Chủ Nhật, 19/1/2025
Nữ doanh nhân góp ý kiến vào Dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng

 


Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục khẳng định vai trò nòng cốt chính trị của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, trong đó có Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong phát huy quyền làm chủ của nhân dân thông qua cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ". 

Nội dung này không chỉ là giải pháp nhằm phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội nói chung, mà còn là định hướng để hoàn thiện thể chế thực hiện quyền công dân theo Hiếp pháp 2013. Đây cũng chính là kim chỉ nam để Hội làm tốt hơn nữa vai trò cầu nối giữa nhân dân với Đảng, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ, trẻ em.

Để tiếp tục thực hiện trách nhiệm với Đảng, với phụ nữ, với nhân dân; Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức hội thảo góp ý Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII với chủ đề "Kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và tham gia các Hiệp định thương mại - Vai trò, sự đóng góp của phụ nữ và Hội LHPN Việt Nam".

Đây là Hội thảo thứ 2 trong 4 hội thảo Hội LHPN Việt Nam tổ chức để lấy ý kiến các nhóm: (1) nữ doanh nhân, (2) nữ trí thức, (3) các chuyên gia và (4) hội viên phụ nữ; làm cơ sở để tập hợp các ý kiến đóng góp vào dự thảo Văn kiện đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Khai mạc hội thảo, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga, cho biết: Trong phát triển kinh tế, lao động nữ đã và đang đóng góp rất lớn vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước với lực lượng hơn 50,2% dân số cả nước, khoảng 71,24% phụ nữ tham gia lực lượng lao động, cao hơn mức trung bình thế giới. Ở Việt Nam, doanh nghiệp do nữ làm chủ tăng nhiều trong những năm qua, từ 4% năm 2009, lên 21% năm 2011, và đến nay đạt tỷ lệ 25%, cao nhất Đông Nam Á và xếp thứ 19/54 trong bảng chỉ số xếp hạng Chỉ số nữ doanh nhân.

Về vai trò của phụ nữ và thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, theo Báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2017, nếu khoảng cách giới trong thị trường lao động thu hẹp 25% vào năm 2025, GDP toàn cầu sẽ tăng thêm 5.3 ngàn tỷ đô la Mỹ. Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) cũng đưa ra thông tin từ kết quả nghiên cứu, đó là, các công ty trong Top 25% doanh nghiệp đa dạng về giới đạt lợi nhuận cao hơn 15% so với chỉ số bình quân ngành. Đây là hai trong số rất nhiều minh chứng về tiềm năng của phụ nữ tham gia vào lĩnh vực kinh tế.

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam bày tỏ mong muốn các nhà nghiên cứu, chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước các doanh nhân nữ tham gia hội thảo sẽ góp chung tiếng nói, góp phần hoàn thiện những văn bản chiến lược có tính chất quan trọng quyết định cho sự phát triển toàn diện kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh và quốc phòng trong chặng đường phát triển của đất nước.

Hội nhập kinh tế quốc tế gắn với bình đẳng giới

Ghi nhận những nỗ lực của Hội LHPN Việt Nam trong việc tổ chức hội thảo góp ý Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII với chủ đề "Kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và tham gia các Hiệp định thương mại. Vai trò của phụ nữ và Hội LHPN Việt Nam", Thứ trưởng, Trưởng ban vì tiến bộ của phụ nữ Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh chia sẻ: Trải qua hơn 30 năm đổi mới, đất nước ta đã chủ động hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới, mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước, tham gia tích cực và có trách nhiệm tại các diễn đàn, tổ chức kinh tế - thương mại lớn như Tổ chức Thương mại Thế giới, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương… từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho tiển trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Trong quá trình hội nhập quốc tế đó, không thể không kể đến sự đóng góp của chị em phụ nữ, đặc biệt là các doanh nhân nữ. Tuy nhiên, để lợi ích của hội nhập kinh tế quốc tế được phân bố đồng đều hơn tới các nhóm đối tượng khác nhau trong xã hội, đặc biệt là phụ nữ, cần phải quan tâm giải quyết vấn đề bình đẳng giới và nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ. Trong đó có việc tạo điều kiện để phát triển các doanh nghiệp do nữ giới làm chủ. Vì vậy, bình đẳng giới cần được coi là ưu tiên quan trọng trong phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế để phát huy các tiềm năng của phụ nữ, góp phần đảm bảo tăng trưởng bền vững, tăng trưởng bao trùm và tiến bộ xã hội.

Hội nhập kinh tế quốc tế gắn với bình đẳng giới, phát huy vai trò của phụ nữ và Hội LHPN Việt Nam cũng là chủ đề được các nữ doanh nhân quan tân, tập trung làm rõ và thảo luận tại hội nghị.

Bà Hà Thị Thu Thanh (Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân nữ Việt Nam, Chủ tịch HĐTV công ty TNHH Deloitte Việt Nam) chia sẻ: Trong bối cảnh dịch Covid-19 có nhiều tác động chính trị - xã hội và tăng trưởng kinh tế tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, để đẩy mạnh mục tiêu phát triển kinh tế, cần triển khai nhiều biện pháp. Một trong số đó là định hướng một cách rõ ràng cho sự phát triển của phong trào nữ doanh nhân Việt Nam với mục tiêu là gia tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp. Qua đó, thúc đẩy bình đẳng giới thực sự trong khu vực kinh tế tư nhân, góp phần thúc đẩu sự nghiệp bình đẳng giới trong toàn xã hội.

Bình đẳng giới cũng là vấn đề bà Nguyễn Thị Tuyết Minh (Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân nữ Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng doanh nhân nữ Việt Nam) đề xuất được xem xét, lồng ghép trong các dự thảo văn kiện, như:

- Tăng cường các biện pháp can thiệp nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới thực chất cho cộng đồng, phụ nữ, thành viên gia đình, các nhà hoạch định chính sách.

- Điều chỉnh các chính sách và quy định pháp luật có liên quan để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho phụ nữ và thúc đẩy các doanh nghiệp do nữ doanh nhân làm chủ, đánh giá kỹ lưỡng tác động giới và việc lồng ghép giới trong chính sách;

- Xây dựng khung chiến lược quốc gia về thúc đẩy các doanh nghiệp do nữ doanh nhân làm chủ.

- Khuyến khích thị trường cung cấp các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh và nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp do nữ doanh nhân làm chủ;

- Xây dựng mạng lưới và trao quyền cho các tổ chức và cơ quan đại diện doanh nghiệp, đặc biệt là của các doanh nghiệp do nữ doanh nhân làm chủ…

Tại Hội thảo, đại biểu, nữ doanh nhân cũng tập trung tham luận, đóng góp ý kiến về các vấn đề liên quan đến vai trò của phụ nữ với các vấn đề liên quan đến tài chính, thuế, tổ chức hiệp hội doanh nhân nữ, doanh nghiệp xã hội… trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Các ý kiến sẽ được Hội LHPN Việt Nam tiếp thu, tổng hợp đầy đủ làm cơ sở quan trọng hoàn thiện nội dung xây dựng báo cáo đóng góp ý kiến của Hội gửi tới Ban soạn thảo nhằm phát huy tốt nhất vai trò của tổ chức Hội và các tầng lớp phụ nữ, nhân dân trong tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc XIII.

(phunuvietnam.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất