Sáng 7/3, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị sơ kết hoạt động chương trình giám sát về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia trong lĩnh vực Thuế và Hải quan năm 2015 và thống nhất kế hoạch năm 2016.
Hội nghị do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam; Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Bộ Tài chính, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam; Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam phối hợp tổ chức.
Các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI chủ trì Hội nghị.
Năm 2015, nội dung giám sát thực hiện cải cách hành chính thuế và hải quan tập trung vào việc thu nhận phản ánh thực tế của các hiệp hội doanh nghiệp, những tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp. Không chỉ thu thập kiến nghị, vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp trong lĩnh vực thuế, hải quan mà còn ghi nhận các đánh giá về tình hình thực hiện, tác động của Nghị quyết 19/NQ-CP đối với quá trình cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Trong năm 2015, các đơn vị đã tiến hành một cuộc điều tra xã hội học đối với hiệp hội doanh nghiệp, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; tổ chức chương trình giám sát tại địa phương: thảo luận nhóm với các doanh nghiệp và phỏng vấn sâu từng doanh nghiệp tại 6 tỉnh, thành phố…
Theo đánh giá của các đơn vị thực hiện, chương trình giám sát về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia trong lĩnh vực Thuế và Hải quan thực hiện đúng thời điểm, kết quả đáp ứng được yêu cầu và kế hoạch đặt ra. Chương trình đã đưa ra được những đánh giá khách quan và độc lập, góp phần thúc đẩy quá trình cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực này. Qua đó đã có những chuyển biến mạnh mẽ trong quá trình cải cách thủ tục hành chính, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Chương trình giám sát đã thúc đẩy vai trò chủ động của các thành viên MTTQ Việt Nam, trao quyền cho doanh nghiệp, tạo ra kênh kết nối hữu ích giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại một số khó khăn. Trong đó, khó khăn về tài chính là cản trở khá lớn do chương trình phát sinh nửa cuối năm 2015 nên không kịp thực hiện các thủ tục phê duyệt và bố trí ngân sách theo quy định chung của Nhà nước. Vì vậy, để triển khai năm 2015 các đơn vị phải chủ động tìm kiếm nguồn ngân sách khác. Mặt khác, lĩnh vực thuế, hải quan là hai lĩnh vực đòi hỏi thông tin và kiến thức chuyên sâu mà các thành viên của Chương trình giám sát đều không phải chuyên gia trong lĩnh vực này....
Năm 2016, chương trình giám sát tập trung vào việc phản ánh thực trạng cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan thông qua đánh giá của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hiệp hội doanh nghiệp, liên minh hợp tác xã; thu thập kiến nghị, tập hợp những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc tuân thủ các quy định của nhà nước trong lĩnh vực thuế, hải quan. Qua đó, có những khuyến nghị cải thiện chính sách phù hợp chuyển tới các cơ quan nhà nước liên quan; tiếp tục đánh giá việc thực hiện các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo tinh thần Nghị quyết 19/NQ-CP đối với các bộ, ngành, địa phương.
Theo đó, các cơ quan tiếp tục thực hiện giám sát hoạt động cải cách hành chính liên quan đến việc đơn giản hóa, thuận lợi hóa các thủ tục hành chính nhằm giảm bớt thời gian và chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Tập trung giám sát, khảo sát tại 13 tỉnh, thành phố có điều tiết ngân sách về Trung ương: Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bắc Ninh; tập trung rà soát, đánh giá các quy định pháp luật, các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực thuế, hải quan như việc thực hiện thủ tục khai và nộp thuế điện tử, công tác kiểm tra chuyên ngành trong hoạt động thông quan, sự đồng bộ trong việc thực hiện quy trình thủ tục hành chính lĩnh vực thuế, hải quan. Thời gian thực hiện từ tháng 7 – 10/2016…
Đại diện lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, năm 2015, Tổng cục Thuế tiếp tục rà soát, đánh giá các quy định pháp luật về thuế để kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp quy về thuế cho phù hợp. Đã trình Bộ Tài chính ban hành thông tư quy định về quản lý thuế theo đánh giá rủi ro để đảm bảo việc quản lý, phân loại người nộp thuế theo mức độ tuân thủ, nâng cao hiệu quả quản lý thuế mà không làm phiền đến các doanh nghiệp chấp hành tốt chính sách, pháp luật thuế; đơn giản hóa các quy trình, hồ sơ, thủ tục hành chính thuế để rút ngắn hơn nữa thời gian hoàn thành thủ tục khai, nộp thuế. Theo cách tính toán của Ngân hàng thế giới, với những cải cách này số giờ tuân thủ thuế đã giảm được 420 giờ…
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết, chương trình phối hợp giám sát thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực Thuế và Hải quan là cuộc giám sát có số tổ chức thành viên tham gia thứ nhì của Mặt trận (đứng đầu là Tổng rà soát chính sách ưu đãi người có công). Trong năm 2015, MTTQ và các tổ chức thành viên chọn 6 địa phương Hà Nội, Lào Cai, Đà Nẵng, Quảng Nam, Thành phố Hồ Chí Minh, An Giang để giám sát với độ sâu và độ rộng nhất định. Với kết quả này, năm 2016, chương trình giám sát mở rộng giai đoạn 2 ở 13 đơn vị đóng thuế nhiều nhất cả nước.
Đánh giá kết quả giám sát năm 2015 đạt kết quả tốt, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị, năm 2016, ở 13 đơn vị tổ chức đánh giá cần rút kinh nghiệm sự hài lòng của doanh nghiệp đối với dịch vụ liên quan tài chính, hải quan để từ đó tạo bức tranh tổng thể và có khen thưởng rõ ràng đối với những đơn vị có tiến bộ vượt bậc, góp phần đưa cả nước đứng thứ 4 trong khối ASEAN về cải cách thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực thuế, hải quan. Đồng thời nên có một hệ thống đánh giá từng tiêu chí, góp phần cải cách thủ tục hành chính và có chương trình tập huấn về công tác này…/.
Nguồn: dangcongsan.vn, ngày 7/3/2016