là, về các khâu đột phá chiến lược, bên cạnh ba khâu đã được nêu ra trước đây về “đổi mới thể chế”; “đổi mới giáo dục, đào tạo” và “xây dựng kết cấu hạ tầng” nên chăng bổ sung thêm khâu “đẩy mạnh cuộc cách mạng khoa học - công nghệ”, một nhiệm vụ có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của nước ta trên các chặng đường sắp tới.
|
Đẩy mạnh cuộc cách mạng khoa học - công nghệ - một nhiệm vụ có ý nghĩa quyết định
đối với sự phát triển của đất nước _Ảnh: Tư liệu
|
Thực ra, khoa học - kỹ thuật/công nghệ đã từng được coi là “then chốt”, là “quốc sách hàng đầu”, có thời “kinh tế tri thức” và phương châm “đi tắt đón đầu” đã được đề cao. Mặc dầu trong lĩnh vực này đã có những sự đổi mới và đã đạt được những thành tựu nhất định song chưa được như kỳ vọng. Dường như sự đổi mới thể chế trong lĩnh vực khoa học - công nghệ chưa theo kịp sự đổi mới trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội; hơi hướng của cơ chế tập trung, bao cấp còn đọng lại khá nhiều; việc xử lý các mối quan hệ giữa các tiền đề cần thiết và kỳ vọng, giữa chủ trương chung và cơ chế, chính sách cụ thể, giữa điểm và diện, giữa lượng và chất về nguồn nhân lực và bộ máy... chưa thật thỏa đáng.
Trong tình hình và yêu cầu mới, ngày 29-9-2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chắc rằng nội dung cơ bản của Nghị quyết sẽ được phản ánh trong các văn kiện Đại hội và hy vọng rằng, Đại hội sẽ vạch rõ những biện pháp hữu hiệu mang tính đột phá để khắc phục những trở ngại đối với sự phát triển bứt phá về khoa học - công nghệ.
Còn đối với ba khâu đột phá khác đang được thực hiện, Đại hội cần chỉ ra những việc trọng yếu đã nêu song chưa làm tốt và nhất là những nhiệm vụ mới do cuộc sống đặt ra. Ví dụ, đối với khâu “đổi mới thể chế”, nên chăng không bó hẹp trong lĩnh vực kinh tế mà nêu nhiệm vụ cụ thể hóa và thể chế hóa chủ trương bao trùm là “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” - một chủ đề được thường xuyên bàn thảo suốt từ Đại hội VII (năm 1991) tới nay song vẫn chưa có được nhận thức thống nhất. Về kinh tế - xã hội, các văn bản pháp quy hiện có đã bao quát hầu hết các lĩnh vực; trong thời gian tới, đi đôi với việc mở rộng “độ bao phủ” đối với các lĩnh vực cũ hoặc mới phát sinh chưa được điều chỉnh, nên chăng chuyển trọng tâm sang “chiều sâu”, đồng bộ hóa các văn bản pháp quy đã có theo cả “chiều dọc” giữa luật - nghị định - thông tư cũng như “chiều ngang” giữa các văn bản pháp quy liên quan nhằm giải tỏa các điểm chồng chéo, mâu thuẫn, thậm chí triệt tiêu lẫn nhau. Điều này đòi hỏi phải đổi mới hơn nữa quy trình xây dựng pháp luật, hạn chế tình trạng “cài cắm” lợi ích cục bộ của cơ quan soạn thảo, thậm chí “lợi ích nhóm”.
Ngày nay, mọi thành phần kinh tế đều được khuyến khích làm ăn, trong nhiều trường hợp các thành phần hợp tác với nhau, tạo nên nền kinh tế “hỗn hợp”. Do đó, việc “cởi trói”, “bung ra” không còn là động lực mạnh mẽ như trước, vì thế, phải chăng việc tạo dựng “sân chơi” bình đẳng, tự do làm ăn trong mọi lĩnh vực luật pháp không cấm mới là điều doanh nghiệp mong muốn?
Về khâu đột phá liên quan tới lĩnh vực giáo dục - đào tạo, có lẽ cần mở rộng thêm khái niệm. Bên cạnh việc đẩy mạnh hơn nữa công cuộc đổi mới một cách cơ bản và toàn diện nền giáo dục mà hiện nay còn khá ngổn ngang, bộn bề, công cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế số đòi hỏi phải đào tạo và đào tạo lại mọi người, từ cán bộ tới dân thường. Làm sao “chính phủ điện tử” có thể vận hành thông suốt nếu tất cả cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị, kể cả các chức danh lãnh đạo - quản lý không thông thạo công nghệ thông tin? Làm sao các “thành phố thông minh” có thể phát triển nếu mọi công dân không thành thạo công nghệ số?
Và nữa, để có thể cạnh tranh về chất lượng, năng suất với các quốc gia khác thì máy móc, thiết bị hiện đại và kiến thức, kỹ năng của nguồn nhân lực mới chỉ là điều kiện “cần” song chưa “đủ” nếu không tạo dựng được “văn hóa làm việc” chỉn chu, kỷ luật.
Đó là chưa kể ngày nay, ai ai cũng lo ngại trước những biểu hiện đáng báo động về sự sa sút đạo đức, lối sống, nhiều giá trị quý báu trong bản sắc văn hóa dân tộc bị lãng quên. Kinh tế phát triển nhưng giá trị văn hóa bị hủy hoại thì lấy đâu ra “xã hội công bằng, văn minh”? Nên chăng mở rộng phạm vi để có thể bao quát mọi lĩnh vực “xây dựng con người” - một nhân tố mang tính quyết định đối với sự phát triển của đất nước.
|
Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước
(Trong ảnh: Thành phố Hồ Chí Minh nhìn từ khu vực cảng Sài Gòn) _Ảnh: Tư liệu
|
Đối với khâu phát triển kết cấu hạ tầng thì ngoài việc hoàn tất những dự án lớn về đường bộ, đường không đã có quyết định thì việc cơ cấu lại hệ thống giao thông, nâng cao đáng kể ngành vận tải biển và đường sắt cũng như truyền tải điện, phòng, chống thiên tai và biến đổi khí hậu, xây dựng hạ tầng mạng sẽ là những đòi hỏi không thể chậm trễ.
Sự phát triển của đất nước trên những chặng đường sắp tới đặt ra muôn vàn vấn đề rộng lớn, phức tạp. Với lượng thông tin và kiến thức còn hạn chế, với tư cách là một đảng viên và người dân, tôi xin mạnh dạn chia sẻ một số suy ngẫm riêng tư với hy vọng các cơ quan có trách nhiệm có thể tìm ra được đôi ba điều hữu ích./.
Vũ Khoan, Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ/tapchicongsan.org.vn