Thứ Sáu, 22/11/2024
Quảng Trị: Công đoàn chủ động đưa Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở vào cuộc sống
 
Công ty TNHH Dệt may VTJ Toms tổ chức hội nghị người Lao động năm 2024 


Sau khi Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được ban hành, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã chỉ đạo các LĐLĐ cấp huyện, công đoàn ngành chủ động nghiên cứu các quy định mới, phối hợp với chính quyền, chuyên môn đồng cấp tuyên truyền, triển khai, phổ biến luật, Nghị định số 59/2023/NĐ-CP ngày 14/8/2023 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở cùng các văn bản của Đảng, pháp luật của Nhà nước về dân chủ ở cơ sở hiện hành.

Đồng thời, tích cực tư vấn, hướng dẫn công đoàn cơ sở trong việc tham gia với thủ trưởng cơ quan, đơn vị, người sử dụng lao động xây dựng, sửa đổi quy chế dân chủ và tổ chức thực hiện dân chủ trong từng loại hình cơ quan, đơn vị, DN theo những quy định mới của luật.

LĐLĐ cấp huyện, công đoàn ngành đã tổ chức các lớp tuyên truyền, phổ biến luật, tham gia với cấp ủy, chính quyền đồng cấp ban hành văn bản chỉ đạo việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tiêu biểu như: Công đoàn Viên chức tỉnh kịp thời tổ chức tuyên truyền, tập huấn về những điểm mới của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở cho 50 cán bộ công đoàn chủ chốt; LĐLĐ huyện Hướng Hóa phối hợp với UBND huyện ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức hội nghị CBCCVC, NLĐ trên địa bàn huyện năm 2024.

Kết quả, đến nay, đã có 96% cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp (có CĐCS) tổ chức hội nghị CBCCVC, NLĐ. Hầu hết ở các cơ quan, đơn vị, quá trình triển khai thực hiện được sự chỉ đạo sâu sát của cấp ủy đảng, sự phối hợp chặt chẽ giữa chuyên môn và công đoàn.

Phó Chủ tịch Công đoàn Viên chức tỉnh Võ Thị Thương cho biết: “Các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp trực thuộc Công đoàn Viên chức tỉnh đã áp dụng những điểm mới của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở vào công tác tổ chức hội nghị CBCCVC, NLĐ, đảm bảo quy trình, thành phần, nội dung, trình tự theo quy định pháp luật hiện hành”.

“Qua theo dõi, ngoài những nội dung cơ bản không thay đổi về kiểm điểm việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; kiểm điểm việc thực hiện nghị quyết hội nghị CBCCVC, NLĐ năm 2023, những quy định về thực hiện dân chủ tại cơ quan, đơn vị; kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện kế hoạch công tác hằng năm; công tác thi đua khen thưởng...

Năm nay, tại các hội nghị còn thảo luận và quyết định các nội dung được CBCCVC, NLĐ bàn và quyết định theo quy định tại Điều 49 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (quy định mới) như: việc thu, chi, quản lý, sử dụng các khoản đóng góp của CBCCVC, NLĐ tại cơ quan, đơn vị ngoài các khoản đã được pháp luật quy định; các công việc tự quản khác trong nội bộ cơ quan, đơn vị.

Thực hiện các nội dung về công khai thông tin; lấy ý kiến của CBCCVC, NLĐ trước khi người đứng đầu cơ quan, đơn vị quyết định về kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC; bầu cử, bổ nhiệm CBCCVC; việc thực hiện chế độ, chính sách liên quan đến quyền và lợi ích của CBCCVC, NLĐ; các biện pháp cải tiến tổ chức, hoạt động và lề lối làm việc; dự thảo quy chế thực hiện dân chủ của cơ quan, đơn vị; các dự thảo nội quy, quy chế khác của cơ quan, đơn vị”, bà Võ Thị Thương chia sẻ thêm.

Đối với khu vực DN, có 100% DN nhà nước, 62% DN ngoài nhà nước (có CĐCS) đã tổ chức hội nghị NLĐ năm 2024. Về cơ bản các DN đã cập nhật, bổ sung, thực hiện đúng theo quy định của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở... Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ quan, đơn vị, DN vẫn chưa rà soát, sửa đổi và tổ chức thực hiện quy chế dân chủ theo quy định mới.

Việc tổ chức hội nghị CBCCVC, NLĐ tại một số nơi vẫn còn lồng ghép với tổng kết chuyên môn; chưa thực hiện đầy đủ các nội dung, chưa đảm bảo trình tự theo luật định; chưa đi sâu đánh giá, kiểm điểm kết quả thực hiện quy chế dân chủ; chưa thực hiện công khai các nội dung về kinh phí hoạt động, công tác đào tạo, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật; chưa đề cập việc đánh giá, kiểm điểm trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị...

Nhằm hướng dẫn cụ thể việc áp dụng các quy định của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và Nghị định 59/2020/NĐ-CP vào việc thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị, DN, LĐLĐ tỉnh đã triển khai Hướng dẫn số 11/HD-TLĐ ngày 14/3/2024 của Tổng LĐLĐ về công đoàn tham gia thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Tài Minh cho biết: “Thời gian tới, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh, công đoàn cấp huyện, ngành đưa nội dung hướng dẫn công đoàn tham gia thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định mới vào chương trình tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ CĐCS, trong đó chú trọng khu vực DN, tổ chức sử dụng lao động, góp phần thực hiện hiệu quả khâu đột phá về “đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, điều kiện và thời giờ làm việc” của Đại hội Công đoàn tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2023-2028.

Bên cạnh đó, LĐLĐ tỉnh chỉ đạo công đoàn cấp huyện, ngành lựa chọn mỗi loại hình CĐCS ít nhất 1 cơ quan, đơn vị, DN để trực tiếp hỗ trợ CĐCS, tập thể CBCCVC, NLĐ tổ chức làm điểm, rút kinh nghiệm, triển khai thực hiện diện rộng ở các cơ quan, đơn vị, DN khác.

Đồng thời, tăng cường nội dung kiểm tra, giám sát về tham gia thực hiện dân chủ ở cơ sở đối với các CĐCS trực thuộc, kịp thời có ý kiến với cấp có thẩm quyền trong việc đôn đốc, nhắc nhở, chấn chỉnh các cơ quan, đơn vị, DN triển khai thực hiện theo quy định, đảm bảo quyền và lợi ích của CBCCVC, NLĐ”.

(baoquangtri.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi