Thứ Sáu, 29/11/2024
Nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong việc ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam
 

Quang cảnh cuộc họp

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Trưởng Ban Chỉ đạo; Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hầu A Lềnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cùng các đồng chí Phó Trưởng Ban chỉ đạo: Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh và Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, đồng chủ trì Hội nghị.

Báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, năm 2019, Ban Chỉ đạo các các cấp đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, chỉ đạo, tổ chức tổng kết đánh giá nghiêm túc, đúng thực chất việc triển khai thực hiện Cuộc vận động trong 10 năm qua. Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các cấp tiếp tục được kiện toàn, xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, tích cực triển khai thực hiện Cuộc vận động; chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với cơ quan truyền thông trong công tác tuyên truyền, thông tin về Cuộc vận động; thường xuyên đôn đốc các các tổ chức chính trị - xã hội trong việc phối hợp, triển khai thực hiện Cuộc vận động.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, đơn vị đã đổi mới, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, xây dựng uy tín thương hiệu doanh nghiệp với người tiêu dùng, không ngừng cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, ra mắt sản phẩm mới; áp dụng khoa học công nghệ, quản trị doanh nghiệp hiện đại, tiết kiệm chi phí nhằm hạ giá thành sản phẩm; đề cao trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng…

Sở Công Thương 63 tỉnh, thành phố tổ chức được hơn 100 đợt bán hàng về nông thôn với khoảng 2.000 lượt doanh nghiệp tham gia, thu hút hơn 200.000 lượt người tới tham quan mua sắm, mang lại doanh thu khoảng 80 tỷ đồng; tiếp nhận, theo dõi khoảng 700 đợt bán hàng về nông thôn với hơn 2.000 lượt doanh nghiệp tham gia, thu hút hơn 100.000 lượt người. Các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý 221.703 vụ việc vi phạm về hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại.., thu nộp ngân sách Nhà nước trên 21 tỷ đồng.

Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu tập trung làm rõ kết quả đạt được và những mặt tồn tại; đồng thời đề xuất nhiều giải pháp để tiếp tục làm tốt hơn Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống, trong năm 2020, cần quan tâm thúc đẩy mạnh mẽ, thực chất ngành công nghiệp phụ trợ, tạo cơ sở phát triển sản xuất trong nước một cách bền vững, tránh phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài; thúc đẩy thực hiện hiệu quả các đề án phát triển thương hiệu quốc gia, nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt Nam để hàng hóa trong nước không chỉ chinh phục người Việt Nam mà còn chinh phục thị trường thế giới.

Nêu thực trạng hàng không rõ nguồn gốc đội lốt hàng Việt, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng cho rằng, việc chống hàng giả, hàng nhái phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là chính quyền các địa phương nơi có sản phẩm hàng Việt sản xuất và xuất khẩu.

Ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của các cấp, ngành, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp trong việc thực hiện Cuộc vận động, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước đã và đang có những chủ trương, chính sách quyết liệt, rõ ràng, tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp phát triển, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát. Nhấn mạnh nhiệm vụ hàng đầu hiện nay là phòng, chống dịch COVID-19, ông Trần Thanh Mẫn đánh giá cao Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động đã đưa ra những giải pháp cụ thể, khẳng định quyết tâm đổi mới từ việc vận động, thuyết phục, tạo niềm tin trong nhân dân đối với các sản phẩm hàng Việt.

Để hàng Việt tạo sức lan tỏa tới thị trường quốc tế, theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cần huy động sự vào cuộc của hàng triệu kiều bào Việt Nam trong giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm, phát triển các kênh phân phối tới người Việt Nam ở nước ngoài; đồng thời, cần sử dụng hiệu quả thương mại điện tử xuyên biên giới, thay đổi hình thức tiếp thị quảng cáo, tài liệu tuyên truyền phù hợp với điều kiện thực tế tại mỗi địa phương; nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong việc sử dụng hàng Việt, từ đó khẳng định vị trí của hàng Việt Nam trên thị trường.

Đồng chí Trần Thanh Mẫn đề nghị các ban, bộ, ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm; có những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm; tạo tính cạnh tranh về giá cả, mẫu mã hàng hóa; đẩy mạnh hoạt động quảng bá, cung cấp thông tin để khách hàng có cơ sở phân biệt hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng lưu hành trên thị trường; phát triển hệ thống bảo hành, bảo dưỡng sản phẩm, chăm sóc khách hàng. Bên cạnh đó, cần tạo môi trường pháp lý thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp Việt phát triển sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh, mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại tại các địa phương.

(TTXVN)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất